Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền: Tạo nhiều điều kiện hơn nữa cho nữ cán bộ!

08/01/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBPN) ngành Tư pháp là lĩnh vực công tác rất quan trọng trong việc đảm bảo sự bình đẳng giới, tạo những điều kiện thuận lợi cho nữ cán bộ, công chức ngành Tư pháp phát triển sự nghiệp, cũng như thực hiện tốt những thiên chức của người phụ nữ. Trước thềm năm mới 2009, tân Thứ trưởng Nguyễn Thuý Hiền đã bộc bạch với PLVN những tâm tư, hy vọng về lĩnh vực công tác này.

PV: Thứ trưởng có nhận xét gì về công tác VSTBPN ngành Tư pháp năm 2008?

Thứ trưởng Nguyễn Thuý Hiền: Đánh giá một cách khách quan, năm 2008, công tác VSTBPN ngành Tư pháp đã có những kết quả đáng ghi nhận. Nổi bật là trong công tác qui hoạch, phát triển cán bộ. Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về công tác cán bộ, bảo đảm các công chức nữ có điều kiện, tiêu chuẩn bằng nam giới đều được ưu tiên lựa chọn trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng… Số lượng công chức nữ được bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo của Bộ và các cơ quan, đơn vị trong ngành cũng ngày càng tăng. Ngoài ra, Bộ và các cơ quan, đơn vị trong ngành đã luôn quan tâm sắp xếp, bố trí công việc phù hợp với khả năng, năng lực, hoàn cảnh của chị em; thực hiện tốt chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức nữ; tổ chức tốt các ngày lễ kỷ niệm 8/3, 20/10; tổ chức khám sức khoẻ định kỳ…, góp phần khuyến khích, động viên đội ngũ nữ cán bộ, công chức yên tâm công tác, tích cực cống hiến cho sự phát triển chung của toàn ngành.

PV: Còn về thực hiện mục tiêu chung VSTBPN Việt Nam, ngành Tư pháp đã tham gia như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Thuý Hiền: Các quan điểm bảo vệ, phát huy quyền của phụ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia các hoạt động của xã hội, bảo vệ và tạo điều kiện để trẻ em gái phát triển về mọi mặt, nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ tiếp tục được quán triệt và thực hiện nghiêm túc trong ngành. Các mục tiêu VSTBPN Việt Nam đã được lồng ghép trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của ngành, như: chú trọng nghiên cứu, lồng ghép trong quá trình xây dựng, tham gia xây dựng, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, trong năm qua, Bộ Tư pháp đã tập trung xây dựng 03 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bình đẳng giới (trong đó 1 NĐ đã được ban hành ngày 4/6 và 2 NĐ còn lại dự kiến được ban hành trong tháng 1/2009); quan tâm đẩy mạnh PBGDPL cho phụ nữ, và PBGDPL liên quan đến quyền, lợi ích phụ nữ như: Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, các VBPL về phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em…; đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý cho các đối tượng là phụ nữ; tăng cường quản lý nhà nước về hôn nhân có yếu tố nước ngoài…

PV: Như vậy, công tác VSTBPN ngành Tư pháp năm 2008 đã có một kết quả “hoàn hảo”, không còn gì để lo lắng?

Thứ trưởng Nguyễn Thuý Hiền: Không, vẫn còn rất nhiều vấn đề phải quan tâm để công tác này đạt được các mục tiêu đề ra. Dù năm qua, kết quả rất khả quan nhưng thực ra, công tác VSTBPN ngành Tư pháp vẫn còn hạn chế vì vẫn có nơi, có lúc, vị trí, vai trò của công chức nữ và hoạt động VSTBPN chưa được lãnh đạo và một số đơn vị quan tâm đúng mức. Do vậy, việc lồng ghép quan điểm giới và bình đẳng giới trong các hoạt động chuyên môn của ngành chưa đạt hiệu quả cao và chưa được thực hiện đồng đều trong toàn ngành. Tỷ lệ công chức nữ tham gia công tác lãnh đạo vẫn chưa tương xứng ở một số đơn vị so với số lượng công chức nữ khá đông đảo, do chưa có vị trí để bổ nhiệm hoặc do chưa làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng công chức nữ. Trong khi đó, Ban VSTBPN ở một số Sở Tư pháp hoạt động còn lúng túng hoặc hoạt động mang tính hình thức do cán bộ của các Ban này đều hoạt động kiêm nhiệm, thời gian đầu tư cho hoạt động VSTBPN còn hạn chế, một số Ban chưa được bố trí kinh phí hoặc được bố trí kinh phí quá ít…

PV: Trước những hạn chế đó, ngành Tư pháp cần làm gì để có thể phát huy vai trò của nữ cán bộ, công chức đối với sự phát triển chung của toàn Ngành trong năm 2009, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Thuý Hiền: Điều đó trước hết cần sự tích cực, chủ động của lãnh đạo và các đơn vị khi thực hiện các mục tiêu chung VSTBPN theo Kế hoạch hành động VSTBPN ngành Tư pháp giai đoạn 2006-2010, trong đó xác định cụ thể những nội dung hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Ngoài ra, cần thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, bố trí và sử dụng và các chế độ, chính sách khác đối với đội ngũ công chức nữ trong ngành. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phụ nữ và hoạt động VSTBPN, vai trò và trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị trong hoạt động này; trang bị kiến thức về giới và bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới trong hoạch định chính sách và thực hiện các hoạt động chuyên môn của ngành cho cán bộ, công chức trong toàn ngành, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo và thành viên của các Ban VSTBPN. Dự kiến trong Quý I/2009, Ban VSTBPN ngành Tư pháp sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong hoạt động chuyên môn của ngành Tư pháp và phổ biến, quán triệt Luật Bình đẳng giới và các Nghị định hướng dẫn thi hành.

Đặc biệt, do hệ thống các cơ quan THADS địa phương được tách ra thành hệ thống độc lập theo quy định của Luật THADS, nên việc tổ chức triển khai hoạt động VSTBPN ở các cơ quan này là hết sức cần thiết. Bộ Tư pháp, Ban VSTBPN ngành Tư pháp đã xác định đây là một nội dung trọng tâm trong dự kiến Chương trình hoạt động của Ban VSTBPN ngành Tư pháp năm 2009.

Hy vọng với những hoạt động thiết thực đó, công tác VSTBPN năm 2009 sẽ được phát triển toàn diện, có nhiều khởi sắc hơn nữa, đem lại nhiều động lực và điều kiện phát triển cho đội ngũ nữ cán bộ, công chức ngành Tư pháp trong thời kỳ mới./.

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Hương Giang

Trong đợt quy hoạch cán bộ lãnh đạo cấp Bộ, cấp Vụ của Bộ Tư pháp vừa qua, có 02 công chức nữ được đưa vào nguồn quy hoạch lãnh đạo Bộ và 33 công chức nữ được đưa vào nguồn quy hoạch lãnh đạo cấp Vụ. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, số lượng công chức nữ được tuyển dụng vào làm việc tại các đơn vị trong ngành luôn chiếm hơn 50%. Chỉ tính riêng trong năm 2008, Bộ hoàn thành thủ tục đề nghị bổ nhiệm 01 Thứ trưởng là nữ và đã bổ nhiệm 01 Vụ trưởng và 15 Lãnh đạo cấp Phòng là nữ.

Xem thêm »