Uỷ ban nhân dân cấp xã xác nhận tình trạng hôn nhân không chính xác

14/04/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được cấp cho cá nhân là nhằm chứng minh tình trạng hôn nhân của đương sự trong thời điểm hiện tại để sử dụng vào việc đăng ký kết hôn hoặc thực hiện vào các mục đích khác và thẩm quyền xác nhận làddo UBND cấp xã nơi cư trú của đương sự. Thời gian qua, một số UBND cấp xã đã xác nhận tình trạng hôn nhân không rõ ràng, thiếu chính xác, không thể hiện được tình trạng hôn nhân của đương sự. Do đó, cơ quan tiếp nhận không thể biết tình trạng “hôn nhân thực” của đương sự.

Thực hiện theo Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch (Nghị định 158), Thông tư số 01/2008/TT-BTP ngày 02/6/2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 158 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch (Thông tư số 01) thì việc xác nhận tình trạng hôn nhân của một người được thể hiện bằng hai hình thức: xác nhận trực tiếp vào tờ khai đăng ký kết hôn trong nước và có yếu tố nước ngoài (dùng cho kết hôn) hoặc cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân theo mẫu quy định (dùng cho kết hôn và mục đích khác). Thực tế thời gian qua địa phương đã thực hiện tốt vai trò này và giúp cho người dân thực hiện các thủ tục, giao dịch của mình được thuận lợi hơn cũng như thể hiện vai trò quản lý Nhà nước. Tuy nhiên dù đã được Sở Tư pháp nhiều lần hướng dẫn thông qua công tác kiểm tra, các bài viết đăng trên chuyên mục của Bản tin Tư pháp… nhưng vẫn còn tình trạng nhiều cán bộ Tư pháp lúng túng trong việc tham mưu cho UBND cùng cấp xác nhận sai, chưa đầy đủ trong nội dung xác nhận này.
1. Xác nhận tình trạng hôn nhân, mỗi nơi một kiểu!
Qua việc tiếp nhận và thẩm tra hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài tại Sở Tư pháp, phát hiện hơn 90% các nội dung xác nhận tình trạng hôn nhân của UBND cấp xã thực hiện chưa chính xác, chưa đầy đủ, không đúng với tình trạng hôn nhân thực tế của đương sự, không thống nhất với nhau, sai quy định và không căn cứ vào hướng dẫn của Thông tư số 01 mà mỗi nơi có “sáng kiến” riêng. Sau đây chúng tôi “giới thiệu” một số nội dung xác nhận sai để cán bộ Tư pháp hộ tịch rút kinh nghiệm.
“Nguyễn Thị Thùy Dung sinh năm 15/01/1982 HKTT: ấp 1, xã TK-TM-ĐT đăng ký kết hôn lần thứ hai là đúng sự thật”; “Đ/s Nguyễn Thị Bé Lan SN: 1979 ngụ ấp ĐH, xã TTĐ, thành phố C – Đồng Tháp chưa đăng ký kết hôn lần 2 tại địa phương. Nay đăng ký kết lần hai là đúng”; “Đ/s Phạm Kim Nga SN 1984 cư trú ấp Bình Hòa xã BT, LV, Đồng Tháp từ trước 2007 đã kết hôn, sau năm 2007 ly hôn sống độc thân. Nay kết hôn lần thứ hai”; “Công dân Trần Thị Kim Phượng, SN 1981 có HKTT ấp An Hòa, xã MAHB, huyện LV tỉnh Đồng Tháp đăng ký kết hôn lần 2 là đúng”; “Đ/s Hà Thị Nhung, SN 29/9/1972, HKTT ấp Hòa Trung, xã HT, huyện CT-ĐT. Đã ly hôn nay đăng ký kết hôn lần 2 là đúng”… Qua đây, ta thấy rằng nội dung các xác nhận trên chưa thể hiện việc đương sự đã kết hôn và ly hôn theo Bản án ly hôn số…, ngày…, tháng…năm… của Tòa án nhân dân…., hiện tại chưa đăng ký kết hôn với ai. Do đó, cơ quan tiếp nhận, nhất là Sở Tư pháp từ chối nhận hồ sơ đăng ký kết hôn vì nội dung xác nhận tình trạng hôn nhân của đương sự “không đảm bảo” và không biết tình trạng hôn nhân hiện tại của đương sự như thế nào. Và “đương nhiên” đương sự phải xác nhận lại (có UBND xã xác nhận đến… 3 lần vẫn không đúng). Dù lỗi này của UBND cấp xã và cán bộ Tư pháp hộ tịch, người trực tiếp tham mưu cho UBND cùng cấp xác nhận “không chuẩn” nhưng gây phiền hà cho người dân phải đi lại nhiều lần. Việc này trái với các quy đinh tại khoản 2, Mục I của Thông tư số 01.
2. Xác nhận tình trạng hôn nhân nhiều lần, vẫn không xong!
Bà Nguyễn Kim N, sinh ngày 15/7/1980 thường trú tại 989C, ấp Mỹ Tân, xã PĐ, huyện TM, tỉnh Đồng Tháp kết hôn với ông Chen Kuan Hung, người Đài Loan, đã ly hôn theo Bản thuận tình ly hôn số 004461 do Phòng Hộ chính huyện Miêu Lật – Đài Loan cấp ngày 11/10/2004 và được Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh hợp pháp hóa lãnh sự số 125/LS-HPH ngày 12/01/2005. Ngày 19/02/2009, bà N đến UBND xã PĐ xác nhận tình trạng hôn nhân của mình để tiến hành nộp hồ sơ đăng ký kết hôn với ông Lai Shih Chi cũng là người Đài Loan. Trong tờ khai đăng ký kết hôn của bà có nội dung xác nhận như sau: “Nguyễn Kim N, sinh năm 1980 thường trú ấp Mỹ Tân, xã PĐ, huyện TM, tỉnh Đồng Tháp đăng ký kết hôn lần thứ nhất là đúng sự thật”. Sau khi cán bộ hộ tịch của Sở Tư pháp thẩm tra hồ sơ kết hôn và phát hiện nội dung xác nhận tình trạng hôn nhân của UBND xã PĐ không đúng với tình trạng hôn nhận hiện tại của bà N (vì bà N đã kết hôn và ly hôn) nên yêu cầu bà N liên hệ với UBND xã PĐ xác nhận lại lần thứ hai. Ngày 23/02/2009 UBND xã PĐ có “sửa chữa, bổ sung” trong nội dung xác nhận và nội dung xác nhận lần thứ hai: “Nguyễn Kim N, sinh năm 1980 thường trú ấp Mỹ Tân, xã PĐ, huyện TM, tỉnh Đồng Tháp đăng ký kết hôn lần thứ II là đúng sự thật”. Nội dung xác nhận tình trạng hôn nhân của bà do UBND xã PĐ thực hiện lần hai vẫn chưa đúng và chưa thể hiện chắc chắn được về tình trạng hôn nhân của bà nên Sở Tư pháp “không dám” nhận hồ sơ của bà vì rằng đúng là bà N đăng ký kết hôn lần hai nhưng trong nội dung xác nhận chưa thể hiện được là bà N đã ly hôn theo bản thỏa thuận ly hôn do cơ quan có thẩm quyền phía Đài Loan cấp, và hiện tại đã kết hôn với ai chưa. Do đó, bà N lại phải “tiếp tục” trở lại UBND xã PĐ để xác nhận tình trạng hôn nhân của mình lần thứ ba, dù bà N hoàn toàn không có lỗi gì trong việc xác nhận không chính xác này.
Với những thông tin cơ bản về tình trạng hôn nhân của bà N, căn cứ vào hướng dẫn tại khoản 2, Mục II Thông tư số 01 và Nghị định 158 để xác nhận tình trạng hôn nhân của bà N là: “Bà Nguyễn Kim N, sinh ngày 15/7/1980 hiện đang cư trú tại 989/C, ấp Mỹ Tân, xã PĐ, huyện TM, tỉnh Đồng Tháp, đã đăng ký kết hôn, nhưng đã ly hôn theo Bản thuận tình ly hôn số 004461 do Phòng Hộ chính huyện Miêu Lật – Đài Loan cấp ngày 11/10/2004 và được Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh hợp pháp hóa lãnh sự số 125/LS-HPH ngày 12/01/2005, hiện tại chưa đăng ký kết hôn với ai và đăng ký kết hôn lần này là lần thứ 2”, như thế mới đảm bảo được tính chính xác trong nội dung xác nhận tình trạng hôn nhân của bà N.
3. Xác nhận một nơi, chưa đủ.
Bà Trần Thị Tuyết A, sinh ngày 05/7/1979 trước đây đăng ký hộ khẩu thường trú tại xã MH, huyện C, tỉnh An Giang đã ly hôn với ông Nguyễn Văn B theo bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 29/2007/HNGĐ-ST ngày 22/8/2007 của Tòa án nhân dân huyện C. Cuối năm 2007, bà A chuyển hộ khẩu từ An Giang về xã LH, huyện L, tỉnh Đồng Tháp. Ngày 18/01/2009 bà A đến UBND xã LH yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân để đăng ký kết hôn với ông C, Việt kiều Canada. Trong tờ khai đăng ký kết hôn của bà A do UBND xã LH xác nhận có nội dung: “Bà Trần Thị Tuyết A, sinh ngày 08/3/1979 thường trú tại ấp 1, xã LH, huyện L, tỉnh Đồng Tháp. Từ trước đến nay sống tại địa phương chưa và không kết hôn với ai, cũng như không chung sống như vợ chồng với bất kỳ ai. Hiện tại đang sống độc thân. Xin đăng ký kết hôn lần thứ nhất là đúng”.
Xác nhận như thế, cán bộ Tư pháp hộ tịch xã LH cho rằng bà A chỉ mới đăng ký hộ khẩu tại xã LH từ cuối 2007 và từ đó đến nay không có đăng ký kết hôn với ai là sự thật còn việc kết hôn và ly hôn trước đây của bà A ở An Giang thì bà A phải quay về đó mà xác nhận.
Theo quy định tại Điều 67, Nghị định 158 và hướng dẫn tại khoản 2, Mục II của Thông tư số 01 thì nội dung xác nhận như trên của UBND xã LH là “vừa thừa, vừa thiếu” và thể hiện không đúng tình trạng hôn nhân thực tế của bà A. “Thừa” là do nội dung xác nhận “khá dài” và lập luận mang tính “bắn bổng” làm cho nơi tiếp nhận không thể biết tình trạng hôn nhân thực tại của bà A. Còn “thiếu” là vì không thể hiện được nội dung bà A đã kết hôn và ly hôn theo bản án của Tòa án. Ngoài ra, dù bà A đã kết hôn và ly hôn ở An Giang nhưng khi về đăng ký hộ khẩu thường trú và yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân thì UBND xã LH phải xác nhận cả những sự kiện hôn nhân của bà A trong thời gian ở An Giang, như thế mới là đủ. Vì đối với những người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau (kể cả thời gian cư trú ở nước ngoài), mà UBND cấp xã nơi xác nhận tình trạng hôn nhân không rõ về tình trạng hôn nhân của họ ở những nơi cư trú trước đây của đương sự, thì phải yêu cầu đương sự viết bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian trước khi về cư trú tại địa phương và chịu trách nhiệm về việc cam đoan.
Do đó, căn cứ Điều 67, Nghị định 158 và hướng dẫn tại khoản 2, Mục II của Thông tư số 01 nội dung xác nhận tình trạng hôn nhân của bà A phải là: “Bà Trần Thị Tuyết A, sinh ngày 08/3/1979 thường trú tại ấp 1, xã LH, huyện L, tỉnh Đồng Tháp, đã đăng ký kết hôn, nhưng đã ly hôn theo bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 29/2007/HNGĐ-ST ngày 22/8/2007 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh An Giang, hiện tại chưa đăng ký kết hôn với ai và đăng ký kết hôn lần này là lần thứ 2”.
4. Hậu quả của việc xác nhận sai.
Việc khẳng định trong nội dung xác nhận tình trạng hôn nhân là một vấn đề rất quan trọng, pháp luật hiện hành đã giao “trách nhiệm” này cho UBND cấp xã thì phải xác nhận cho chính xác và đầy đủ nội dung chứ không nên xác nhận theo dạng “lấp lửng”, ai hiểu sao cũng được, sẽ gây khó khăn cho đương sự, cơ quan tiếp nhận và ngay cả UBND xã nơi xác nhận, thậm chí có thể dẫn đến những sai sót trong nghiệp vụ của các cơ quan chức năng.
Ngoài ra, nếu nội dung xác nhận tình trạng hôn nhân không chặt chẽ từ “đang có vợ chồng” mà xác nhận thành “độc thân” thì vô tình UBND cấp xã đã “cấp giấy thông hành” cho đương sự tự do đăng ký kết hôn với người khác thì hậu quả vô cùng nghiêm trọng và cán bộ Tư pháp hộ tịch nơi xác nhận sai cũng phải có trách nhiệm trước pháp luật. Cũng vì “tiếp tay” xác nhận tình trạng “độc thân” trong tờ khai đăng ký kết hôn của đương sự trong khi đương sự đang có “chồng, vợ” mà hàng loạt cán bộ Tư pháp hộ tịch, Chủ tịch, Phó Chủ tịch cấp xã ở tỉnh TN đã bị kỷ luật, cách chức.
Để thực hiện tốt chức năng này, cán bộ Tư pháp cần phải thường xuyên nghiên cứu quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 và Nghị định 77/2001/NĐ-CP ngày 22/10/2001, Nghị định 158, Thông tư số 01… tùy từng trường hợp mà áp dụng chính xác để tránh tình trạng xác nhận sai gây phiền hà cho người dân, “mất uy tín” với cơ quan tiếp nhận, tốn thời gian và công sức của người dân cũng như tiềm ẩn tranh chấp và trách nhiệm pháp lý sau này.

Phan Nhân

Xem thêm »