Ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trọng tài thương mại

12/08/2011
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Chính phủ ban hành Nghị định số 63/2011/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trọng tài thương mại nhằm hoàn thiện pháp luật về trọng tài thương mại và thực hiện cam kết mở cửa dịch vụ trọng tài của Việt Nam 3 năm sau khi gia nhập WTO (11/1/2007-11/1/2010).

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Trọng tài thương mại, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2011. Luật Trọng tài thương mại có một số điều giao Chính phủ quy định cụ thể những vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động trọng tài (Điều 15, 29 và 79 Luật Trọng tài thương mại).

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 82 Luật Trọng tài thương mại, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Chính phủ hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, đảm bảo tính kịp thời, đồng bộ của văn bản hướng dẫn Luật Trọng tài thương mại. Vì vậy, Nghị định của Chính phủ quy định hướng dẫn thực hiện một số vấn đề mà Luật Trọng tài thương mại chưa quy định hoặc thể hiện chưa rõ nhằm đảm bảo áp dụng thống nhất, hiệu quả các quy định mới về trọng tài thương mại trong phạm vi toàn quốc.

Phạm vi điều chỉnh của Nghị định chủ yếu quy định về các trình tự, thủ tục hành chính liên quan đến tổ chức trọng tài, không hướng dẫn về tố tụng trọng tài vì vấn đề này đã được thảo luận rất kỹ khi soạn thảo Luật Trọng tài thương mại và nội dung đã được quy định trong Luật Trọng tài thương mại. Nghị định quy định những nội dung cơ bản sau đây:  

- Quản lý nhà nước về trọng tài;

- Trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động, chấm dứt hoạt động, thu hồi Giấy phép thành lập của Trung tâm trọng tài, Chi nhánh Trung tâm trọng tài;

- Trình tự thủ tục thành lập, đăng ký hoạt động, chấm dứt hoạt động thu hồi Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động của Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam;

- Thi hành các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài;

Bố cục Nghị định: Nghị định gồm có 4 Chương và 28 điều, được cơ cấu như sau:

- Chương I. Quy định chung: gồm 5 điều (Điều 1 - Điều 5);

- Chương II. Đăng ký, chấm dứt hoạt động, thu hồi Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm trọng tài, Chi nhánh của Trung tâm trọng tài: gồm 14 điều (Điều 6 - Điều 19);

- Chương III. Thành lập, đăng ký, chấm dứt hoạt động, thu hồi Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động của Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam: gồm 6 điều (Điều 20-Điều 25);

- Chương IV. Điều khoản thi hành: gồm 3 điều (Điều 26-Điều 28) .

Nội dung của Nghị định

Quản lý nhà nước về hoạt động trọng tài

Nghị định quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp (Điều 2);  nhiệm vụ của Bộ Tài chính (Điều 3), quyền hạn của Sở Tư pháp (Điều 4); cách thức nộp hồ sơ (Điều 5) nhằm làm rõ vai trò và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình theo dõi, quản lý tổ chức, hoạt động trọng tài.

Trung tâm trọng tài, Chi nhánh của Trung tâm trọng tài

Chương II chủ yếu hướng dẫn về trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động, chấm dứt hoạt động, thu hồi Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm trọng tài, Chi nhánh của Trung tâm trọng tài.

- Nghị định quy định về cách thức đặt tên của Trung tâm trọng tài, Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Trung tâm trọng tài (Điều 6); quy định về Điều lệ của Trung tâm trọng tài nhằm hướng dẫn điểm b Điều 24 Luật Trọng tài thương mại (Điều 7); quy định thủ tục đăng ký hoạt động của Trung tâm trọng tài nhằm hướng dẫn Điều 25 Luật Trọng tài thương mại (Điều 8).

- Quy định về địa vị pháp lý của Chi nhánh của Trung tâm trọng tài (Điều 9); quy định thủ tục thành lập, đăng ký hoạt động Chi nhánh, quy định thủ tục thông báo thành lập Văn phòng đại diện của Trung tâm trọng tài ở trong nước và ở nước ngoài (Điều 13, 14); hướng dẫn việc thay đổi nội dung, cấp lại Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm trọng tài, Giấy đăng ký hoạt động của Chi nhánh (các Điều 10, 11, 12, 13).

- Quy định các trường hợp, trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép, Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm trọng tài (Điều 15); quy định thủ tục chấm dứt hoạt động của Trung tâm trọng tài, Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Trung tâm trọng tài để hướng dẫn Điều 29 Luật Trọng tài thương mại (các Điều 16, 17, 18); hướng dẫn trình tự, thủ tục công bố danh sách trọng tài viên, thông tin về tổ chức, hoạt động trọng tài thương mại do Bộ Tư pháp thực hiện (Điều 19).

Tổ chức trọng tài nước ngoài hoạt động tại Việt Nam

Chương III chủ yếu hướng dẫn về trình tự, thủ tục thành lập, đăng ký hoạt động, chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động của Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam (hướng dẫn Điều 79 Luật Trọng tài thương mại).

Nội dung của chương này được quy định theo hướng minh bạch hóa các thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp Giấy phép thành lập, đăng ký hoạt động của Chi nhánh, Văn phòng đại diện của tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam nhằm đảm bảo nguyên tắc đối xử bình đẳng giữa các tổ chức trọng tài trong nước và tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam. Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam có phạm vi hoạt động giống như các tổ chức trọng tài trong nước.

Điều 20 Nghị định quy định về tên Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài. Các Điều 12, 21, 22, 23, 24 hướng dẫn về việc cấp, cấp lại, thay đổi nội dung, thu hồi Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động của Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt nam. Điều 25 hướng dẫn về việc chấm dứt hoạt động của Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt nam.

Thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài

Hiện nay, tuy pháp luật thi hành án dân sự nói chung, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 nói riêng chưa có điều khoản nào đề cập đến việc thi hành các quyết định của Hội đồng trọng tài nhưng về nguyên tắc có thể thực hiện giống như việc thi hành các quyết định tương tự của tòa án (Điều 130 đến Điều 133 của Luật Thi hành án dân sự). Do vậy, cần thiết có một điều khoản mang tính viện dẫn sang pháp luật về thi hành án dân sự, chỉ rõ việc thi hành các quyết định này theo thủ tục thi hành các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa án để bảo đảm thuận lợi cho việc thực thi trên thực tế. Để đảm bảo việc thi hành các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài, Điều 26 Nghị định hướng dẫn khoản 5 Điều 50 Luật Trọng tài thương mại về việc thi hành các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài

Về quy định chuyển tiếp

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/9/2011, kể từ ngày có hiệu lực, Nghị định này thay thế Nghị định số 25/2004/NĐ-CP ngày 15 /01/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Trọng tài thương mại .

Tú Anh

Xem thêm »