Mối quan hệ của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý

18/12/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

 

Nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, góp phần bảo đảm công bằng xã hội và bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, khi thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm tôn trọng, hợp tác và giúp đỡ đồng nghiệp; tôn trọng, phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong việc làm rõ sự thật khách quan của vụ án; cộng tác, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thông tin đại chúng; cộng tác, hỗ trợ chính quyền cơ sở; phối hợp, cộng tác với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan... Đây là một số nội dung cơ bản của Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp ban hành kèm theo Quyết định số 09/2008/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ngày 08/12/2008. Theo đó,

Trong quan hệ với đồng nghiệp, người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm trung thực, chân thành, đoàn kết, nêu cao tinh thần hợp tác chia sẻ kinh nghiệm, sẵn sàng giúp đỡ, phối hợp khi thực thi nhiệm vụ được giao; có ý thức tự phê bình và phê bình để nâng cao chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; tôn trọng và bảo vệ danh dự của đồng nghiệp như bảo vệ danh dự của cá nhân mình.

Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm tạo môi trường làm việc công khai, dân chủ, đoàn kết, tạo thuận lợi để người thực hiện trợ giúp pháp lý có điều kiện hỗ trợ, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau trong phối hợp giải quyết vụ việc và nâng cao năng lực nghề nghiệp.

Trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, khi tham gia tố tụng, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về tố tụng, nội quy, quy chế làm việc của cơ quan tiến hành tố tụng; phối hợp chặt chẽ với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ việc góp phần bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý; thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm tạo lập, duy trì và phát triển mối quan hệ phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, tạo điều kiện để hoạt động tham gia tố tụng của người thực hiện trợ giúp pháp lý thực sự có chất lượng và đúng quy định của pháp luật.

Trong quan hệ với cơ quan thông tin đại chúng, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm cộng tác, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thông tin đại chúng để thông tin về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện để các cơ quan này hỗ trợ việc thông tin, giải quyết kịp thời và đúng pháp luật các vụ việc trợ giúp pháp lý.

Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý chỉ được cung cấp thông tin, tài liệu về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cho các cơ quan thông tin đại chúng khi có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền và sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị theo quy định của pháp luật.

Trong quan hệ với chính quyền cơ sở, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm cộng tác, hỗ trợ chính quyền cơ sở trong việc giải quyết các vướng mắc pháp luật của nhân dân; tạo diễn đàn đối thoại công khai giữa chính quyền với nhân dân để thực hiện trợ giúp pháp lý, khắc phục các bất cập trong hoạt động công vụ, góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội ở địa phương.

Trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương, người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm cung cấp cho chính quyền địa phương những vấn đề phát hiện về lỗi của cán bộ, công chức trong hoạt động công vụ; chủ động đề xuất các phương án giải quyết vụ việc liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền cơ sở.

Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm xây dựng kế hoạch làm việc tại cơ sở bảo đảm thuận lợi và không gây phiền hà cho cơ sở; kịp thời kiến nghị chính quyền cấp trên về những sai phạm trong thi hành pháp luật.

 Trong quan hệ với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, khi thực hiện trợ giúp pháp lý và trong quan hệ với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải tôn trọng, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, nội quy, quy chế làm việc của các cơ quan, tổ chức đó; sẵn sàng cộng tác, phối hợp giải quyết công việc trên cơ sở tôn trọng quyền và nghĩa vụ do pháp luật quy định. Trong trường hợp phát hiện sai sót, vướng mắc, bất cập phải kịp thời phản ánh, đề xuất với tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý để kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm sử dụng các biện pháp hợp pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện trợ giúp pháp lý trong phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện kịp thời và có chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý.

Hoàng Huy

Xem thêm »