Vướng mắc trong thủ tục nuôi con nuôi trong nước

04/03/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Quy định về nuôi con nuôi là quy định không mới đối với hệ thống các quy định pháp luật ở nước ta. Việc cho và nhận nuôi con nuôi thể hiện tính nhân đạo sâu sắc đảm bảo cho người con nuôi được chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình. Với những ý nghĩa đó pháp luật Việt Nam đã có những quy định cụ thể trong các văn bản pháp lý về vấn đề nuôi con nuôi nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người được nhận làm con nuôi. Văn bản pháp lý điều chỉnh về việc đăng ký nuôi con nuôi là Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch. Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết các thủ tục nuôi con nuôi theo các quy định của Nghị định 158 đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập mà trong thời gian tới Nghị định 158 cần có sự bổ sung và sửa đổi

Trước đây, Nghị định 83 về đăng ký hộ tịch quy định hồ sơ, thủ tục nuôi con nuôi bao gồm đơn xin nhận nuôi con nuôi, giấy thỏa thuận về việc cho và nhận con nuôi, giấy khai sinh của người nhận nuôi con nuôi, chứng minh nhân dân của người nhận nuôi con nuôi, sổ hộ khẩu gia đình… Nghị định 158 đã đơn giản hóa các thủ tục của Nghị định 83 hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi chỉ còn các giấy tờ như giấy thỏa thuận, bản sao khai sinh của người được nhận làm con nuôi, biên bản xác nhận tình trạng trẻ bị bỏ rơi (trường hợp người con nuôi là trẻ bỏ rơi). Liên quan đến thủ tục nhận nuôi con nuôi đối với trẻ bị bỏ rơi đã phát sinh nhiều vướng mắc khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết và người nhận nuôi con nuôi. Khi trẻ em bị bỏ rơi để được nhận làm con nuôi thì UBND cấp xã nơi trẻ em bị bỏ rơi lập biên bản xác nhận tình trạng trẻ bị bỏ rơi và tìm người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ em đó. Sau đó UBND cấp xã có trách nhiệm thông báo trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình địa phương ba lần trong ba ngày liên tiếp thông tin của đứa trẻ để tìm cha, mẹ đẻ của trẻ. Hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo cuối cùng nếu không tìm được cha, mẹ đẻ thì người, tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ có trách nhiệm đi đăng ký khai sinh và làm thủ tục nuôi con nuôi nếu muốn nhận trẻ làm con nuôi. Trong quy định ta nhận thấy vướng mắc phát sinh từ thời gian thông báo tìm cha, mẹ đẻ của trẻ bị bỏ rơi từ Đài phát thanh hay Đài truyền hình địa phương. Thực tiễn cho thấy hầu hết các UBND cấp xã tiến hành thông báo trên trạm truyền thanh, đài truyền thanh địa phương (cấp xã, huyện) mà không tiến hành thông báo đúng quy định thông báo trên Đài phát thanh, Đài truyền hình (cấp tỉnh) dẫn đến thực hiện thủ tục thông báo tình trạng trẻ em bị bỏ rơi sai quy định. Một vấn đề phát sinh cho thấy nếu tiến hành thông báo trên Đài phát thanh hay Đài truyền hình cấp tỉnh thì cán bộ phụ trách cấp xã phải thực hiện theo quy trình nào, phải trực tiếp đến Đài phát thanh, Đài truyền hình yêu cầu thông báo hay chuyển thông báo đến Đài phát thanh, Đài truyền hình qua đường bưu điện và thời điểm phát tin thông báo là ngày nào để tính khoảng thời gian 30 ngày kể từ ngày thông báo cuối cùng như luật định. Điều này UBND cấp xã xử lý vẫn còn bỏ ngỏ dẫn đến không đảm bảo các thủ tục khai sinh cho trẻ em bỏ rơi và thủ tục nhận nuôi con nuôi sau này.

Đối với thủ tục xác định lại dân tộc cho người con nuôi vẫn tồn tại bất cập, theo quy định tại Điểm b, Khoản 2 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì người đã thành niên, cha, mẹ đẻ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc của cha, mẹ đẻ trong trường hợp người con nuôi được xác định theo dân tộc khác do được xác định theo dân tộc của cha, mẹ nuôi và không biết cha, mẹ đẻ là ai. Ví dụ: người con nuôi mang dân tộc của cha, mẹ nuôi là dân tộc Kinh; cha, mẹ đẻ lại có dân tộc Chăm thì cha, mẹ đẻ có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác định lại dân tộc cho người con nuôi là dân tộc Chăm. Như vậy, pháp luật dân sự chỉ công nhận việc xác định dân tộc cho người con nuôi theo một chiều từ cha, mẹ nuôi sang cha, mẹ đẻ mà không có sự xác định dân tộc ngược lại từ cha, mẹ đẻ sang cha, mẹ nuôi. Trong khi đó Khoản 2, Điều 28 Nghị định 158 lại cho phép giữa cha, mẹ đẻ và cha, mẹ nuôi được quyền thỏa thuận thay đổi phần khai về cha, mẹ đẻ sang cha, mẹ nuôi. Do đó, dù thay đổi phần khai về cha, mẹ đẻ sang cha, mẹ nuôi nhưng vấn đề dân tộc của người con nuôi vẫn phải giữ nguyên (dân tộc của cha, mẹ đẻ) theo quy định của Bộ luật Dân sự mà không thể theo dân tộc của cha, mẹ nuôi dẫn đến làm ảnh hưởng tâm lý mặc cảm của người con nuôi sau này. Quy định về thay đổi phần khai về cha, mẹ đẻ sang cha, mẹ nuôi cũng còn bất cập theo Nghị định 158 thì phải có sự thỏa thuận giữa hai bên cha, mẹ đẻ và cha, mẹ nuôi nhưng nếu một trong các bên cụ thể là cha, mẹ đẻ không đồng ý thay đổi thì giấy khai sinh lẫn sổ đăng ký khai sinh của người con nuôi vẫn mang tên cha, mẹ đẻ mà không có một thông tin gì cho mối quan hệ giữa người con nuôi và cha, mẹ nuôi làm ảnh hưởng đến tình cảm cũng như tâm lý của cha, mẹ nuôi. Hy vọng trong thời gian tới quy định này cần được cơ quan có thẩm quyền sửa đổi cho phù hợp.

  Tóm lại, quy định nuôi con nuôi là một trong những quy định mang tính nhân đạo của nhà nước ta được quy định cụ thể, chặt chẽ trong hệ thống pháp luật. Tuy nhiên trong thực tiễn áp dụng và giải quyết vẫn còn một số vướng mắc và bất cập trong các thủ tục lẫn quy định về thủ tục nuôi con nuôi. Mong rằng cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành các quy định chặt chẽ cụ thể hơn nữa để địa phương áp dụng một cách thống nhất hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu đăng ký nuôi con nuôi của công dân./.

Nguyễn Thanh Xuân

Xem thêm »