Thí điểm bỏ HĐND huyện, quận, phường: Đem ra bàn bắt đầu thấy lo

05/11/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Sáng qua (4/11), Quốc hội thảo luận ở Tổ về Đề án thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND xã. Đa số đại biểu Quốc hội cho rằng, không câu nệ việc Đề án có quy định vi phạm Hiến pháp, nếu Đề án đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội thì Quốc hội vẫn đồng tình xem xét. Tuy nhiên, nhiều đại biểu lại băn khoăn với phạm vi thí điểm quá rộng và đối tượng thí điểm không đồng nhất của Đề án.

Phạm vi thí điểm quá lớn

Đại biểu Trần Đình Long, tỉnh ĐắK LắK, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, khi thẩm tra Đề án này, nhiều ý kiến trong Uỷ ban Pháp luật cũng rất băn khoăn. Về chủ trương thì không có gì phải bàn, nhưng khi đã nói đến thí điểm thì phải hướng tới mục đích thành công và thực hiện trong phạm vi cả nước. Nhiều câu hỏi đặt ra như tại sao Chính phủ cho rằng nhân dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã để phát huy dân chủ trực tiếp mà không để nhân dân bầu Chủ tịch UBND phường, tại sao không phát huy dân chủ trực tiếp ở phường? Nói HĐND là cấp trung gian không cần thiết thế thì tại sao không bỏ luôn? “Nói thí điểm nhưng thực ra chúng ta triển khai trên một phạm vi quá lớn. Chẳng hạn thí điểm riêng thành phố Hồ Chí Minh là đã thí điểm trên một địa bàn đóng góp 1/3 ngân sách quốc gia” – Đại biểu Trần Đình Long e ngại. Đại biểu cũng cho biết, không chỉ ông mà nhiều ý kiến trong Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội băn khoăn về mốc thời gian tổng kết thí điểm, nếu theo nhiệm kỳ Quốc hội đến năm 2011 tổng kết thì thời gian 2 năm thực hiện quá ngắn, không biết đến năm 2011 có tổng kết được không, còn nếu không ghi mốc thời gian cụ thể thì cũng khó vì gây ra tâm lý thí điểm vô thời hạn.

Đại biểu Đặng Văn Khanh, Hà Nội và nhiều đại biểu khác cùng quan điểm cho rằng việc thí điểm bỏ HĐND huyện, quận, phường ở 10 đơn vị tỉnh, thành với 101 quận, huyện và 483/1300 phường là rất rộng, nhưng lại thiếu, vì đã thí điểm là phải tất cả các mô hình, nhưng đề án lại bỏ qua việc thí điểm ở thị xã và thành phố thuộc tỉnh. Các đại biểu đề nghị, nên thu bớt diện rộng và bổ sung thêm đối tượng là thị xã và thành phố thuộc tỉnh để rút kinh nghiệm tốt hơn cho việc thực hiện tiếp theo. Đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội lại cho rằng, lý do bỏ HĐND theo tờ trình là không có sức thuyết phục, bởi vì nếu để tinh giản biên chế, thì bộ máy của HĐND rất ít, hầu hết là kiêm nhiệm, nói hiệu lực không cao thì vừa qua HĐND hoạt động, giám sát rất tốt. Nếu nói là do chồng chéo, thì nguyên nhân chồng chéo phải là do quy định của pháp luật chứ không phải do bản thân HĐND. “Tôi không thể tưởng tượng tới đây, khi khoảng 200/hơn 500 xã của Hà Nội không còn HĐND, HĐND thành phố sẽ lãnh đạo thế nào? Các Uỷ ban hành chính cũng không thể thay mặt dân để quyết định, giám sát. Bao nhiêu vấn đề liên quan tới bộ máy, tới hàng triệu người dân thì giải quyết thế nào” – Đại biểu Ngọc băn khoăn. Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ Nội vụ đánh giá lại, đưa ra một lý do thuyết phục hơn cho Đề án này.

Chủ tịch xã: Chọn uy tín hay chọn bằng cấp

Liên quan tới tiêu chuẩn người ứng cử Chủ tịch UBND xã, quan điểm của các đại biểu còn rất khác nhau. Theo Đề án, người ứng cử Chủ tịch UBND xã phải ở độ tuổi từ 21- 50, trường hợp đặc biệt không quá 55 tuổi. Về học vấn, người ứng cử Chủ tịch UBND xã ít nhất phải có trình độ THPT, đối với các xã miền núi có thể tốt nghiệp THCS. Riêng về chuyên môn nghiệp vụ thì ở khu vực đô thị phải có trình độ đại học trở lên, ở khu vực đồng bằng có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên, ở khu vực miền núi phải được bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nếu được bầu để giữ chức vụ lần đầu phải có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên.

Đại biểu Trần Du Lịch, thành phố Hồ Chí Minh quả quyết, quy định như vậy là thể hiện quan điểm chuộng bằng cấp, khiến ai cũng phải chạy theo bằng cấp, trong khi “học giả, bằng thật” đang là vấn nạn hiện nay của xã hội. “Tôi đề nghị lấy uy tín, lấy đạo đức của người ứng cử làm hàng đầu, học vấn, bằng cấp chỉ là tiêu chí ưu tiên thôi, không bắt buộc. Nếu một người nông dân, không bằng cấp nhưng họ lại có uy tín, có khả năng tổ chức, lãnh đạo lại được nhân dân tín nhiệm thì tại sao lại không bầu họ vào vị trí Chủ tịch UBND xã?” – Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị. Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Lân Dũng, tỉnh Đắk Lắk lại cương quyết khẳng định nông thôn ngày nay đã khác xa nông thôn ngày xưa. Mỗi làng, xã ngày nay có trung bình từ 2 – 3 vạn dân và việc phát triển kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao đời sống người dân là rất quan trọng. “Bằng cấp giả là chuyện khác, trình độ là chuyện khác, nhiều người có uy tín nhưng lại không biết cách tổ chức phát triển sản xuất, hướng dẫn nhân dân trong xã làm ăn thì cũng không thể là người đứng đầu một xã. Bằng cấp cũng là một yếu tố thể hiện trình độ của người ứng cử” – Đại biểu Nguyễn Lân Dũng phân tích.

Tuy chưa thống nhất về tiêu chuẩn người ứng cử nhưng có một điểm mà đại biểu Quốc hội nào cũng thừa nhận đó là chắc chắn việc bầu trực tiếp Chủ tịch UBND xã sẽ rất khó khăn, phức tạp. “Trước đây bầu HĐND mà họ nào có người trúng đã căng bạt ăn mừng, nay mà bầu trực tiếp phức tạp hơn nữa” – Đại biểu Chu Sơn Hà, Hà Nội nói. Đại biểu Trần Đình Long, ĐắK LắK cũng công nhận: “Bầu trực tiếp Chủ tịch UBND xã không đơn giản đâu. Ông ấy làm việc vô tư thì không sao, nhưng rồi tập quán, các mối quan hệ dòng họ chi phối... không đơn giản đâu”.

Chính vì nhận định việc thí điểm bỏ HĐND huyện, quận, phường và nhân dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã không hề đơn giản và sẽ có nhiều khó khăn hơn Chính phủ dự liệu nên nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi triển khai Đề án này.

Hồng Thuý

Xem thêm »