Tiếp nhận hồ sơ theo cơ chế “một cửa”: Nhận hay không nhận?

02/01/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” trong quản lý nhà nước ở các địa phương, cơ quan nhà nước là đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Việc thực hiện cơ chế “một cửa” đã rút ngắn được thời gian, thủ tục được đơn giản hoá và công khai nên đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức trong và ngoài nước. Ngoài ra, nó cũng là công cụ hữu hiệu để nhà nước quản lý đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) chống các biểu hiện tiêu cực trong việc thụ lý, giải quyết các yêu cầu của công dân, tổ chức...

Mặc dù, kết quả đạt được bước đầu rất khả quan, tuy nhiên, trong quá trình triển khai tại các cơ quan, đơn vị cũng có một số khó khăn, vướng mắc cần khắc phục như: CBCC làm việc bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (bộ phận một cửa) đều kiêm nhiệm, nên ảnh hưởng đến việc thực hiện chuyên môn chính được giao; sự phối hợp giữa các cơ quan cơ liên quan chưa thật sự hiệu quả còn chồng chéo; một số cơ quan nhà nước áp dụng rập khuôn, máy móc mà không dựa trên tình hình thực tế của địa phương, đơn vị mình nên làm chậm tiến độ giải quyết cho công dân hơn trước khi chưa áp dụng cơ chế “một cửa”; chế độ hiện hành đối với CBCC làm việc ở bộ phận này chưa thật sự thỏa đáng...

Tuy nhiên, dưới góc độ bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến khía cạnh khác đó là vấn đề nhận hay không nhận, thụ lý hay không thụ lý hồ sơ khi công dân, tổ chức yêu cầu ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Mà minh chứng cụ thể là qua các vụ vi phạm về xây dựng ở Hà Nội, khi một số CBCC ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Sở Xây dựng Hà Nội trước đây đã tố cáo lãnh đạo Sở này ép họ phải nhận hồ sơ không đủ điều kiện (thiếu: văn bản đồng ý của Bộ Quốc phòng về độ cao công trình; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trích lục bản đồ khu đất của Sở Tài nguyên và Môi trường,...). Qua vụ việc này và một số vụ việc tương tự khác có nhiều ý kiến khác nhau về việc tiếp nhận hồ sơ ở bộ phận một cửa. Ở đây chúng tôi xin đưa ra hai luồng ý kiến trái ngược nhau về vấn đề này:

 Ý kiến thứ nhất, cho rằng bộ phận một cửa phải nhận tất cả hồ sơ, yêu cầu giấy tờ của công dân, tổ chức mà không được từ chối, theo luồng ý kiến này thì: Bộ phận một cửa chỉ là nơi tiếp nhận và trả kết quả. Do đó, CBCC khi làm việc ở đây chỉ kiểm tra hồ sơ xem đã đầy đủ các loại giấy tờ cần thiết theo niêm yết hay chưa mà không cần biết các loại giấy tờ trên có đúng hay không... Còn về thẩm quyền giải quyết là thuộc cấp trên, người có thẩm quyền khác.

Ví dụ: UBND xã lập bộ phận một cửa, có thể phân công văn thư, cán bộ văn phòng tiếp nhận hồ sơ (theo niêm yết công khai đó là gồm những giấy tờ gì còn đúng, sai thế nào là do Chủ tịch UBND xã quyết định...). Hoặc CBCC giúp việc tại Phòng công chứng phải tiếp nhận hồ sơ theo yêu cầu của công dân, tổ chức còn quyền có công chứng hay từ chối là thuộc về công chứng viên. Cách làm này có ưu điểm là tất cả mọi yêu cầu, hồ sơ của công dân đều được tiếp nhận, thụ lý và không cần nhiều người làm việc ở bộ phận một cửa, thậm chí chỉ cần một mình văn thư là đủ. Tuy nhiên, nhược điểm rất lớn là do không cần biết nội dung, hồ sơ đúng, sai nên bất cứ yêu cầu nào của công dân, tổ chức đều tiếp nhận, thụ lý miễn đủ hồ sơ. Dẫn đến tình trạng có nhiều hồ sơ không đủ điều kiện, không thể giải quyết hoặc cần phải bổ sung hồ sơ cũng được tiếp nhận sau đó không giải quyết được sẽ ảnh hưởng đến thời gian, đi lại, chờ đợi của công dân, tổ chức. Ngoài ra, nếu trong lĩnh vực, trường hợp phải thu phí, lệ phí khi đã lỡ thu và ghi biên lai, hóa đơn thì sau này rất khó giải quyết nếu thuộc trường hợp từ chối, do khó trả lại tiền cho công dân, tổ chức.

 Ý kiến thứ hai, cho rằng bộ phận một cửa có quyền từ chối tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ của công dân, tổ chức: Vì khi tiếp nhận hồ sơ của công dân, tổ chức thì CBCC bộ phận một cửa phải có trách nhiệm kiểm tra, xem xét nội dung, yêu cầu của công dân, tổ chức. Nếu thấy hồ sơ còn thiếu, sai sót, cần chỉnh sửa thì yêu cầu đương sự bổ sung, nếu không thuộc trường hợp giải quyết hoặc không giải quyết được thì có thể từ chối ngay nhằm giảm được thiệt hại cho công dân, tổ chức. Cách làm này có ưu điểm là bắt buộc CBCC làm ở bộ phận một cửa phải có trình độ chuyên môn và phải có trách nhiệm với nhiệm vụ của mình. Đây là biện pháp tốt nhất để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức. Tuy nhiên, nhược điểm là phải cần rất nhiều người làm việc ở bộ phận một cửa, vì mỗi lĩnh vực phải cần ít nhất một người có trình độ chuyên môn ở lĩnh vực đó, thì mới giải quyết được yêu cầu nộp hồ sơ của công dân.

Trong hai luồng ý kiến trên đều có những ưu điểm, nhược điểm riêng. Tuy nhiên, theo chúng tôi, trong tình hình hiện nay để đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách hành chính, cải cách kinh tế và nhu cầu hội nhập kinh tế thế giới, chúng ta nên thực hiện theo ý kiến thứ hai. Bởi vì, trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi chúng ta phải xây dựng đội ngũ CBCC vừa hồng, vừa chuyên, thạo một việc nhưng có thể biết và làm được nhiều việc. Từ đó, vừa nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ, công chức, vừa góp phần tinh giản, gọn nhẹ được bộ máy hành chính. Đồng thời, đáp ứng được đòi hỏi của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước./.

Phạm Văn Chung

Xem thêm »