Chính phủ vừa mời ban hành
Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11/5/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 75/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục. Cụ thể:
Thứ nhất, về sách giáo khoa:
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; quyết định duyệt và chọn sách giáo khoa để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông, bao gồm cả sách giáo khoa bằng chữ nổi, bằng tiếng dân tộc và sách giáo khoa cho học sinh trường chuyên biệt trên cơ sở thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo thẩm quyền quy định việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình giáo dục nghề nghiệp, giáo trình giáo dục đại học; quy định về giáo trình sử dụng chung, tổ chức biên soạn và duyệt các giáo trình này.
Hiệu trưởng trường trung cấp, trường cao đẳng, trường đại học, giám đốc trung tâm dạy nghề tổ chức biên soạn giáo trình các môn học hoặc lựa chọn giáo trình tiên tiến, hiện đại trong nước và ngoài nước phù hợp với mục tiêu giáo dục, phù hợp với chương trình khung và nhiệm vụ đào tạo của trường; duyệt giáo trình trên cơ sở thẩm định của Hội đồng thẩm định giáo trình do Hiệu trưởng nhà trường, Giám đốc trung tâm dạy nghề thành lập, bảo đảm có đủ giáo trình giảng dạy và học tập.
Thứ hai, về cơ sở giáo dục khác thuộc hệ thống giáo dục quốc dân gồm:
Nhóm trẻ, nhà trẻ; các lớp độc lập gồm: lớp mẫu giáo, lớp xóa mù chữ, lớp ngoại ngữ, lớp tin học, lớp dành cho trẻ em vì hoàn cảnh khó khăn không được đi học ở nhà trường, lớp dành cho trẻ tàn tật, khuyết tật, lớp dạy nghề và lớp trung cấp chuyên nghiệp được tổ chức tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;
Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp; trung tâm dạy nghề; trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm học tập cộng đồng; trung tâm ngoại ngữ, tin học; Viện nghiên cứu khoa học được đào tạo trình độ tiến sĩ, phối hợp với trường đại học đào tạo trình độ thạc sĩ.
Thứ ba, về đình chỉ hoạt động giáo dục:
Cơ sở giáo dục bị đình chỉ hoạt động giáo dục khi xảy ra một trong các trường hợp bị đình chỉ hoạt động giáo dục quy định tại khoản 17 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Trình tự, thủ tục đình chỉ hoạt động giáo dục hoặc cho phép cơ sở giáo dục hoạt động giáo dục trở lại được quy định trong Điều lệ nhà trường, Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường hoặc cơ sở giáo dục khác.
Thứ tư, về giải thể cơ sở giáo dục:
Cơ sở giáo dục bị giải thể khi xảy ra một trong các trường hợp bị giải thể quy định tại khoản 17 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Trình tự, thủ tục giải thể cơ sở giáo dục được quy định trong Điều lệ nhà trường, Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường, Quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục khác.
Thứ năm, về nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục:
Người tốt nghiệp các trình độ đào tạo muốn trở thành nhà giáo mà chưa qua đào tạo về nghiệp vụ sư phạm thì phải được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm. Cán bộ quản lý giáo dục được đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý giáo dục.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về chương trình, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức, thời gian bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với người chưa qua bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm muốn trở thành nhà giáo; quy định về bồi dưỡng và nâng cao trình độ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; quy định về điều kiện để các cơ sở giáo dục được tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được cử đi học nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ được hưởng lương và phụ cấp trong suốt quá trình học tập.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2011./.
Lê Văn Nhật