Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn: Bức xúc tình trạng độc quyền doanh nghiệp

13/11/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Sáng ngày 12/11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương.

Bộ trưởng Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận “một phần trách nhiệm” việc xuất khẩu gạo và tiêu thụ sản phẩm nói chung nhưng "trách nhiệm là gì, biện pháp sắp tới ra sao" thì vẫn chưa được Bộ trưởng Bộ Công thương nêu rõ khiến nhiều đại biểu bức xúc.

Trong 130 phút, các ĐB tập trung chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong dân: Hoạt động của EVN và trách nhiệm người quản lý; gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng và giải pháp ngăn chặn; trách nhiệm của Bộ Công thương trong quyết định tạm ngừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo.

Giải thích về tình trạng cắt điện tràn lan

3 lần chất vấn và trao đổi lại với Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), không dưới 3 lần ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên) nhấn mạnh "không thể biến độc quyền nhà nước thành độc quyền của doanh nghiệp".

"Việc này thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng". Theo ông Hải, việc áp giá điện theo giá thị trường là cần thiết, giúp EVN tái đầu tư, đảm bảo kinh doanh có lãi, nhưng nếu năm 2009 đã tăng giá điện, EVN vẫn cắt điện tùy tiện thì có "đền" cho người tiêu dùng, cho DN hay không?

Ông Hải nói rõ: "Khi cam kết thực hiện hợp đồng điện, nếu không vì lí do bất khả kháng mà cắt điện, trước hết EVN phải chấp hành luật điện lực, bồi thường cho DN, người dân bị cắt điện. Người dân và DN đồng ý chia sẻ khó khăn với ngành điện thì cũng là chia sẻ với độc quyền nhà nước để có điều kiện đầu tư phát triển điện".

ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) đặt vấn đề: "Rốt cuộc EVN đang lỗ hay lãi? Khi đòi tăng giá điện, EVN nói đang phải chịu lỗ, trong khi tháng 10 vừa rồi lại thông báo đang kinh doanh có lãi và đề nghị chi hơn 1 nghìn tỷ đồng để khen thưởng cho các nhân viên ngành điện".

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay: "Ngành điện lãi 140 đồng đối với mỗi kwh điện. Hiện nay, EVN đạt tỷ suất lợi nhuận 3%, năm 2008 chưa có thống kê, nhưng do chi phí tăng thêm nên đến tháng 10/2008, tỷ suất lợi nhuận có giảm. Tuy nhiên, con số này cần được kiểm toán chặt chẽ".

Liên quan tới đề nghị khen thưởng của EVN, Bộ trưởng Hoàng nói, Tập đoàn này xin lại vào quỹ của năm 2007, không phải của năm 2008. "Chúng tôi đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị kiểm tra lại chênh lệch giá điện, phản ánh chính xác lợi nhuận của ngành điện, đánh giá lại hiệu quả hoạt động".

Về việc EVN trả lại 13 dự án điện cho Chính phủ mà dư luận đánh giá là "thấy khó bỏ của chạy lấy người", Bộ trưởng giải thích, các nhà máy điện được giao cho EVN làm chủ đầu tư đều sử dụng than, lại chịu ảnh hưởng của chính sách thắt chặt chi tiêu, nên "sau khi tính toán, cân nhắc kỹ, EVN đã xin được trả lại 13 dự án điện, và hứa khi trả lại cũng sẽ tham gia một phần tùy vào từng dự án".

Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đánh giá: “Việc EVN đã nhận mà trả lại là có một phần thiếu trách nhiệm. Nhưng trong bối cảnh khó khăn về vốn, nguồn than dùng cho các nhà máy nhiệt điện thiếu, cũng cần hiểu cho Tập đoàn". Hiện nay, Chính phủ đã có chủ trương giao cho EVN 2 trong số 13 dự án điện, còn lại giao cho Tập đoàn Dầu khí và Tập đoàn Than khoáng sản làm, và một số thu hút đầu tư nước ngoài.

Các ĐB và cử tri cũng rất bức xúc trước tình trạng cắt điện triền miên, gây ảnh hưởng đời sống và sản xuất. ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) nêu, dù Bộ trưởng nói tình hình cung cấp điện được cải thiện, nhưng ngay trước kỳ họp QH, ở địa phương vẫn bị cắt điện thường xuyên. "Trách nhiệm của Bộ trưởng tới đâu khi để EVN chưa hoàn thành nhiệm vụ cung cấp điện nhưng lại đầu tư ra ngoài rất nhiều?"

"Nếu tăng giá điện 2009 vẫn bị cắt điện tùy tiện, EVN có đền cho người tiêu dùng, DN hay không?" - ông Hải chất vấn thêm.

ĐB Nguyễn Ngọc Minh (Ninh Thuận) bổ sung, "nhiều cụm dân cư nông thôn có nhu cầu dùng điện nhưng lưới điện chưa phủ đến. Nhân dân muốn mua điện, DN từ chối thiết lập đường dây vì không có lãi, đòi đợi hỗ trợ của Nhà nước. Vậy đến bao giờ người dân mới có điện dùng?"

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, nhu cầu điện năm 2009, với mức tăng trưởng GDP 6,5%, sẽ tăng thêm 13%. Về cơ bản, ngành điện có thể đảm bảo nhu cầu thiết yếu. Tuy nhiên, khó có thể tránh khỏi tình trạng cắt điện vào mùa khô. Ông Hoàng cam kết "sẽ chỉ đạo Tập đoàn cố gắng hết sức tránh cắt điện tràn lan".

Về chuyện từ chối cung cấp điện, Bộ trưởng đề nghị đại biểu cung cấp thông tin công ty nào từ chối, để Bộ biết và giải quyết.

"Xin nhận thêm một phần trách nhiệm"

Ngày 11/11, cũng tại Hội trường QH, Bộ trưởng NN&PTNN đã thừa nhận trách nhiệm cá nhân trong việc dự báo sai sản lượng lúa gạo. Đến lượt Bộ trưởng Công thương, ông quả quyết: "Chưa bao giờ chúng tôi kiến nghị dừng xuất khẩu gạo, và Chính phủ chưa bao giờ quyết định tạm dừng ký hợp đồng gạo, chỉ tạm dừng ký các hợp đồng xuất khẩu mới, đợi kết quả vụ đông xuân ở miền Bắc, khi có kết quả vụ đông xuân 2008, Chính phủ có quyết định ngay khắc phục...".

"Cá nhân tôi và Bộ Công thương khẳng định việc tham mưu cho Chính phủ đưa ra quyết định cuối tháng 3 đầu tháng 4 là chính xác. Giá thế giới cao, DN, thương lái đổ xô đi mua, chỉ số giá sẽ như thế nào? Tuy nhiên, nếu đại biểu và cử tri cho là không chính xác, tôi xin chịu thêm một phần trách nhiệm" - Bộ trưởng Hoàng nói.

Cách trả lời của ông Hoàng được ĐB Lê Thị Dung (An Giang) cho là "chưa thoả đáng": "Với vai trò Tổ trưởng tổ điều hành xuất khẩu gạo, Bộ trưởng cần thể hiện rõ vai trò của cá nhân, cần quy trách nhiệm rõ ràng... Thời cơ đã qua, thiệt hại đã lớn, Bộ trưởng có đặt vấn đề tại sao tham mưu không kịp thời, không đúng lúc sẽ gây thiệt hại thế nào không?".

ĐB Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp) cũng bất bình: "Nếu Bộ trưởng nói việc tham mưu cho CP về ngưng xuất khẩu gạo là chính xác thì tôi không đồng ý". Ông Nhơn đặt vấn đề có hay không sự lũng đoạn của các DN xuất khẩu lúa gạo trong tham vấn chính sách, dẫn đến quyết định gây thiệt hại cho bà con nông dân. "Đây là vấn đề xương máu của nông dân. Tại sao giá thế giới tăng cao lại không ký tiếp hợp đồng? Tại sao lại để xảy ra sốt giá vào cuối tháng 3? Với vai trò là Tư lệnh lĩnh vực, trách nhiệm là của Bộ trưởng. Bộ trưởng phải nhận trách nhiệm đó”, đại biểu Nhơn đặt một loạt câu hỏi.

Câu trả lời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng là: "Chúng tôi nhận thấy có phần trách nhiệm của Bộ Công thương trong tham mưu cho Chính phủ về xuất khẩu gạo... Chúng tôi đã nhận trách nhiệm là chưa kịp thời, riết róng”’.

Ông Hoàng cũng khẳng định không có chuyện các bộ chạy theo lợi ích cục bộ. "Chúng tôi biết nông dân hai sương một nắng... và chủ trương làm sao người nông dân thu được lợi... Chỉ đạo của CP như vậy và trong suy nghĩ, công tác tham mưu của chúng tôi là như vậy."

ĐB Lê Thị Dung (An Giang) cũng không đồng tình với đánh giá của Bộ trưởng Công thương cho rằng hiện nay, người nông dân có thể chưa được hưởng 40% lợi nhuận từ trồng lúa như chỉ đạo của Chính phủ nhưng cũng được trên 30%.

Không hài lòng với việc chỉ nhận một phần trách nhiệm một cách miễn cưỡng của Bộ trưởng, ĐB Nguyễn Văn Nhơn (Đồng Tháp) tiếp tục đòi hỏi Bộ trưởng đặt vấn đề trách nhiệm của Bộ và cá nhân cao hơn. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng "khất" sẽ trao đổi trực tiếp sau với ông Nhơn.

Lệ Hằng

Xem thêm »