Đội ngũ và nghề luật sư ở Việt Nam: Phát triển cho tương lai!

11/05/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Nghề Luật sư (LS) ở Việt Nam đã trải qua hơn 64 năm phát triển. Nhưng phải đến thời kỳ đổi mới và hội nhập, nghề LS nói chung và đội ngũ LS nói riêng ở nước ta mới có những bước chuyển mình đầy triển vọng.

Số lượng tăng nhanh…

Cùng với sự phát triển của đất nước sau hơn 20 năm đổi mới, đội ngũ LS đã phát triển nhanh chóng về số lượng và chất lượng ngày càng được nâng cao. Trong gần 7 năm (2001-2008), số lượng LS đã tăng 250% so với trước khi Pháp lệnh LS 2001 có hiệu lực. Để làm được điều này thực sự không dễ dàng khi nhận thức của xã hội về nghề LS chưa tương xứng với tốc độ phát triển. Đó thực sự là kết quả từ những nỗ lực không ngừng của bản thân giới LS trong quá trình hoàn thiện kỹ năng, nghiệp vụ và xây dựng vị trí trên cơ sở uy tín, đạo đức nghề nghiệp.

Tuy nhiên, so với nhu cầu về dịch vụ pháp lý hiện nay và xu thế gia tăng nhanh của nhu cầu này trong những năm tới, thì số lượng LS ở nước ta còn chưa tương xứng. Nếu so sánh số lượng LS trên số dân với một số nước trong khu vực và trên thế giới thì thấy rõ tỉ lệ này ở nước ta còn quá thấp (tỷ lệ số LS trên dân số ở Việt Nam là 1/20.700, ở Singapore là 1/1.000, ở Mỹ là 1/250 v.v...). Thậm chí tỉnh Lai Châu chưa có đủ LS để thành lập Đoàn LS. Mặt khác, số lượng LS ở nước ta phát triển quá chênh lệch giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, trung du, hạn chế khả năng cung ứng dịch vụ pháp lý đáp ứng nhu cầu của nhân dân, ngay cả trong việc thực hiện bào chữa cho bị can, bị cáo mà luật định phải có sự tham gia của LS.

Với chất lượng ấn tượng

Từ xuất phát điểm đầy khó khăn, chất lượng đội ngũ LS ở nước ta vẫn không ngừng thay đổi diện mạo qua các giai đoạn phát triển. Số LS có trình độ tương đương đại học luật giảm đến nay chỉ còn 128 người (tương đương 3,05% tổng số LS). Ngày càng nhiều LS được đào tạo nghề tại Học viện Tư pháp – cơ sở duy nhất hiện nay được đào tạo nghề LS ở nước ta. Thời gian qua, hầu hết những LS trẻ được kết nạp vào các đoàn LS đều là những cử nhân luật và đã học qua lớp đào tạo nghề LS 6 tháng về lý thuyết và 18 tháng thực hành kỹ năng hành nghề, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp LS tại các tổ chức hành nghề LS.

Có nhiều người đã theo học các khoá đào tạo nghề LS ở nước ngoài, tập sự hành nghề trong các tổ chức hành nghề LS nước ngoài tại Việt Nam hoặc ở nước ngoài. Đã có những LS đủ trình độ tham gia, thực hiện những dịch vụ pháp lý lớn và phức tạp, đặc biệt đã có khoảng 10 tổ chức hành nghề LS chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài, và cũng đã có 1,2% số LS có thể sử dụng tiếng Anh thành thạo trong hoạt động chuyên môn, tham gia thương lượng, đàm phán, tranh tụng.

Đạo đức nghề nghiệp là một tiêu chí quan trọng hàng đầu trong việc đánh giá chất lượng LS. Các LS ngày càng có ý thức tôn trọng và tuân thủ các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS. Tuy nhiên, việc tuân thủ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS vẫn chưa được nhận thức thật đầy đủ, chưa trở thành ý thức tự giác tuyệt đối đối với mỗi cá nhân LS trong hành nghề. Còn một số LS vi phạm các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS. Thậm chí còn lợi dụng danh nghĩa LS gây ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội hoặc vi phạm pháp luật nghiêm trọng đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hiện tượng nêu trên tuy chỉ là một số cá biệt, nhưng đã gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của đội ngũ LS.

Song nhờ nâng cao nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng hành nghề, chất lượng dịch vụ của giới LS đã được xã hội đánh giá tích cực. Năm 2008, về chất lượng dịch vụ của LS, 30% doanh nghiệp được hỏi đánh giá tốt và 66,3% doanh nghiệp đánh giá trung bình. Chỉ 3,7% doanh nghiệp được hỏi đánh giá kém về chất lượng dịch vụ của LS. Kết quả này đã phản ánh sự chuyển biến trong nhận của xã hội đối với vai trò, vị trí của LS trong công cuộc bảo vệ công lý, ngăn ngừa những rủi ro pháp lý.

Còn cần chuyên nghiệp hoá các tổ chức hành nghề LS

Sau khi có Luật LS, tổ chức hành nghề LS thực sự đã “nở rộ” với những “hình hài” mới đầy năng động, phù hợp với việc đáp ứng các nhu cầu đa dạng của xã hội. Với gần 1.500 tổ chức hành nghề LS trên cả nước, lực lượng LS đã có tổ chức đã hành nghề một cách chuyên nghiệp, có tổ chức và định hướng rõ về lĩnh vực chuyên môn.

Nhưng khác với những dấu ấn trong sự phát triển về chất và lượng của đội ngũ LS, tổ chức hành nghề LS còn cấn nhiều cố gắng để đạt được tính chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn của thời kỳ hội nhập. Hiện mới có 22% các tổ chức hành nghề LS có văn phòng được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế hoặc theo mô hình của tổ chức hành nghề LS nước ngoài và khoảng 24,3% tổ chức hành nghề LS áp dụng phương pháp điều hành, quản lý hiện đại.

Sự phát triển của kinh tế - xã hội và “làn gió” hội nhập đã khiến số lượng khách hàng của các tổ chức hành nghề LS tăng lên với tốc độ rất nhanh và mở rộng đáng kể. Không chỉ các cá nhân, mà ngày càng nhiều tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước tìm đến những dịch vụ pháp lý của LS Việt Nam. Song khách hàng nước ngoài mới chỉ tin tưởng một số ít tổ chức hành nghề ở TP.HCM hay Hà Nội (của các LS trẻ, được đào tạo ở nước ngoài hoặc theo chương trình đạo của nước ngoài).

Thực trạng của đội ngũ và nghề LS hiện nay là một thách thức không nhỏ cho đội ngũ LS, đặc biệt là Liên đoàn LS – tổ chức xã hội nghề nghiệp của LS toàn quốc (sẽ được thành lập tại Đại hội đại biểu LS toàn quốc lần thứ nhất) – trong những nỗ lực làm tăng sức cạnh tranh của LS Việt Nam với đồng nghiệp nước ngoài ngay trên “sân nhà” và tiến xa hơn nữa là thị trường LS thế giới./.

Hương Giang

Sau khi Pháp lệnh LS năm 2001 và Luật LS được ban hành, số lượng LS ở nước ta đã tăng từ 1.632 LS và 468 LS tập sự (tính đến tháng 9/2001) lên đến 5.334 LS và 2.000 người tập sự hành nghề LS (tính đến hết tháng 2/2009). Hiện nay trong tổng số LS, số LS có trình độ cử nhân luật trở lên đã chiếm 96,95%, số LS đã qua đào tạo nghề LS chiếm 65,8%,

Tính đến 31/12/2008, cả nước có 1.479 tổ chức hành nghề LS, trong đó có 1.284 văn phòng LS, 80 công ty luật hợp danh và 115 công ty luật TNHH. Các tổ chức hành nghề LS chủ yếu ở Hà Nội (370 tổ chức) và TP.HCM (690 tổ chức).

Khách hàng của các tổ chức hành nghề LS hiện nay ở nước ta chủ yếu là cá nhân (39,6%), doanh nghiệp trong nước (27,81%). Khách hàng nội địa chiếm 76,3% so với 23,7% khách hàng nước ngoài.

(Nguồn: Kết quả khảo sát phục vụ Đề án phát triển đội ngũ LS phục vụ hội nhập quốc tế)

 

 

Xem thêm »