Mục đích của Chương trình nhằm triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả; phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp.
Trong giai đoạn năm 2010-2014, Chương trình cố gắng khắc phục cơ bản tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận với thông tin pháp luật. Trong giai đoạn 1 của Chương trình, lựa chọn một số địa phương triển khai điểm Chương trình, bảo đảm 95% doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận thường xuyên với thông tin pháp luật thông qua các hình thức phù hợp. Chương trình cũng đáp ứng cơ bản yêu cầu bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp và kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp. Trong giai đoạn thực hiện Chương trình phấn đấu tổ chức bồi dưỡng cho 65.000 người quản lý doanh nghiệp; 9.700 cán bộ pháp chế doanh nghiệp. Giai đoạn năm 2010-2014 sẽ hình thành mạng lưới tư vấn pháp luật gồm Luật gia, Tư vấn viên pháp luật và cộng tác viên tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa bàn kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn [1]. Bảo đảm 80% doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn được hỗ trợ tư vấn về các nội dung cơ bản của pháp luật kinh doanh; xây dựng mô hình tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các địa phương được chọn làm điểm; nâng cao năng lực của các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Trong giai đoạn 1 của Chương trình, các địa phương được lựa chọn làm điểm được tăng cường năng lực để đáp ứng yêu cầu tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Trên cơ sở kết quả triển khai điểm ở giai đoạn 1, tổ chức nhân rộng kết quả tại các địa phương khác trong giai đoạn 2.
Chương trình gồm những nội dung như sau:
- Xây dựng nội dung, xác định cụ thể hoạt động ưu tiên và kế hoạch chi tiết thực hiện chương trình.
- Thực hiện thông tin pháp lý cho doanh nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau, bảo đảm thông tin đầy đủ, kịp thời, có hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thực tiễn pháp lý trong kinh doanh cho các doanh nghiệp.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình phổ biến kiến thức cơ bản về pháp luật kinh doanh trên các phương tiện thông tin đại chúng cho doanh nghiệp.
- Tổ chức thực hiện các chương trình bồi dưỡng kiến thức cơ bản về pháp luật kinh doanh[2] cho người quản lý doanh nghiệp.
- Tổ chức bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ pháp chế cho cán bộ pháp chế của doanh nghiệp.
- Xây dựng mạng lưới tư vấn pháp luật cho các doanh nghiệp tại các địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án điểm về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại một số địa phương đại diện cho các vùng miền.
- Xây dựng và thực hiện các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực cho các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP.
- Giám sát, đánh giá, tổng kết việc thực hiện chương trình để đề xuất các hoạt động nhằm phát huy kết quả của chương trình và nhân rộng mô hình điểm.
Các hoạt động trên được tổ chức thực hiện theo 3 dự án sau đây:
Dự án 1: Hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động thông tin pháp lý cho doanh nghiệp
- Điều tra, khảo sát, đánh giá hoạt động thông tin pháp lý cho doanh nghiệp.
- Hỗ trợ phát triển Trang thông tin điện tử hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của một số Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức đại diện của doanh nghiệp.
- Hỗ trợ các Chương trình phổ biến pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp trên một số phương tiện phát thanh, truyền hình.
- Tổ chức các hội thảo, diễn đàn, toạ đàm về các chuyên đề pháp luật kinh doanh nhằm trao đổi kinh nghiệm, khuyến cáo các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật.
Dự án 2: Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên một số hoạt động cụ thể
- Điều tra, khảo sát, xác định nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên một số hoạt động (sẽ được phối hợp, lồng ghép với hoạt động a của Dự án 1) .
- Bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp.
- Bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp.
- Hỗ trợ thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.[3]
Dự án 3: Tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
- Điều tra, khảo sát thực trạng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (sẽ được phối hợp, lồng ghép với hoạt động a của Dự án 1 và Dự án 2).
- Xây dựng tiêu chí, yêu cầu đối với cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; xây dựng quy trình chuẩn của hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
- Xây dựng nội dung chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh và kỹ năng, nghiệp vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đối với các cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
- Thực hiện thí điểm một số hoạt động tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức có chức năng thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại một số địa phương nhằm xây dựng mô hình hiệu quả áp dụng trên phạm vi toàn quốc.
Cơ quan chủ trì thực hiện các Dự án là Bộ Tư pháp. Các cơ quan phối hợp: Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Uỷ ban nhân dân một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp.
Trần Minh Sơn
[1] Gồm 54 địa phương theo Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
[2] Bồi dưỡng kiến thức cơ bản về pháp luật kinh doanh bao gồm: pháp luật về hợp đồng, sở hữu, thực hiện quyền sở hữu, quyền và nghĩa vụ của người quản lý doanh nghiệp, thực thi pháp luật, pháp luật về thuế, hải quan (tập trung vào việc cải cách thủ tục hành chính, quản lý thuế, hải quan điện tử) pháp luật xử lý vi phạm trong kinh doanh, giải quyết tranh chấp, phá sản,...
[3] Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.