Theo Nghị định này, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa là một năm, riêng đối với vi phạm trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm văn hóa thì thời hiệu là hai năm, kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện. Nếu quá thời hiệu nói trên mà vi phạm hành chính mới bị phát hiện thì không tiến hành xử phạt nhưng vẫn áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này. Người có thẩm quyền xử phạt nếu có lỗi trong việc để quá thời hiệu xử phạt thì bị xử lý theo quy định tại Điều 121 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002.
Nghị định quy định phạt tiền từ 02 triệu đồng đến 05 triệu đồng đối với một trong các hành vi: tự tiện thêm bớt lời ca, lời thoại hoặc thêm động tác diễn xuất khác với khi duyệt cho phép công diễn gây hậu quả xấu; mặc trang phục, hóa trang gây phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; tự tiện thay đổi trang phục khác với trang phục đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền duyệt và cho phép. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 01 triệu đồng đối với các hành vi: cho người say rượu, bia vào vũ trường, nơi khiêu vũ công cộng, phòng karaoke; say rượu, bia ở công sở, nơi làm việc, khách sạn, nhà hàng, quán ăn, vũ trường, nơi khiêu vũ công cộng, phòng karaoke, nơi hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa, trên các phương tiện giao thông và những nơi công cộng khác; đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng khác. Phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 03 triệu đồng đối với hành vi không bảo đảm đủ ánh sáng theo quy định tại vũ trường, nơi khiêu vũ công cộng, phòng hát karaoke hoặc sử dụng người lao động làm việc tại vũ trường, nhà hàng karaoke mà không có hợp đồng lao động theo quy định.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2010. Các quy định về hành vi vi phạm, hình thức và mức phạt trong các lĩnh vực văn hóa tại các mục 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 và 10 Chương II Nghị định số 56/2006/NĐ-CP ngày 06/6/2006 của Chính phủ hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực./.
Minh Đức