Không ưu tiên biện pháp tước đoạt tự do
Theo Uỷ ban quyền trẻ em của LHQ, một chính sách toàn diện của tư pháp đối với NCTN cần đáp ứng các yếu tố cơ bản: phòng ngừa tội phạm vị thành niên; can thiệp không sử dụng các thủ tục tư pháp và can thiệp trong điều kiện thủ tục tư pháp; độ tuổi tối thiểu chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) và những giới hạn độ tuổi đối với tư pháp vị thành niên; những bảo đảm cho một phiên toà xét xử công bằng; và việc tước đoạt tự do dưới hai hình thức giam giữ trước và sau khi xét xử.
Trên cơ sở các yếu tố này, Uỷ ban cũng khuyến nghị các quốc gia thành viên đảm bảo để NCTN phạm tội, kể cả tái phạm, có quyền được đối xử theo hướng khuyến khích tái hoà nhập cộng đồng và đảm bảo thừa nhận vai trò của NCTN trong xây dựng xã hội. Bên cạnh đó, việc tước đoạt quyền tự do (bắt, giam, giữ) của NCTN chỉ nên được sử dụng như biện pháp cuối cùng. Nghĩa là các quốc gia thành viên có nghĩa vụ thúc đẩy các biện pháp xử lý không sử dụng thủ tục tư pháp đối với NCTN phạm pháp trong trường hợp NCTN thực hiện các vi phạm nhỏ (trộm cắp vặt, vi phạm quyền sở hữu khác với những thiệt hại có giới hạn hoặc vi phạm lần đầu…). Đặc biệt Uỷ ban cho rằng, trong quá trình tư pháp đối với NCTN những yếu tố khác như chăm sóc, hướng dẫn, giám sát, quản lý, nuôi dưỡng, các chương trình giáo dục và đào tạo và những lựa chọn khác phải được cung cấp đầy đủ.
Những khuyến nghị này nhằm thúc đẩy sự hoà nhập chính sách tư pháp đối với NCTN toàn diện ở tầm quốc gia theo các chuẩn mực quốc tế. Bà Nguyễn Thanh Trúc – Chuyên viên Vụ Hành chính Hình sự (Bộ Tư pháp) – nhấn mạnh, áp dụng các biện pháp tước đoạt tự do để răn đe, trừng phạt NCTN phạm tội không hề có lợi cho bản thân họ và xã hội. Vì vậy, một trong những nội dung được sửa đổi trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung BLHS của Việt Nam là nguyên tắc xử lý đối với NCTN phạm tội (Điều 69). Nguyên tắc này nêu rõ: “Việc xử lý NCTN phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Khi xem xét xử lý NCTN phạm tội, lợi ích tốt nhất của NCTN cần được quan tâm hàng đầu” (khoản 1 Điều 69 Dự án Luật sửa đổi, bổ sung BLHS).
Hiệu quả phụ thuộc người thực thi
Để đảm bảo thực hiện đúng đắn và hiệu quả nguyên tắc xử lý đối với NCTN phạm tội, trước hết phụ thuộc vào trình độ của những người trực tiếp thực thi tư pháp đối với NCTN như công an, KSV, thẩm phán, đại diện pháp luật cho NCTN, giám thị... Vì thế, hiệu quả đào tạo những người này đóng một vai trò quan trọng trong thực thi tư pháp đối với NCTN đúng với nguyên tắc tại Điều 69 nêu trên. Họ phải được đào tạo liên tục, có hệ thống để có những hiểu biết đầy đủ về sự phát triển tâm sinh lý, thể chất và xã hội của NCTN, cũng như nhu cầu đặc biệt của những NCTN thuộc nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em gái, đường phố, khuyết tật, tị nạn, dân tộc thiểu số...
Luật pháp Việt Nam cũng như quốc tế đề cao các biện pháp giáo dục tại cộng đồng (địa phương, nhà trường, đoàn thể) để NCTN phạm tội có thể nhanh chóng tái hoà nhập xã hội và xoá được những ảnh hưởng tiêu cực do các hành vi sai phạm trong quá khứ. Ông Nguyễn Ngọc Quán – Chủ tịch HLG quận Tây Hồ - khẳng định, nếu giải quyết được tư pháp phục hồi hoặc xử lý chuyển hướng (giáo dục tại cộng đồng, bồi thường, phạt tiền…) nhất là với NCTN sẽ mang lại lợi ích hơn hình thức phạt tù theo BLHS.
Nhưng thực tế ở Việt Nam, vai trò của cộng đồng tham gia quá trình cải tạo, giáo dục NCTN phạm tội cũng như ngăn ngừa NCTN phạm tội còn quá lỏng lẻo và hình thức. Theo nhận định của bà Phạm Thị Yến - Vụ Dân tộc (Văn phòng Quốc hội), một trong những nguyên nhân của vấn đề này là do hiện nay đang thiếu đội ngũ cán bộ xã hội (CBXH), cán bộ cộng đồng. Trong khi đó sinh viên ra trường nhưng không biết xin vào đâu, ngoài bệnh viện, để làm công tác xã hội vì CBXH tuy đã có mã ngành nhưng chưa có mã nghề. Kinh nghiệm của Philippines cho thấy, CBXH có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của các biện pháp tư pháp phục hồi đối với NCTN nên vai trò của CBXH được thể hiện rõ trong các văn bản pháp lý liên quan. Thêm vào đó, mọi biện pháp xử lý chuyển hướng đối với NCTN phạm tội đều có sự phối hợp của nhiều cơ quan khác nhau với CBXH. Nhờ đó, các biện pháp cải tạo tại cộng đồng được áp dụng hiệu quả để giúp NCTN phạm tội tái hoà nhập cộng đồng.
Nên có toà án riêng cho NCTN phạm tội
BLHS hiện hành dành hẳn một chương (chương X) quy định đối với NCTN phạm tội theo nguyên tắc xử lý đã quy định tại điều 69. Nhưng thực tiễn xét xử cho thấy, trong nhiều vụ án có NCTN, Hội đồng xét xử vẫn áp nguyên hình phạt đối với từng loại tội phạm được quy định trong BLHS và xử tù các bị cáo CTN trong khi có thể áp dụng các hình phạt ngoài giam giữ như giáo dục tại xã phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; phạt cảnh cáo... Xuất phát từ thực tế kinh tế - xã hội cũng như tâm lý nghề nghiệp, có rất nhiều lý do để cơ quan tiến hành tố tụng không áp dụng các biện pháp ngoài giam giữ để xử lý NCTN phạm tội. Nhưng xét cho cùng, việc đánh đồng người phạm tội ở mọi lứa tuổi như nhau đang gây nhiều bức xúc cho dư luận, ảnh hưởng đến hoạt động xét xử.
Song theo kết quả khảo sát của Phòng bảo vệ trẻ em (UNICEF tại Việt Nam), phần lớn ý kiến của các cơ quan tiến hành tố tụng đều cho rằng cần có Toà án riêng biệt cho NCTN, nhất là khi Việt Nam đã tham gia phê chuẩn Công nước về quyền trẻ em của Liên hợp quốc. Hiện nhiều nước thành viên của Công ước này đã có Toà án dành cho NCTN. Vì thế, theo nhiều chuyên gia pháp lý, nên thành lập Toà án này ở Việt Nam để góp phần có một hệ thống tư pháp thực sự phù hợp với NCTN. Tuy nhiên, toà án này hoạt động theo mô hình nào, khi nào thành lập... thì lại cần phải có những cơ sở khoa học và thực tiễn, cũng như sự đồng thuận của các cơ quan quản lý Nhà nước./.
Huy Anh
Nguyên tắc xử lý đối với NCTN phạm tội: - NCTN phạm tội có thể được miễn TNHS, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục. - Việc truy cứu TNHS NCTN phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm về nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm. - Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với NCTN phạm tội, thì Toà án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 70 của Bộ luật này. Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được ưu tiên áp dụng. - Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với NTCN phạm tội. Khi áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội cần hạn chế áp dụng hình phạt tù. Khi xử phạt tù có thời hạn, Toà án cho NCTN phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng và trong thời gian ngắn nhất có thể. (trích Điều 69 Dự án Luật sửa đổi, bổ sung BLHS) |