Ngày 04/7/2011, Chính phủ ban hành
Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.
Nghị định này được ban hành sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, vị trí, vai trò và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác pháp chế, nhất là trong điều kiện tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp, trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XI, tiếp tục triển khai những chủ trương quan trọng của Đảng về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp trong giai đoạn chiến lược mới.
Nghị định số 55/2011/NĐ-CP gồm 4 chương với 18 điều, quy định cụ thể, rõ ràng về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và doanh nghiệp nhà nước. Trên cơ sở kế thừa các quy định trước đây, Nghị định này đã có nhiều điểm mới cơ bản sau đây:
1. Nghị định đã xác định cụ thể, rõ ràng hơn về vị trí, chức năng của các tổ chức pháp chế, theo đó quy định tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là đơn vị chuyên môn, có chức năng tham mưu và giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật và tổ chức thực hiện công tác pháp chế trong ngành, lĩnh vực được giao (khoản 1 Điều 2); tổ chức pháp chế ở các doanh nghiệp nhà nước là đơn vị chuyên môn, có chức năng tham mưu, tư vấn và giúp lãnh đạo doanh nghiệp về những vấn đề pháp lý liên quan đến tổ chức, quản lý và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (khoản 2 Điều 2).
2. Tiếp tục quy định các nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế trên các mặt công tác pháp chế từ xây dựng pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; rà soát, hệ thống hóa; kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật… (Điều 3, 4, 5, 6 và Điều 7), Nghị định mới đã quy định cụ thể hơn và bổ sung những nhiệm vụ, quyền hạn mới cho tổ chức pháp chế, như các nhiệm vụ, quyền hạn mới trong công tác xây dựng pháp luật theo quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008; trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên cơ sở Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ; công tác về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trên cơ sở Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên cơ sở Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế trong việc tham gia giải quyết các vụ việc hành chính theo Luật tố tụng hành chính và thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.
3. Nghị định kế thừa và tiếp tục quy định tên gọi “tổ chức pháp chế”, đồng thời quy định rõ hơn về tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (Điều 8, 9 và Điều 10). Theo đó, quy định ở Bộ, cơ quan ngang Bộ có Vụ Pháp chế; cơ quan thuộc Chính phủ có Ban Pháp chế hoặc Phòng Pháp chế trực thuộc Văn phòng; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có Phòng Pháp chế. Điểm mới trong trong việc quy định về tổ chức pháp chế thể hiện ở những điểm sau:
- Căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập tổ chức pháp chế ở các Tổng cục và tương đương; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định thành lập tổ chức pháp chế hoặc bố trí công chức pháp chế chuyên trách ở các Cục trực thuộc (khoản Điều 8).
- Quy định cứng về việc thành lập phòng pháp chế ở 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, trừ Sở Tư pháp, Thanh tra, Văn phòng. Các cơ quan chuyên môn được thành lập theo đặc thù riêng của từng địa phương và ở các cơ quan chuyên môn khác thì do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Phòng Pháp chế hoặc bố trí công chức pháp chế chuyên trách (Điều 9).
- Quy định giao cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập và cơ cấu tổ chức pháp chế hoặc bố trí cán bộ pháp chế chuyên trách trong lực lượng quân đội, công an nhân dân (khoản 4 Điều 8).
- Căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp nhà nước quyết định tổ chức pháp chế hoặc bố trí nhân viên pháp chế chuyên trách (Điều 10).
Bên cạnh đó, Nghị định đã bổ sung các quy định mới về công tác quản lý, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ và cơ chế phối hợp trong công tác pháp chế giữa các tổ chức pháp chế với nhau và giữa các tổ chức pháp chế với Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp. Riêng trong lực lượng quân đội và công an nhân dân, Nghị định giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể.
4. Về người làm công tác pháp chế và tiêu chuẩn, Nghị định bổ sung những quy định mới, theo hướng xác định rõ những người làm công tác pháp chế và tiêu chuẩn người làm công tác pháp chế (Điều 11 và khoản 1 Điều 12), cụ thể là:
- Quy định người làm công tác pháp chế gồm công chức pháp chế ở tổ chức pháp chế thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân cấp tỉnh; cán bộ pháp chế ở các đơn vị quân đội, công an nhân dân; viên chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập; và nhân viên pháp chế ở tổ chức pháp chế thuộc doanh nghiệp nhà nước.
- Quy định rõ các tiêu chuẩn của người làm công tác pháp chế. Theo đó, công chức pháp chế phải là công chức từ ngạch chuyên viên và tương đương, có trình độ cử nhân luật trở lên; viên chức pháp chế phải là viên chức có chức danh nghề nghiệp, có trình độ cử nhân luật trở lên. Riêng đối với người đứng đầu tổ chức pháp chế phải có trình độ cử nhân luật trở lên và có ít nhất 05 năm trực tiếp làm công tác pháp luật. Ngoài ra, Nghị định quy định giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an căn cứ vào tiêu chuẩn của công chức, viên chức pháp chế, hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn đối với cán bộ pháp chế trong quân đội và công an nhân dân.
Đặc biệt, để giải quyết vấn đề thực tế đối với những người hiện đang làm công tác pháp chế mà chưa có trình độ cử nhân luật, Nghị định quy định những người này phải tham gia chương trình đào tạo về pháp luật và bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ về công tác pháp chế do Bộ Tư pháp tổ chức. Sau 05 năm, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, người làm công tác pháp chế phải có trình độ cử nhân luật (khoản 2 Điều 17).
5. Một trong những điểm mới cơ bản của Nghị định mới là đã quy định về chế độ, chính sách cho người làm công tác pháp chế (khoản 2 Điều 12), theo đó, xác định công chức, cán bộ và viên chức pháp chế được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề. Đồng thời, quy định giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với người làm công tác pháp chế.
Riêng đối với doanh nghiệp nhà nước có thể vận dụng tiêu chuẩn, chế độ của cán bộ, công chức, viên chức pháp chế để lựa chọn, bố trí sử dụng và quyết định chế độ đối với nhân viên pháp chế.
Ngoài những nội dung mới nêu trên, Nghị định đã quy định về trách nhiệm các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp về công tác pháp (Điều 13, 14, 15 và Điều 16), nhất là quy định bổ sung trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp thực hiện công tác pháp chế giữa các cơ quan nhà nước với cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2011 và thay thế Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp nhà nước.
Vụ VĐCXDPL