Phân biệt giữa cạnh tranh không lành mạnh và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ

01/12/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ở nước ta, trong những năm gần đây, tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (sau đây gọi tắt là SHTT) đã trở thành một vấn đề nổi cộm, tuy chưa có một thống kê chính thức và toàn diện nào về tình trạng vi phạm song qua các phương tiện thông tin đại chúng có thể thấy sự vi phạm diễn ra ngày càng phổ biến, mức độ theo chiều hướng trầm trọng hơn và cách thức ngày càng tinh vi hơn.

Các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam đã tạo ra những cơ sở pháp lý cần thiết cho việc xử lý các hành vi vi phạm quyền SHTT. Theo các quy định hiện hành, chủ thể bị vi phạm quyền SHTT có thể áp dụng hay đề nghị áp dụng các biện pháp dân sự[1], hình sự[2], hành chính[3] hay biện pháp kiểm soát tại biên giới[4] nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm. 

Ngoài các biện pháp bảo vệ quyền nêu trên, ngay từ khi ra đời Nghị định số 54/2000/NĐ-CP ngày 03/01/2000 về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu công nghiệp (sau đây gọi tắt là Nghị định 54), các chủ thể của quyền sở hữu công nghiệp (sau đây gọi tắt là SHCN) đã biết đến một «vũ khí» tự vệ mới, đó là các quy định về bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới SHCN được quy định tại Chương IV của Nghị định này.  

Thật ra, việc sử dụng quyền chống cạnh tranh không lành mạnh trong các vụ việc có liên quan đến SHTT đã được biết đến từ lâu trên thế giới. Ngay từ năm 1883, trong Công ước Paris về bảo hộ quyền SHCN đã có các quy định liên quan đến các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHCN (Điều 1 và 10bis). Có thể nói, việc có thêm các quy định về cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHTT chứng tỏ từ lâu các nhà làm luật đã mong muốn sử dụng nhiều quy phạm khác nhau để bảo hộ quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh nói chung và quyền SHTT nói riêng. Ngoài ra, các khía cạnh pháp lý của việc áp dụng luật cạnh tranh trong SHTT cũng đã được nghiên cứu, áp dụng trên thực tế tại rất nhiều nước trên thế giới, thể hiện sự lo lắng của nhà làm luật đối với tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đang diễn ra ngày một nghiêm trọng[5]. 

Ở Việt Nam, tuy Nghị định số 54 đã đề cập đến quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến SHCN, nhưng chỉ đến khi Luật cạnh tranh số 27/2004/QH11 ngày 03/12/2004 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2005 vừa qua, với các điều khoản có liên quan đến cạnh tranh không lành mạnh nói chung và cạnh tranh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói riêng (các điều 39, 40, 41 Luật Cạnh tranh) thì xuất hiện một vấn đề mới cần phải được giải đáp, xét cả về phương diện lý luận và thực tiễn áp dụng pháp luật[6]. Đó chính là việc tồn tại song song hai phương thức kiện dựa trên cơ sở pháp luật cạnh tranh và pháp luật về SHTT đối với các hành vi phạm quyền SHTT là một sự chồng chéo hay là một sự bổ sung cho nhau ? Nếu câu trả lời là chồng chéo thì phải chăng cùng một hành vi vi phạm có thể bị xử lý hai lần (áp dụng đồng thời hai loại chế tài[7]) ; còn nếu câu trả lời là bổ sung thì cần phân biệt hai phương thức kiện đó như thế nào và điều tối quan trọng là người bị thiệt hại nên chọn cách thức nào (hiệu quả nhất) để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình khi bị xâm phạm ? 

Với bài viết này, chúng tôi mong muốn góp phần giải đáp câu hỏi vừa đặt ra. Muốn vậy, trước hết cần làm sáng tỏ bản chất pháp lý của hành vi vi phạm quyền SHTT cũng như hành vi cạnh tranh không lành mạnh (I) trước khi đi vào phân tích vai trò của pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh trong các vụ việc liên quan đến SHTT (II).  

I. Khái niệm hành vi vi phạm quyền SHTT và hành vi cạnh tranh không lành mạnh 

1.Bản chất pháp lý của hành vi vi phạm quyền SHTT 

Quyền SHTT từ lâu đã được coi là một dạng của quyền sở hữu tư nhân, ngay từ khi quyền SHTT tồn tại dưới chế độ phong kiến tại các nước Châu Âu như Anh, Pháp hay Cộng hoà Venise thì nó đã được coi là một loại «tài sản» thuộc sở hữu tư nhân mặc dù khi đó quyền SHTT hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của người đứng đầu vương quốc mà không phải trên cơ sở các quy định được áp dụng chung cho mọi chủ thể như ngày nay[8]. Hơn thế, pháp luật của nhiều nước hiện nay còn có xu hướng coi quyền SHTT hơn cả quyền sở hữu thông thường bởi lẽ, nếu như quyền sở hữu một tài sản hữu hình cho phép chủ sở hữu có các quyền năng như chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản mà trong phần lớn các trường hợp trên thực tế, chủ sở hữu có thể kiểm soát tài sản một cách trực tiếp, thì đối với một «tài sản vô hình» như sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp …,mọi người (không nhất thiết là chủ sở hữu) đều có khả năng nắm giữ, sử dụng các đối tượng này khi chúng được công bố. Bù lại, chủ sở hữu sẽ được Nhà nước dành cho các độc quyền khai thác trong một thời hạn nhất định.  Tóm lại, đối với một tài sản hữu hình, việc bảo hộ được thực hiện không chỉ thông qua các quy định của pháp luật mà còn thông qua sự kiểm soát trực tiếp của chủ sở hữu đối với tài sản, còn đối với một tài sản trí tuệ, sự bảo hộ nhất thiết phải cầu viện đến sự trợ giúp của pháp luật, bởi tài sản trí tuệ thực chất là thông tin, mà thông tin thì không một ai có thể kiểm soát tuyệt đối được. 

Như vậy, hành vi vi phạm quyền SHTT là một dạng của hành vi vi phạm quyền sở hữu. Quyền sở hữu nào cũng đem lại cho người nắm giữ nó những độc quyền nhất định, đối với một tài sản hữu hình thì đó là 03 quyền năng được thừa nhận từ thời luật La Mã, còn đối với các độc quyền của chủ sở hữu tài sản trí tuệ thì bản chất cũng là các độc quyền như đối với tài sản hữu hình, sự khác biệt chỉ là phương thức thực hiện các độc quyền cũng như sự giới hạn về thời gian mà pháp luật dành cho chủ sở hữu. 

Xuất phát từ bản chất pháp lý này, khi quyền SHTT bị xâm phạm thì chủ sở hữu có thể kiện yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm và đòi bồi thường thiệt hại (nếu có) như trong các vụ kiện dân sự thông thường khác. Việc xác định rõ bản chất hành vi xâm phạm quyền SHTT cũng như mục đích của việc kiện sẽ là tiêu chí quan trọng khi tiến hành so sánh với bản chất cũng như mục đích của kiện về cạnh tranh không lành mạnh. 

2. Bản chất pháp lý của hành vi cạnh tranh không lành mạnh 

Trên thế giới, điều chỉnh pháp luật đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã bắt đầu từ thế kỷ XIX. Tại Điều 10 bis của Công ước Paris năm 1883 về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đã có quy định: « Tạo thành hành vi cạnh tranh không lành mạnh mọi hành vi đi ngược lại các tập quán trung thực trong lĩnh vực công nghiệp hoặc thương mại »[9]. Luật cạnh tranh năm 2004 của Việt Nam tại Điều 3 khoản 4 quy định : « Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc của người tiêu dùng". Tiếp theo đó, Điều 39 của Luật Cạnh tranh liệt kê 09 loại hành vi cạnh tranh không lành mạnh, trong đó có hai dạng hành vi đồng thời là hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đó là chỉ dẫn gây nhầm lẫn và xâm phạm bí mật kinh doanh. 

Như vậy, bản chất pháp lý của hành vi cạnh tranh không lành mạnh chính là mọi hành vi trái với các chuẩn mực trung thực và lành mạnh trong quan hệ thương mại, gây thiệt hại chủ yếu đến doanh nghiệp là đối thủ cạnh tranh trên thị trường liên quan. Theo lý thuyết được thừa nhận rộng rãi ở các nước châu Âu lục địa, thì về bản chất, hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi vi phạm quyền dân sự; các yếu tố cấu thành của cạnh tranh không lành mạnh giống như các yếu tố cấu thành trách nhiệm dân sự truyền thống, đó là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, lỗi, thiệt hại, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi cạnh tranh không lành mạnh và thiệt hại. Trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, hành vi cạnh tranh không lành mạnh chủ yếu bao gồm hành vi cố tình tạo ra sự nhầm lẫn về cơ sở sản xuất, sản phẩm hoặc hoạt động kinh doanh của một đối thủ cạnh tranh;  viện dẫn hoặc chỉ dẫn tạo nên sự nhầm lẫn trong suy nghĩ của công chúng về bản chất, phương thức sản xuất, đặc tính, khả năng ứng dụng hoặc số lượng hàng hoá…[10].  Mục đích của việc kiện về hành vi cạnh tranh không lành mạnh cũng là buộc chấm dứt hành vi vi phạm và đòi bồi thường thiệt hại. 

Vậy sự khác nhau giữa hai dạng hành vi nói trên nằm ở đâu? 

3. Phân biệt giữa vi phạm quyền SHTT và cạnh tranh không lành mạnh 

Hành vi vi phạm quyền SHTT và cạnh tranh không lành mạnh nhìn bề ngoài có thể có rất nhiều điểm giống nhau, tuy vậy sự khác nhau giữa hai loại hành vi này xuất phát từ chính bản chất pháp lý của mỗi loại hành vi. Đó chính là sự khác nhau về phạm vi áp dụng, yếu tố chủ thể và yếu tố lỗi. 

Một là, về phạm vi áp dụng, chỉ có thể tạo thành hành vi vi phạm quyền SHTT khi có một quyền SHTT hợp pháp đang được bảo hộ bị xâm phạm. Nói một cách khác đi sẽ không có khái niệm về vi phạm quyền SHTT khi mà quyền đó không hề tồn tại, ví dụ như trường hợp một nhãn hiệu không đăng ký thì không thể căn cứ vào pháp luật về SHTT để bảo vệ khi bị xâm phạm. Tuy nhiên, cũng trong trường hợp này lại hoàn toàn có thể áp dụng Luật cạnh tranh để điều chỉnh, theo đó hành vi sử dụng chỉ dẫn làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hoá, dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh là một dạng của hành vi cạnh tranh không lành mạnh, không phụ thuộc vào việc dấu hiệu chỉ dẫn đó đã được đăng ký hay chưa. Từ sự phân tích này có thể thấy những “đối tượng có liên quan đến SHTT” thuộc phạm vi áp dụng Luật cạnh tranh rộng hơn so với pháp luật về SHTT. Các đối tượng như khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng, bao bì… nếu không được bảo hộ bằng các quy định riêng về SHTT thì hoàn toàn có thể tìm thấy cơ sở pháp lý để bảo vệ trong Luật cạnh tranh. 

Hai là yếu tố chủ thể, không thể nói đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh khi mà trên thực tế các chủ thể không ở trong vị thế “cạnh tranh” với nhau. Cụ thể, chỉ có thể kết luận về hành vi cạnh tranh không lành mạnh nếu các chủ thể có hành vi bị cấm đối với đối thủ cạnh tranh trên thị trường liên quan, bao gồm thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan (Điều 3 khoản 1 Luật cạnh tranh)[11] theo nguyên tắc được pháp luật các nước thừa nhận rằng “Mọi thương nhân trung thực phải có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp cần thiết để cá biệt hoá sản phẩm của mình nhằm không gây nhầm lẫn với sản phẩm khác”[12]. Trong khi đó, có thể kết luận hành vi vi phạm quyền SHTT với bất kỳ chủ thể nào vi phạm độc quyền của chủ sở hữu đã được pháp luật quy định. Có thể lấy một ví dụ hình tượng như một doanh nghiệp tại Cà Mau đã copy nguyên vẹn một nhãn hiệu đã đăng ký cho cùng nhóm sản phẩm của doanh nghiệp khác có trụ sở và phạm vi hoạt động tại Cao Bằng. Giả sử rằng hai doanh nghiệp này không có quan hệ cạnh tranh với nhau trên thị trường địa lý liên quan (do ở quá xa nhau), thì chủ nhãn hiệu vẫn hoàn toàn có thể kiện về hành vi vi phạm quyền SHTT nhưng sẽ không thể kiện về hành vi cạnh tranh không lành mạnh. 

Ba là yếu tố lỗi, hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi có lỗi cố ý theo pháp luật hiện hành cũng như được ghi nhận từ lâu trong pháp luật các nước[13]. Điều 40 của Luật cạnh tranh chỉ rõ hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn phải “nhằm mục đích cạnh tranh”, do đó không thể nói tới cạnh tranh không lành mạnh khi mà người chủ thể không biết mình đang thực hành vi bị cấm. Đối với lĩnh vực SHTT, lỗi không phải là yếu tố bắt buộc cấu thành hành vi vi phạm. Một khi các đối tượng của quyền SHTT đã được đăng ký theo đúng trình tự pháp luật quy định thì các chủ thể khác được suy đoán là đã biết tới quyền của chủ hữu. Do đó, sẽ cấu thành hành vi vi phạm quyền SHTT mọi hành vi thuộc độc quyền của chủ sở hữu quyền SHTT mà không được chủ sở hữu cho phép. 

Qua phân tích trên có thể bước đầu khẳng định việc tồn tại song song hai phương thức kiện dựa trên cơ sở pháp luật cạnh tranh và pháp luật về SHTT đối với các hành vi phạm quyền SHTT là một sự bổ sung cho nhau. Vấn đề đặt ra, như chúng tôi đã đề cập ở trên, là người bị thiệt hại nên chọn cách thức nào (hiệu quả nhất) để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình khi bị xâm phạm ? 

II. Vai trò của kiện về cạnh tranh không lành mạnh trong các vụ việc có liên quan đến quyền SHTT 

Để có thể trả lời câu hỏi nên chọn phương thức kiện nào cho hiệu quả nhất, trước tiên cần làm rõ vai trò của các quy định về cạnh tranh không lành mạnh theo pháp luật hiện hành nói chung (1) và vai trò của các quy định về cạnh tranh không lành mạnh trong các vụ việc về SHTT nói riêng (2). 

1. Vai trò của các quy định về cạnh tranh không lành mạnh theo pháp luật hiện hành 

Như chúng tôi đã giới thiệu tại các phần trước, ngay từ năm 2000 khi Nghị định số 54 ra đời, chúng ta đã có các quy định về cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHTT. Hiện nay, trong hệ thống pháp luật đương nhiên phải kể tới Luật cạnh tranh năm 2004 (bắt đầu có hiệu lực từ 01/07/2005) và Bộ luật dân sự năm 2005 (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2006)[14]. 

Như vậy, tại thời điểm hiện tại cùng song song tồn tại khái niệm về cạnh tranh không lành mạnh tại hai văn bản là Nghị định số 54 (Chương IV) liên quan đến SHCN và hành vi cạnh tranh không lành mạnh nói chung trong đó có hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến SHTT quy định trong Luật cạnh tranh như chúng tôi đã đề cập ở trên. Trên thực tế theo chúng tôi được biết mặc dù Luật Cạnh tranh đã có hiệu lực được hơn 5 tháng nhưng cho tới thời điểm này chưa có một vụ việc nào về cạnh tranh không lành mạnh bị xử lý theo Luật cạnh tranh. Còn trước đó, việc áp dụng Nghị định 54 để xử lý về hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến SHCN cũng rất hạn chế, theo chúng tôi được biết, tất cả các vụ việc được xử lý chỉ giới hạn ở một hoặc một vài ý kiến giám định của Cục SHTT và ý kiến của Cục SHTT đưa ra cũng thường rất chung chung là một hành vi vi phạm quyền SHTT cũng có thể đồng thời bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh[15]. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không đi sâu vào phân tích vai trò của các quy định cạnh tranh đối với các vụ việc có liên quan tới SHTT trong thời điểm quá độ hiện tại khi mà Luật về SHTT đã được Quốc Hội khoá XI Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005[16] và sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2006.  

2. Vai trò của các quy định về cạnh tranh không lành mạnh trong các vụ việc về SHTT  trong Luật SHTT 

Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy trong Luật SHTT có 03 điều khoản đề cập đến hành vi cạnh trạnh không lành mạnh trong lĩnh vực SHTT, đó là quy định tại các Điều 4 khoản 4 (liên quan đến giải thích thuật ngữ Quyền sở hữu công nghiệp), Điều 6 khoản 3 điểm d (liên quan đến căn cứ phát sinh, xác lập quyền SHCN), đặc biệt tại các Điều 130 quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh (Mục 1 Chương IX liên quan đến chủ sở hữu, nội dung và giới hạn quyền SHCN)Điều 198 khoản 3 quy định về Quyền tự bảo vệ (Phần thứ 5 Chương XVI liên quan đến Bảo vệ quyền SHTT). 

Trong số các quy định có liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong  Luật SHTT vừa nêu, chúng tôi nhận thấy có một số điểm cần lưu ý. Một là, khái niệm về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ[17] đã được mở rộng[18] và có nội hàm rõ ràng hơn rất nhiều so với khái niệm chỉ dẫn gây nhầm lẫn (một trong các dạng biểu hiện cụ thể của hành vi cạnh tranh không lành mành mạnh liên quan tới SHTT được quy định tại Điều 39 khoản 1 và Điều 40 Luật cạnh tranh). Hai là, Luật SHTT đã đề cập đến khả năng chủ thể bị thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp dân sự để bảo vệ quyền của mình[19]- điều không được chỉ rõ trong Luật cạnh tranh. Tuy nhiên, trong bài viết này chúng tôi không có ý định đi sâu vào phân tích sự khác biệt trong các quy định liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh tại Luật cạnh tranh và Luật SHTT mà tập trung vào phân tích mối quan hệ giữa các quy định về cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới SHTT và các quy định về vi phạm SHTT nói chung như đã đề cập trong phần dẫn đề của bài viết này.

Trở lại nội dung về vai trò của pháp luật cạnh tranh trong các vụ việc về SHTT, chúng tôi nhận thấy rằng các quy định về cạnh tranh không lành mạnh sẽ và phải đóng vai trò bổ sung cho các quy định về SHTT, nhưng dựa trên các cơ sở pháp lý độc lập, để bảo vệ hiệu quả hơn các chủ thể trong nền kinh tế trong trường hợp các chủ thể không thể viện dẫn các quy định về SHTT để bảo vệ mình hoặc ngay cả khi họ có thể áp dụng các quy định về SHTT song song với các quy định về cạnh tranh không lành mạnh. Điều này hoàn toàn hợp lô-gic bởi ngay từ khi Luật cạnh tranh ra đời, các nhà làm luật đã mong muốn dùng luật cạnh tranh như là một công cụ để «lấp các lỗ trống» mà các luật chuyên ngành khác không điều chỉnh nhằm đảm bảo một môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh. 

2.1   Vai trò của Luật cạnh tranh khi không tồn tại quyền về SHTT 

Khi quyền SHTT không tồn tại như một nhãn hiệu sử dụng mà không đăng ký, đương nhiên sẽ không thể áp dụng các quy định về hành vi vi phạm quyền SHTT khi đối tượng này bị xâm hại. Vậy, một câu hỏi đặt ra là áp dụng quy định nào để bảo vệ các «thành quả trí tuệ» mà chủ thể đã đầu tư công sức, tài chính để xây dựng nên (như sự độc đáo của bao bì sản phẩm, sự thu hút khách hàng của biểu tượng kinh doanh, tính lợi thế so sánh của công nghệ…) ? 

Trong các trường hợp trên đây, Luật cạnh tranh sẽ đóng vai trò bổ sung, nếu không muốn nói là thay thế để bảo vệ doanh nghiệp chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ phía đối thủ. Chủ thể bị vi phạm sẽ phải chứng minh được có hành vi cạnh tranh không lành mạnh với lỗi cố ý từ phía đối thủ cạnh tranh trên thị trường liên quan trong việc sử dụng chỉ dẫn gây nhầm lẫn (như sử dụng nhái lại khẩu hiệu kinh doanh của người khác gây nhầm lẫn đối với khách hàng nhằm mục đích lôi kéo khách hàng của đối thủ …). 

Chính vì vậy, trong các vụ việc mà các chủ thể kinh doanh không có căn cứ viện dẫn tới các quy định của pháp luật về SHTT để bảo vệ thành quả đầu tư, trí tuệ của mình, thì có thể tìm thấy các quy định trong Luật cạnh tranh và quy định về cạnh tranh không lành mạnh trong Luật SHTT công cụ pháp lý tự vệ. Các vụ việc về hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến SHTT trên thế giới thông thường[20] được đưa ra trước toà án. Tại Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền thụ lý vụ việc về cạnh tranh không lành mạnh là Cục Quản lý cạnh tranh-Bộ Thương mại theo quy định tại Điều 49, khoản 2 Luật cạnh tranh và các cơ quan khác có thẩm quyền xử phạt hành chính về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHTT như cơ quan quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế, thanh tra về SHCN (theo Nghị định số 120/2005/NĐ-CP ngày 30/09/2005 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh-Điều 45). Toà án cũng có thẩm quyền giải quyết và áp dụng chế tài dân sự đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến SHTT theo quy định tại Điều 198 khoản 3 Luật SHTT. 

2.2   Vai trò bổ sung của Luật cạnh tranh khi tồn tại quyền về SHTT 

Trong trường hợp bị xâm phạm, các chủ thể của quyền SHTT trước tiên có thể áp dụng các quy định của pháp luật về SHTT để bảo vệ mình bằng cách yêu cầu bên vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm và đòi bồi thường thiệt hại (nếu có). Câu hỏi tiếp theo đặt ra là cùng một hành vi liệu có thể đồng thời thoả mãn các yếu tố cấu thành hành vi vi phạm quyền SHTT và cạnh tranh không lành mạnh ? Và trong cùng một vụ việc liệu một chủ thể có thể đồng thời kiện một cách độc lập về hành vi vi phạm quyền SHTT và cạnh tranh không lành mạnh ? 

Câu trả lời là có thể coi một hành vi vừa là vi phạm quyền SHTT vừa là hành vi cạnh tranh không lành mạnh nếu theo đúng nội dung của Điều 40 Luật cạnh tranh, theo đó «việc sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh … để làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hoá, dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh» là một dạng của hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Tinh thần này cũng đã được tái thể hiện trong Điều 130 Luật SHTT. Như đã phân tích ở trên, đây có thể coi là một sự bổ sung chứ không phải sự chồng chéo và chủ thể có thể và phải lựa chọn sử dụng một trong hai phương thức kiện theo cách thức nào có lợi hơn. Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng quy định như vậy của pháp luật không phải là giải pháp được thừa nhận rộng rãi trong các nước phát triển[21].

Ngoài trường hợp cùng một hành vi có thể đồng thời bị coi là vi phạm SHTT và là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, pháp luật cạnh tranh còn có thể được áp dụng khi trong một vụ việc có cả yếu tố hành vi vi phạm quyền SHTT và cạnh tranh không lành mạnh độc lập với nhau. Ví dụ, chủ thể một nhãn hiệu có thể kiện về hành vi vi phạm nhãn hiệu đồng thời kiện về hành vi vi phạm khẩu hiệu kinh doanh gây nhầm lẫn của đối thủ cạnh tranh[22]. Cơ sở pháp lý của hai yêu cầu này là độc lập với nhau, một mặt dựa trên hành vi vi phạm độc quyền mà không cần quan tâm đến yếu tố lỗi đối với hành vi vi phạm quyền SHTT, mặt khác dựa trên hành vi bị cấm với yếu tố lỗi cố ý đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh. 

Một điểm khác cũng cần lưu ý là chủ thể kiện của cạnh tranh không lành mạnh có thể là bất kỳ ai tham gia vào hoạt động cạnh tranh và bị thiệt hại về hành vi cạnh tranh không lành mạnh dù đó là tổ chức, cá nhân kinh doanh hay hiệp hội nghành nghề mà không cần phải là chủ sở hữu của quyền SHTT (Điều 2 Luật cạnh tranh), còn kiện về SHTT chỉ dành cho chủ thể của quyền SHTT. Do đó, hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp bên làm đại lý, bên nhận li-xăng chủ động khởi kiện để bảo vệ, đòi bồi thường thiệt hại khi mà họ không phải là chủ sở hữu và không thuộc trường hợp được khởi kiện theo pháp luật về SHTT, trong trường hợp như vậy cơ sở khởi kiện chính là các quy định về cạnh tranh không lành mạnh. 

Qua phần phân tích chúng tôi nhận thấy rằng, việc chọn phương thức kiện nào đối với chủ thể bị xâm phạm phải dựa trên các dữ liệu thực tế của từng vụ việc kết hợp với chiến lược kinh doanh của từng doanh nghiệp và điều quan trọng nhất là hiệu quả hoạt động thực tế của mỗi cơ quan (Toà án, Cục Quản lý cạnh tranh) trong tương lai khi giải quyết các vụ việc liên quan đến sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh. 

Tóm lại,  xem xét mối quan hệ giữa cạnh tranh không lành mạnh và sở hữu trí tuệ là một vấn đề không hề đơn giản, ngay cả ở những nước có nền khoa học pháp lý phát triển. Qua bài viết này, chúng tôi không có tham vọng và chắc chắn không thể giải quyết được một cách toàn diện, triệt để vấn đề này, do đó các tác giả rất mong nhận được các ý kiến chia sẻ, đóng góp từ các đồng nghiệp và của các độc giả quan tâm đến vấn đề này./.

TS. Nguyễn Hữu Huyên[23]

 


 

[1] Bộ luật dân sự 2005 có hiệu lực từ ngày 1/1/2006 cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền SHTT cũng như các quyền dân sự khác được quy định tại điều luật có tính nguyên tắc mang tên «Điều 9. Nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự». 

[2] Bộ luật hình sự 1999, Điều 131 đối với Quyền tác giả và Điều 171 đối với Quyền Sở hữu công nghiệp 

[3] Có thể kể đến Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2002, Nghị định số 12/2002/NĐ-CP ngày 3/6/1999 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHCN và các văn bản hướng dẫn, Nghị định số 31/2001/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá thông tin và các văn bản hướng dẫn. 

[4] Mục 5 Chương III Luật Hải quan số 29/2001/QH10 ngày 29/6/2001 được sửa đổi bổ sung theo Luật Hải quan số 45/2005/QH11 ngày 14/6/2005 và Nghị định số 101/2001/NĐ-CP ngày 31/12/2001 về hướng dẫn thi hành Luật Hải quan (Điều 14).

[5] Tham khảo các khía cạnh về cạnh tranh không lành mạnh và giả mạo thương mại trong sách tiếng Việt của Th.S Nguyễn Hữu Huyên, Luật cạnh tranh của Pháp và Liên minh Châu Âu, NXB Tư pháp, Hà Nội, 2004, tr.114 ; hay tài liệu tiếng Pháp của : PASSA Jérôme, Contrefaçon et concurrence déloyale, Litec, Paris 1997. 

[6] Cứ xét theo đúng tinh thần các điều khoản của Nghị định 54 (Chương 4) và các điều khoản có liên đến SHTT trong Luật cạnh tranh thì có rất nhiều hành vi vừa đồng thời bị coi là vi phạm quyền SHTT vừa đồng thời bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. 

[7] Trong bài viết, chế tài được đề cập đến đối với hành vi vi phạm quyền SHTT là chế tài dân sự bởi hành vi vi phạm quyền SHTT trước hết là hành vi vi phạm một quyền dân sự. Tuy nhiên chế tài được đề cập đến đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh lại là chế tài hành chính (xem Điều 49 khoản 2 Luật cạnh tranh). 

[8] Tham khảo : VIVANT Michel, Le droit des brevets, Connaissance du droit, Dalloz 2005, 2è édition

[9] Article 10 bis :

                « 1.

…2. Constitue un acte de concurrence déloyale tout acte de concurrence contraire aux usages honnêtes en matière industrielle ou commerciale ».

[10] Điều 10bis khoản 2 Công ước Paris năm 1883.

[11] Điều 3 Luật Cạnh tranh : « … 

1. Thị trường liên quan bao gồm thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan.

Thị trường sản phẩm liên quan là thị trường của những hàng hoá, dịch vụ có thể thay thể cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả.

Thị trường địa lý liên quan là một khu vực địa lý cụ thể trong đó có những hàng hoá, dịch vụ có thể thay thế cho nhau với các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực lân cận… » 

[12] Xem Luật cạnh tranh của Pháp và Liên minh Châu Âu, Nguyễn Hũu Huyên, trang 130, sách đã dẫn

[13] Toà phá án thương mại Pháp ngày 22/09/1983 (Cass. Com, 22 septembre 1983), án lệ dẫn trong : PASSA (Jérôme), Marque et concurrence déloyale, JCN Marques – Dessins et Modèles, Fasc 7550, Version 3/2003

[14] Điều 751 Bộ luật dân sự năm 2005 «Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh thuộc về tổ chức, cá nhân hoạt động trong điều kiện cạnh tranh». 

[15] Điều này chúng tôi nhận thấy qua thực tiễn hoạt động của một số Văn phòng luật về sở hữu trí tuệ.

[16] Luật số 50/2005/QH11

[17] Điều 130 Luật SHTT

[18] Ví dụ như quy định thêm trường hợp đăng ký, chiếm dữ sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ thuộc quyền sở hữu của người khác …

[19] Điều 198 khoản 3 Luật SHTT đã nêu

[20] Tại đa số các nước các vụ việc về cạnh tranh không lành mạnh được đưa ra Toà Dân sự hoặc Thương mại, ví dụ Thuỵ Điển, Pháp, Đức, Lít-va, Thuỵ Sĩ…

[21] Ví dụ Pháp, Đức, Thuỵ Sỹ coi vi phạm SHTT và cạnh tranh không lành mạnh có cơ sở pháp lý hoàn toàn khác nhau.

[22] Khẩu hiệu kinh doanh có thể là chính nhãn hiệu hoặc không.

[23] Chuyên viên vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp; tham gia vào Tổ Biên tập Dự án Luật cạnh tranh từ năm 2003-2004; Bảo vệ luận án Tiến sỹ luật tại Khoa luật Đại học Montpellier 1 - Cộng hoà Pháp.

Xem thêm »