Vừa qua, Chính phủ đã ban hành
Nghị định số 71/2011/NĐ-CP ngày 22/8/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Theo đó, Nghị định quy định cụ thể về 11 hành vi vi phạm quyền trẻ em như: Cha, mẹ bỏ rơi con, người giám hộ bỏ rơi trẻ em được mình giám hộ; dụ dỗ, lừa dối, ép buộc trẻ em mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy; lôi kéo trẻ em đánh bạc; dụ dỗ, lừa dối, dẫn dắt, chứa chấp, ép buộc trẻ em hoạt động mại dâm, xâm hại tình dục trẻ em; hành hạ, ngược đãi, làm nhục, chiếm đoạt, bắt cóc, mua bán, đánh tráo trẻ em; lạm dụng lao động trẻ em….
Về trách nhiệm đảm bảo các quyền cơ bản của trẻ em, Nghị định quy định: Cha, mẹ, người giám hộ có trách nhiệm đi khai sinh cho trẻ em đúng thời hạn quy định. Việc khai sinh cho trẻ em được thực hiện theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp để đăng ký khai sinh cho trẻ em đúng quy định tại khu vực có điều kiện đi lại khó khăn, người dân còn bị ảnh hưởng bởi những phong tục, tập quán lạc hậu.
Cũng theo Nghị định này, quỹ bảo trợ trẻ em được thành lập nhằm mục đích vận động sự đóng góp tự nguyện của các cơ quan, tổ chức và cá nhân ở trong nước và nước ngoài, viện trợ quốc tế và hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Quỹ được sử dụng để chi hỗ trợ trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em khuyết tật, tàn tật; là nạn nhân của chất độc hóa học; nhiễm HIV/AIDS; phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại; phải đi làm việc xa gia đình; trẻ em lang thang; bị xâm hại tình dục; nghiện ma túy; vi phạm pháp luật…
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/10/2011 và thay thế Nghị định số 36/2005/NĐ-CP ngày 17/03/2005./.
Lê Anh