Ngày 06/6/2011, Bộ Tư pháp và Thanh tra Chính phủ đã ban hành
Thông tư liên tịch số 10/2011/TTLT-BTP-TTCP hướng dẫn thực hiện trợ giúp pháp lý trong việc khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính. Sau đây là những nội dung cơ bản của Thông tư liên tịch:
1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư liên tịch này (sau đây viết tắt là Thông tư) hướng dẫn thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý trong việc khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước.
2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức và cá nhân sau đây:
a) Cơ quan thanh tra nhà nước bao gồm: Thanh tra Chính phủ; Thanh tra Bộ, cơ quan ngang Bộ; Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Thanh tra sở; Thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
b) Các cơ quan hành chính nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại, bao gồm: Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các cơ quan thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Uỷ ban nhân dân các cấp và các cơ quan thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và huyện.
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý và tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.
d) Người thuộc diện được trợ giúp pháp lý có đơn khiếu nại hoặc có yêu cầu giúp đỡ để khiếu nại về vụ việc có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
đ) Trợ giúp viên pháp lý, luật sư là cộng tác viên trợ giúp pháp lý và luật sư làm việc hoặc cộng tác tại tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý (sau đây viết là người thực hiện trợ giúp pháp lý).
e) Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong cơ quan hành chính nhà nước có liên quan đến vụ việc giải quyết khiếu nại.
3. Trách nhiệm của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm; cơ quan thanh tra nhà nước và cơ quan hành chính nhà nước; người thực hiện trợ giúp pháp lý
Điều 3 Thông tư quy định trách nhiệm của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm trong việc kiểm tra diện người được trợ giúp pháp lý; cử người thực hiện trợ giúp pháp lý; phối hợp với cơ quan hành chính nhà nước kiểm tra, đánh giá việc thực hiện trợ giúp pháp lý; cung cấp cho Uỷ ban nhân dân các cấp và cơ quan hành chính nhà nước khác trong trường hợp cần thiết: Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, mẫu đơn đề nghị trợ giúp pháp lý, Hộp tin trợ giúp pháp lý, danh sách người thực hiện trợ giúp pháp lý….
Điều 4 Thông tư quy định trách nhiệm của cơ quan thanh tra nhà nước và cơ quan hành chính nhà nước trong việc giới thiệu người được trợ giúp pháp lý đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; bảo đảm, tạo điều kiện để người thực hiện trợ giúp pháp lý giúp đỡ về pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý; niêm yết Bảng thông tin, đặt Hộp tin về trợ giúp pháp lý…
Điều 5 Thông tư quy định về các nhiệm vụ mà người thực hiện trợ giúp pháp lý phải làm và những hành vi của người thực hiện trợ giúp pháp lý sẽ bị đề xuất xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Về thủ tục tham gia giải quyết khiếu nại của người thực hiện trợ giúp pháp lý
Điều 6 Thông tư quy định khi tham gia quá trình giải quyết khiếu nại để giúp đỡ người khiếu nại về pháp luật, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải xuất trình các giấy tờ cần thiết.
5. Về kiến nghị đối với cơ quan hành chính nhà nước trong quá trình giải quyết khiếu nại
Thông tư quy định trong quá trình tham gia giải quyết khiếu nại nếu người thực hiện trợ giúp pháp lý có căn cứ cho rằng cơ quan hành chính nhà nước chưa giải quyết vụ việc hoặc kết quả giải quyết vụ việc chưa phù hợp với quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho người được trợ giúp pháp lý thì tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý kiến nghị với cơ quan hành chính nhà nước đó xem xét giải quyết hoặc giải quyết lại vụ việc để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý (khoản 1, Điều 7).
Khoản 2 quy định về thời hạn giải quyết kiến nghị cũng như trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước nếu không giải quyết kiến nghị đúng thời hạn.
6. Về việc tham gia làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý
Thông tư quy định cơ quan tư pháp, cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan hành chính nhà nước khác khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại cơ quan mình tham gia làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý để tư vấn pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý (Điều 8).
7. Trách nhiệm thực hiện
Thông tư quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong tổ chức thực hiện Thông tư phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao (Điều 9).
8. Kinh phí thực hiện
Thông tư quy định kinh phí đặt Hộp tin, Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý và kinh phí tổ chức quán triệt thực hiện Thông tư này (Điều 10).
9. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2011.
Kim Thy