Nợ công cần được kiểm toán hàng năm
Theo thông lệ quốc tế thì DNNN cũng là đối tượng điều chỉnh của nợ công. Tuy nhiên, dự thảo Luật không đưa đối tượng này vào vì cho rằng ở Việt Nam, nợ của DNNN, nợ của các đơn vị sự nghiệp công cũng như nợ của các định chế tài chính nhà nước đã có những hệ thống pháp luật liên quan điều chỉnh. Chính phủ cho rằng việc đưa nợ tự vay tự trả của DNNN vào nợ công có nghĩa là Nhà nước thừa nhận trách nhiệm quản lý của mình đối với các khoản nợ này và vì vậy sẽ làm tăng trách nhiệm của Nhà nước, gây bất lợi cho Nhà nước trong các quan hệ khi xảy ra tranh chấp, nhất là trong quan hệ quốc tế. Đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh và nhiều đại biểu khác chưa đồng tình với lý giải này mà cho rằng nợ của DNNN là nợ khu vực công, DNNN đi vay nợ, nhất là vay nợ trực tiếp nước ngoài xét cho cùng thì vẫn là Nhà nước nợ. Vì vậy, nếu Dự thảo luật không điều chỉnh việc quản lý nợ của DNNN thì sẽ tạo “khoảng trống” pháp lý đối với quản lý nợ khu vực DNNN, tất yếu dẫn đến tình trạng buông lỏng quản lý, gây hậu quả cho nền kinh tế, tác động xấu đến ổn định ngân sách nhà nước. Các đại biểu cũng cho rằng, thực tế cho thấy, Nhà nước đã phải chi trả, xử lý tài chính đối với nhiều DNNN khi giải thể, phá sản, do đó, để phản ánh chính xác thực trạng nợ của khu vực công, của an ninh tài chính quốc gia, nhất là nghĩa vụ báo cáo, cung cấp thông tin, điều kiện vay, trả nợ..., mọi khoản vay nợ của DNNN đều phải được điều chỉnh trong Luật này.
Đại biểu Nguyễn Thị Mỹ Hương, thành phố Đà Nẵng đề nghị nợ công phải được kiểm toán hàng năm và Quốc hội phải phê duyệt các khoản bảo lãnh nợ công trước khi phát hành, từ trước tới nay, pháp luật không quy định điều này, bởi vậy, cần bổ sung vào Luật quản lý nợ công.
Muốn một đầu mối thì phải dứt điểm
Cũng thảo luận về dự án Luật này, nhiều đại biểu băn khoăn khi một trong những mục tiêu quan trọng của việc xây dựng Luật quản lý nợ công là sửa đổi các quy định hiện hành về phân công thực hiện chức năng quản lý nợ để khắc phục tồn tại trong cơ chế quản lý đang bị phân tán hiện nay, nhằm bảo đảm nguyên tắc quản lý nợ tập trung, thống nhất về một đầu mối, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn vay. Tuy nhiên, nếu đối chiếu với yêu cầu xây dựng luật thì mục tiêu này chưa đạt được. Về vai trò đại diện cho Nhà nước ký kết các hiệp định vay nợ, Dự thảo luật quy định Bộ Tài chính là đầu mối nhưng lại cũng giao cho Ngân hàng nhà nước nhiệm vụ: “... tiến hành đàm phán, ký kết các thoả thuận vay, là đại diện cho Người vay tại các thoả thuận vay này hoặc gia nhập các điều ước quốc tế về ODA theo uỷ quyền của Chủ tịch nước, Chính phủ”, đồng thời lại giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư: ”chủ trì đàm phán và ký kết các Điều ước quốc tế khung về ODA theo sự uỷ quyền hoặc phân công của Thủ tướng Chính phủ”. Như vậy, thực chất, chức năng quản lý nợ giữa các cơ quan nhà nước vẫn còn rất phân tán. Chỉ riêng chức năng đàm phán, ký kết các thoả thuận vay đã có ba cơ quan là đầu mối thực hiện; ngoài ra, cả Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước đều giữ vai trò là đại diện cho Người vay tại các thoả thuận vay khác nhau; cùng là uỷ quyền để đàm phán, ký kết các thoả thuận vay song có trường hợp do Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền, có trường hợp lại do Chủ tịch nước hoặc Chính phủ uỷ quyền...Các đại biểu cho rằng, đã thống nhất một đầu mối thì phải dứt điểm, chỉ giao cho một cơ quan là Bộ Tài chính thực hiện chức năng trực tiếp quản lý nợ công.
Hôm nay (5/11), Quốc hội sẽ nghe các Báo cáo, Tờ trình và thảo luận ở hội trường việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước ở các Bộ, ngành, địa phương từ năm 2005 đến năm 2007.
La Thành