Vai trò của cơ quan tư pháp xã (phường) trong việc tham gia ý kiến về mặt pháp lý đối với dự thảo VBQPPL do UBND, HĐND cấp xã ban hành

18/12/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) là một hoạt động chủ yếu trong chức năng, nhiệm vụ của UBND và HĐND. Để VBQPPL do các cơ quan này ban hành đúng thẩm quyền, đúng thủ tục, pháp lý thì vai trò soạn thảo và tham gia ý kiến của Ban Tư pháp xã (phường) là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, đây cũng là gánh nặng đặt lên vai các Ban Tư pháp xã (phường), nhất là trong điều kiện hiện nay.

Vai trò không thể thiếu

            Theo luật định, cấp xã (phường) được phép ban hành 3 loại VBQPPL: Nghị quyết của HĐND, Chỉ thị và Quyết định của UBND. Việc ban hành các VBQPPL đảm bảo đúng thể thức và nội dung là rất quan trọng vì nó thể hiện trình độ quản lý và kiến thức pháp luật của người làm công tác quản lý hành chính.

            Xác định được tầm quan trọng của Ban Tư pháp trong việc đảm bảo tính thể thức và pháp lý của văn bản, tại phường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng, Hải Phòng, khi tiến hành trình tự soạn thảo VBQPPL, thì ngoài việc lấy ý kiến của các thành viên UBND theo quy định tại Điều 45,46 Luật Ban hành VBQPPL của HĐND, UBND năm 2004, Chủ tịch UBND phường đã ra yêu cầu nhất thiết phải lấy ý kiến của các thành viên Ban Tư pháp. Sự nhất thiết này xuất phát từ nhận định người tham gia xây dựng văn bản luật cần nắm vững đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có kiến thức về khoa học pháp lý, quản lý và thực tiễn. Thực tế cho thấy, trong những năm qua, tại phường Hoàng Văn Thụ, những VBQPPL do UBND, HĐND phường ban hành với sự tham gia của các thành viên Ban Tư pháp đã có tính khả thi cao, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của địa phương.

            Với tư cách là người chắp bút, người đặt “viên gạch” đầu tiên cho những dự thảo VBQPPL của UBND, HĐND, Ban Tư pháp Thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai đã đầu tư rất nhiều thời gian và công sức cho việc chuẩn bị một dự thảo. Trước khi soạn thảo văn bản, Ban Tư pháp thường tiến hành khảo sát, thăm dò dư luận, quần chúng, lắng nghe phản hồi từ người dân, nguyện vọng của người quản và đối tượng bị quản lý... để giúp cho nội dung dự thảo có tính khả thi, tính thực tiễn cao. Ngoài ra, cán bộ tư pháp cũng đầu tư nghiên cứu kỹ các văn bản nguồn và điều kiện cụ thể của địa phương mình để đưa vào nội dung dự thảo. Nội dung, từ ngữ của dự thảo được cán bộ tư pháp lựa chọn kỹ sao cho rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện đối với chính cán bộ công chức cũng như các đối tượng chịu sự điều chỉnh.

Lực bất tòng tâm

            Tuy có tiếng nói và vai trò khá quan trọng trong công tác soạn thảo và ban hành VBQPPL của UBND, HDND nhưng công bằng mà nói, đây cũng là gánh nặng đặt trên vai các Ban Tư pháp xã (phường), nhất là trong điều kiện còn eo hẹp về nhân lực như hiện nay.

            Thị trấn Phố Lu có tổng số dân trên 6 nghìn người nên không cần nói cũng có thể hình dung những công việc mà Ban Tư pháp và cán bộ tư pháp-hộ tịch hàng ngày phải thực hiện. Từ đăng ký quản lý hộ tịch, tuyên truyền phố biến pháp luật, cho tới thi hành án dân sự, chứng thực...Công việc nào cũng trực tiếp liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, nhân dân nên đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức, trí tuệ của cán bộ tư pháp cấp trong khi đó thực tiễn hoạt động biên chế chỉ có đúng một người. Chính vì vậy, thời gian, chất lượng, hiệu quả của việc tham gia xây dựng dự thảo, tham gia ý kiến về mặt pháp lý, xin ý kiến tham gia của tổ chức và công dân cho nội dung dự thảo...còn rất nhiều hạn chế.

            Như nhiều phường khác thuộc các thành phố lớn, cơ số cán bộ làm công tác tư pháp của phường Hoàng Văn Thụ luôn bị động vì cấp trên điều chuyển công tác hoặc bản thân cán bộ xin chuyển công việc. Vì vậy, tuy làm công tác tư pháp nhưng có cán bộ chưa nhận thức được thế nào là văn bản quy phạm và văn bản thông thường, nói gì đến chuyện tham gia soạn thảo và góp ý kiến.

            Bên cạnh vấn đề nhân lực, thì hiện nay ranh giới giữa “quyền” và “trách nhiệm” tham gia góp ý kiến cho nội dung dự thảo VBQPPL do UBND, HĐND ban hành của các tổ chức, cá nhân khác cũng chưa được luật làm rõ. Khoản 1 Điều 4 Luật Ban hành VBQPPL của HĐND, UBND năm 2004 mới chỉ đề cập đến “quyền” của MTTQ, các tổ chức thành viên của MTTQ, cơ quan, tổ chức khác và cá nhân. Là “quyền” nên các tổ chức này có thể tham gia hoặc không tham gia. Như vậy, tính công khai, minh bạch, chất lượng khi xây dựng văn bản chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

            Xuân Hoa

Đại diện Ban Tư pháp phường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng, Hải Phòng:

            Đối với tình hình thực tế hiện nay, chúng tôi đề nghị Nhà nước nghiên cứu và bổ sung các quy định pháp luật sao cho việc ban hành các VBQPPL đơn giản, gọn nhẹ về thủ tục nhưng vẫn đề cao trách nhiệm của chủ thể ban hành văn bản trên cơ sở thực hiện nguyên tắc rõ người, rõ trách nhiệm

            

Xem thêm »