Từ phía các quốc gia khác
Một số quốc gia, nhất là các quốc gia châu Á, tỏ ra lo ngại về tính khách quan và vô tư trong hoạt động của ICC. Có quan điểm cho rằng, hoạt động của ICC đe doạ chủ quyền của các quốc gia và nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia như Hiến chương Liên Hợp quốc đã khẳng định. Mặt khác, lại có quan điểm cho rằng, hoạt động tố tụng của ICC sẽ bị chi phối bởi các động cơ chính trị, đặc biệt là khi công tố viên có địa vị độc lập quá lớn, có thể dẫn đến sự lạm quyền và lợi dụng.
Việc nhiều cường quốc trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc, từ chối tham gia Quy chế Rome đã tác động đến nhiều quốc gia phát triển. Không những thế, Hoa Kỳ còn vận động các nước ký kết Hiệp định song phương về miễn trừ (BIA) với mình. Trong khi Quy chế Rome không hề có quy định nào ngăn cấm các quốc gia thành viên không được ký kết BIA với Hoa Kỳ. Việc làm trên đã xói mòn nghiêm trọng những nguyên tắc nền tảng của Quy chế Rome, bởi nội dung của BIA là các quốc gia ký kết phải cam kết không truy tố và xét xử những binh sỹ và công dân Hoa Kỳ về các tội phạm trong Quy chế Rome. Những quốc gia được Hoa Kỳ đề xuất, nếu không tham gia ký kết BIA, có thể phải gánh chịu những hậu quả bất lợi về nhiều mặt (như cắt đứt quan hệ ngoại giao, không cung cấp viện trợ, cấm vận kinh tế…).
Mật độ tham gia Quy chế Rome của các khu vực, châu lục trên thế giới có sự chênh lệch khá rõ, cao nhất là khu vực châu Âu và thấp nhất ở khu vực châu Á. Tính đến nay, trong số 30 quốc gia vùng Nam Á, Đông Nam Á, Đông Bắc Á và Trung Á, chỉ có 6 nước đã phê chuẩn hoặc gia nhập, có 5 nước đã ký nhưng chưa phê chuẩn. Một nguyên nhân quan trọng khiến tỷ lệ tham gia Quy chế Rome tại khu vực châu Á thấp vì đây là một trong những khu vực đang chịu sự tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong việc ký kết BIA với Hoa Kỳ.
Từ phía Quy chế Rome
Với nguyên tắc chỉ mang tính bổ sung cho hệ thống tư pháp quốc gia và ICC chỉ vào cuộc để đưa vụ việc ra xét xử khi hệ thống toà án của quốc gia thành viên bất lực hoặc không chịu xét xử vụ việc. Điều này lại do ICC phân xử và như vậy, lúc nào ICC cũng có thể nhảy vào cuộc để xét xử một vụ việc xảy ra ở một quốc gia thành viên bất kỳ. Có thể thấy, đó là một rủi ro lớn đối với các quốc gia thành viên liên quan đến việc bảo vệ chủ quyền của họ.
Việc chưa đưa ra được khái niệm về tội xâm lược khiến nhiều người suy nghĩ và tự đặt câu hỏi phải chăng không thể nêu ra khái niệm về loại tội phạm này hay nó mang tính nhạy cảm gây ảnh hưởng bất lợi cho một số nước được coi là cường quốc. Ngoài ra, một số ý kiến đánh giá, Quy chế Rome vẫn có những quy phạm chưa đúng và chưa đầy đủ về quy trình.
Thực tế kết quả hoạt động của ICC trong những năm qua cho thấy, số lượng vụ việc được đưa ra xét xử là quá ít (mới điều tra hoặc truy tố được 9 vụ) so với một cơ quan tài phán có quy mô và phạm vi hoạt động rộng lớn như ICC. Không ít người băn khoăn, liệu trong tương lai, sự phát triển của ICC có thể đạt được đúng mong muốn của các nhà sáng lập hay không?
Về phía Việt Nam
Chúng ta chưa có được nhiều sự chuẩn bị để khi gia nhập Quy chế Rome có thể hoàn thành các nghĩa vụ với ICC như các quốc gia khác. Chẳng hạn, hệ thống văn bản pháp luật về hình sự nói chung của Việt Nam còn nhiều điểm chưa có sự tương đồng với Quy chế Rome, nhất là phần các tội danh, hình phạt, một số nguyên tắc áp dụng, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự… Năng lực hoạt động của các cơ quan tư pháp Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được tốt các yêu cầu của Quy chế Rome, trong công tác xét xử vẫn có tình trạng tồn đọng án, xét xử oan sai, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tư pháp chưa chặt chẽ và hiệu quả… Việt Nam thiếu nhiều cán bộ, chuyên gia giỏi về pháp luật quốc tế, đặc biệt là luật hình sự quốc tế, để có thể đảm trách tốt công tác nghiên cứu, vận dụng Quy chế Rome.
Trên hết, về mặt nhận thức, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng ICC chưa phải là vấn đề cấp bách vì Việt Nam đang có một nền hoà bình và ổn định, hơn nữa ICC không liên quan đến những lợi ích kinh tế trước mắt dễ nhận thấy nên chưa cần thiết phải nghiên cứu, gia nhập Quy chế Rome.
Box: Các nghĩa vụ với ICC bao gồm có trách nhiệm đưa những người phạm các tội được quy định tại Quy chế Rome ra trước công lý (vụ việc có thể được xét xử bởi toà án trong nước hoặc được đưa ra ICC xét xử theo quy định của Quy chế Rome); có trách nhiệm hợp tác đầy đủ với ICC trong việc điều tra, truy tố tội phạm thuộc quyền tài phán của Toà án này và trong việc thi hành án nhằm bảo đảm hiệu lực của bản án; xác định một cơ quan chuyên trách hoặc kiêm nhiệm có chức năng giúp chính phủ trong việc tiếp nhận và thực hiện các yêu cầu hợp tác từ phía ICC…
Hoàng Thư