Tuy nhiên, trên thực tế khi áp dụng quy định này cho thấy trong một số trường hợp còn chưa thống nhất về cách hiểu. Sau đây là một ví dụ:
Vợ chồng Ông Nguyễn Văn A và bà Nguyễn Thị B có hai người con trai là C và D nhưng đều đã chết khi còn bé, hai vợ chồng ông A bà B nhận bà K về làm con nuôi khi bà K mới 5 tuổi (con nuôi hợp pháp). Năm 1980 ông A chết không để lại di chúc, tài sản mà vợ chồng ông A bà B có được là 200m2 đất (đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất đứng tên bà B) và một ngôi nhà cấp 4. Bà K lấy chồng nhưng vẫn ở với bà B đến năm 1984 mới về quê chồng. Năm 1991 bà B chết không để lại di chúc. Sau khi bà B chết ông H (cháu gọi ông A bằng Bác) đến ở và quản lý toàn bộ tài sản của vợ chồng ông A bà B để lại. Năm 1993 bà K yêu cầu ông H trả lại toàn bộ tài sản do bố, mẹ bà để lại nhưng ông H không đồng ý, do ông H chưa có nhà nên bà K đã cho ông H ở nhờ thêm một thời gian. Tháng 12 năm 2005, do có nhu cầu sử dụng nhà đất nên bà K yêu cầu ông H trả lại nhà do bố, mẹ để lại.
Xung quanh vấn đề này hiện có hai quan điểm khác nhau, quan điểm thứ nhất cho rằng đây là tranh chấp về thừa kế, do đó theo quy định về thời hiệu khởi kiện tại Điều 645 BLDS thì bà K không còn thời hiệu khởi kiện nữa, mặc dù bà K là con nuôi của vợ chồng ông A bà B nhưng kể từ thời điểm bà B chết đến năm 2005 đã hơn 10 năm, do đó bà K đã hết quyền yêu cầu đòi tài sản do bố mẹ để lại.
Quan điểm thứ hai cho rằng đây là đòi lại tài sản do bố mẹ để lại mà không phải yêu cầu chia di sản hay xác nhận quyền thừa kế. Quan điểm này cho rằng, Điều 636 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại. Quy định này được hiểu là kể từ thời điểm người có tài sản chết, các quyền và nghĩa vụ của người thừa kế mặc nhiên phát sinh, tức là người thừa kế được quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật (Điều 631 BLDS), đồng thời cũng có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ về tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại (Điều 637 BLDS). Trong trường hợp này, ông A và bà B có hai người con nhưng đã chết lúc còn bé, do đó chỉ có bà K là người duy nhất được thừa kế theo pháp luật (thuộc hàng thừa kế thứ nhất) đối với di sản do ông A bà B để lại, bà K không thuộc trường hợp từ chối nhận di sản theo Điều 642 BLDS, cũng không thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản theo Điều 643 BLDS. Do vậy, sau khi bố mẹ chết, bà K mặc nhiên có các quyền và nghĩa vụ đối với tài sản mà bố mẹ bà để lại, việc ông H chiếm đoạt và sử dụng tài sản là không đúng với quy định của pháp luật, ông H không phải là người thừa kế theo pháp luật, cũng không phải là người thừa kế theo di chúc của vợ chồng ông A bà B. Vì vậy, với tư cách là người thừa kế duy nhất theo pháp luật, bà K có quyền khởi kiện ra Toà án để yêu cầu ông H trả lại tài sản do bố, mẹ Bà để lại.
Trần Thị Tuý