Hoạt động pháp chế của các đoàn thể chính trị - xã hội: Có “bột” nhưng chưa “gột nên hồ”, vì sao?

19/05/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Tháng 12/2008, tại Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã diễn ra cuộc gặp mặt và tọa đàm sơ bộ của các đơn vị pháp chế thuộc 5 tổ chức thành viên là Đoàn TNCS HCM, Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Từ đó cho thấy, các đơn vị pháp chế này không chỉ không thống nhất về tên gọi, mà cả lĩnh vực hoạt động cũng có nhiều điều khá khác nhau, đòi hỏi phải sớm có một phương thức phát triển đồng nhất để khẳng định sức mạnh và vị thế của tổ chức pháp chế.

5 anh em có 5 cái tên

Những người tổ chức buổi tọa đàm đã rất ngạc nhiên khi đại điện 5 đơn vị pháp chế thuộc 5 tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam là Thanh niên, Nông dân, Công đoàn, Phụ nữ và Cựu chiến binh đã “trưng” ra 5 cái tên gọi khác nhau của đơn vị mình. Đi cùng với đó, đầu việc của các đơn vị này cũng có nhiều điểm khác nhau, dù rằng phần lớn vẫn xuất phát từ nền tảng của hoạt động pháp chế.

Nhưng, điều chung nhất có thể thấy là các đơn vị pháp chế này còn rất yếu về năng lực và vị thế. Chính vì thế, không những không thể làm tốt được các công việc của một đơn vị pháp chế đơn thuần như: xây dựng, rà soát VBQPPL, phổ biến giáo dục pháp luật, hoạch định các chương trình pháp luật trong nội bộ tổ chức và với các tổ chức hữu quan liên quan, mà còn bị các hoạt động khác có phần lấn lướt. Từ thực tế này, bà Vũ Thị Minh Hồng – Phó ban Dân chủ và Pháp luật - Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, hầu hết các đơn vị pháp chế đều rất tha thiết sớm có một phương thức phát triển đồng nhất để khẳng định sức mạnh và vị thế của mình.

Sau khi nhận được ý kiến đóng góp của các đơn vị pháp chế trên, Ban Dân chủ và Pháp luật của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tập hợp, bổ sung, sửa đổi và chỉnh lý thành bản kế hoạch mang tên “Kế hoạch công tác pháp chế Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội năm 2009” và bản kế hoạch này đã được gửi tới 5 tổ chức thành viên cũng như Vụ Pháp luật - Văn phòng Chính phủ, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật - Bộ Tư pháp là những nơi quản lý đầu mối về pháp chế để cùng phối hợp triển khai thực hiện cũng như có hoạt động hỗ trợ.

Để được điểm mặt, gọi tên

            Theo đó, trong năm 2009 các hoạt động như tập hợp, rà soát văn bản pháp luật của Nàh nước liên quan đến thể chế và hoạt động các đoàn thể chính trị - xã hội nói chung cũng như của từng đoàn thể nói riêng; khóa đào tạo ngắn hạn nâng cao kỹ năng xây dựng văn bản... sẽ được xúc tiến. Đặc biệt, chuyên đề nghiên cứu “Thể chế về tổ chức và hoạt động pháp chế của các đoàn thể chính trị - xã hội và Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam” sẽ được các đơn vị pháp chế các đoàn thể chấp bút và hoàn thiện

            Theo bà Vũ Thị Minh Hồng, các hoạt động và nhất là chuyên đề nghiên cứu trên sẽ như một “hồi trống chốn công đường” kiến nghị cho Nhà nước ban hành một thể chế cho hoạt động pháp chế của các tổ chức chính trị - xã hội, vì trước nay vấn đề này vẫn đang bị bỏ ngỏ, bởi đối tượng điều chỉnh của Nghị định 122/2004/NĐ-CP chỉ là các tổ chức pháp chế Bộ, ngành và doanh nghiệp.

            Tất cả những điều này sẽ giúp cho đơn vị pháp chế các tổ chức chính trị - xã hội được “điểm mặt, gọi tên” để từ đó có thể có những hoạt động xứng đáng với vị thế và tên gọi “người giữ cửa pháp luật” của mình – bà Hồng khẳng định.

Xuân Hoa

Mới đây, Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về tăng cường thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở đã được ký kết. Hơn ai hết, các đơn vị pháp chế của 5 tổ chức thành viên chính là nơi sẽ trực tiếp thực hiện Chương trình này. Hiện nay, Chương trình đã được chuyển tới cho 5 đoàn thể để cùng phối hợp và sắp tới sẽ có những hoạt động khởi động đầu tiên. Tuy nhiên, vì nguyên nhân tồn tại thiếu một phương thức hoạt động đồng nhất của các đơn vị pháp chế như đã nói ở trên, chắc chắn hiệu quả phối hợp sẽ không thể tránh sự ảnh hưởng ít nhiều.

Xem thêm »