Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự

Ngày 12-5-2006, nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong việc áp dụng thống nhất pháp luật, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã thông qua Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS), theo đó 11 vấn đề quan trọng trong việc áp dụng BLHS sau đây đã được hướng dẫn cụ thể:

1. Về tình tiết "người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả", quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 của BLHS: bị cáo (không phân biệt là người đã thành niên hay người chưa thành niên) hoặc cha, mẹ của bị cáo chưa thành niên đã tự nguyện dùng tiền, tài sản để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nhưng người bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối nhận, nếu số tiền, tài sản đó đã được giao cho cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác quản lý để thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra thì bị cáo cũng được áp dụng tình tiết người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả" quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 của BLHS.


2. Về tình tiết "phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ có thai, người già" quy định tại điểm h khoản 1 Điều 48 của BLHS: Vấn đề này Nghị quyết hướng dẫn chỉ áp dụng tình tiết "phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ có thai, người già" đối với những trường hợp phạm tội do lỗi cố ý, không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của bị cáo có nhận biết được hay không nhận biết được người bị xâm hại là trẻ em, phụ nữ có thai, người già. "Trẻ em" được xác định là người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 1 của Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em. "Phụ nữ có thai" được xác định bằng các chứng cứ chứng minh là người phụ nữ đó mang thai. "Người già" được xác định là người từ 70 tuổi trở lên.

3. Về một số tình tiết quy định tại khoản 1 Điểu 1 04 của BLHS: Trong phần này Nghị quyết hướng dẫn việc áp dụng tình tiết "dùng hung khí nguy hiểm" quy định tại điểm a khoản 1; tình tiết "phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người" quy định tại điểm c khoản 1; tình tiết "đối với thầy giáo, cô giáo của mình" quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 104 của BLHS.

4. Về tình tiết "phạm tội nhiều lần" quy định tại điểm c khoản 2 Điều 254 của BLHS: Nghị quyết nêu rõ chỉ áp dụng tình tiết "phạm tội nhiều lần" đối với người chứa mại dâm khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Chứa mại dâm (không phân biệt tại một địa điểm hay tại các địa điểm khác nhau) một đôi hoặc nhiều đôi mua bán dâm khác nhau từ hai lần trở lên trong các khoảng thời gian khác nhau (không phân biệt thời gian dài hay ngắn).

- Chứa mại dâm hai đôi mua bán dâm trở lên độc lập với nhau trong cùng một khoảng thời gian;

- Chứa mại dâm một người mua bán dâm với hai người trở lên trong các khoảng thời gian khác nhau.

5. Về tình tiết "phạm tội có tính chất chuyên nghiệp" quy định tại điểm b khoản 1 Điều 48 và một số điều luật trong phần các tội phạm của BLHS: Về vấn đề này Nghị quyết hướng dẫn chỉ áp dụng tình tiết "phạm tội có tính chất chuyên nghiệp" khi có đầy đủ các điều kiện sau đây: Cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích; người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.

Khi áp dụng tình tiết "phạm tội có tính chất chuyên nghiệp" cần phân biệt: Đối với trường hợp phạm tội từ năm lần trở lên mà trong đó có lần phạm tội đã bị kết án, chưa được xóa án tích thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị áp dụng cả ba tình tiết là "phạm tội nhiều lần", "tái phạm" (hoặc "tái phạm nguy hiểm") và "phạm tội có tính chất chuyên nghiệp". Đối với tội phạm mà trong điều luật có quy định tình tiết "phạm tội có tính chất chuyên nghiệp" là tình tiết định khung hình phạt thì không được áp dụng tình tiết đó là tình tiết tăng nặng tương ứng quy định tại Điều 48 của BLHS. Trường hợp điều luật không có quy định tình tiết này là tình tiết định khung hình phạt thì phải áp dụng là tình tiết tăng nặng tương ứng quy định tại Điều 48 của BLHS.

6. Về tình tiết "đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm quy định tại một số điều luật của BLHS: Đối với các tội mà điều luật có quy định tình tiết "đã bị xử phạt hành chính về hành vi này còn vi phạm" và đã được hướng dẫn tại các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì thực hiện theo đúng hướng dẫn của các văn bản đó.

Đối với các tội mà điều luật có quy định tình tiết "đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm" nhưng chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền thì phân biệt như sau:

Đối với điều luật quy định một tội (tội đơn) thì "đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm" là trước đó một người đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi được liệt kê trong tội đó bằng một trong các hình thức xử phạm theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại thực hiện một trong những hành vi được liệt kê trong tội đó.

Đối với điều luật quy định nhiều tội khác nhau (tội ghép) thì "đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm" là trước đó một người đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi được liệt kê trong một tội tại điều luật đó bằng một trong các hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại thực hiện một trong những hành vi được liệt kê trong tội đó (không bao gồm các hành vi được liệt kê trong tội khác cũng tại điều luật đó).

7. Về tình tiết "đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm" quy định tại một số điều luật của BLHS: Vấn đề này Nghị quyết nêu khi áp dụng tình tiết này cần phân biệt: Trường hợp các tiền án của bị cáo đã được xem xét là dấu hiệu cấu thành tội phạm đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm" thì các tiền án đó không được tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm đối với bị cáo.

Trường hợp các tiền án của bị cáo không được xem xét là dấu hiệu cấu thành tội phạm "đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm" vì hành vi phạm tội của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì các tiền án của bị cáo phải tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm.

8. Về tội "không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính" quy định tại Điều 269 của BLHS: Trường hợp người đang chấp hành quyết định hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính nhưng trong thời gian chấp hành, người đó có những hành vi vi phạm nội quy của cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính và bị xử lý kỷ luật thì những lần bị xử lý ky luật đó không được coi là đã bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ theo Điều 269 của BLHS.

9. Về việc xác định trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội đánh bạc quy định tại Điều 248 của BLHS: Vấn đề này, Nghị quyết hướng dẫn đánh bạc được hiểu là nhiều người (ít nhất từ hai người trở lên) cùng tham gia thực hiện hành vi dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật, khi xác định trách nhiệm hình sự đối với người đánh bạc không được tính tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc, mà phải căn cứ vào từng lần đánh bạc để xem xét.

10. Về việc xác định trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi mua bán trái phép chất ma túy nhiều lần: Người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi mua bán trái phép chất ma túy từ hai lần trở lên, nếu tổng trọng lượng chất ma túy của các lần cộng lại dưới mức tối thiểu hoặc không xác định được tổng trọng lượng chất ma túy của tất cả các lần đã đến mức tối thiểu quy định tại các điểm g, h, I, k, l, m, n hoặc ở khoản 2 Điều 194 của BLHS thì họ không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy.

11. Về việc quyết định hình phạt tù đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội: Khi quyết định hình phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội thì cần thực hiện như sau:

a. Xác định mức hình phạt tương xứng với tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội như đối với trường hợp người phạm tội là người đã thành niên; b. Trường hợp người chưa thành niên phạm tội là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì hình phạt áp dụng đối với họ là 3/4 mức hình phạt áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội được xác định theo hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 11.1 này;

c. Trường hợp người chưa thành niên phạm tội là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì hình phạt áp dụng đối với họ là 1/2 mức hình phạt áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội được xác định theo hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 11.1 này.

(Theo Pháp luật Việt Nam)