Ngày 08/10/2012, Chính phủ ban hành Nghị định số
81/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội và Nghị định số 109/2002/NĐ-CP ngày 27/12/2002 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 195/CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
Theo Nghị định này, cơ quan, đơn vị đề nghị thành lập cơ sở bảo trợ xã hội gửi hồ sơ trình cấp có thẩm quyền thành lập qua cơ quan thẩm định.
Đối với cơ sở bảo trợ xã hội thuộc thẩm quyền quết định thành lập của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ thì cơ quan thẩm định là Vụ Tổ chức cán bộ hoặc Ban Tổ chức cán bộ.
Đối với cơ sở bảo trợ xã hội thuộc thẩm quyền quyết định thành lập của UBND cấp tỉnh thì cơ quan thẩm định là Sở Nội vụ.
Đối với cơ sở bảo trợ xã hội thuộc thẩm quyền quyết định thành lập của UBND cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì cơ quan thẩm định là Phòng Nội vụ.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của cơ quan thẩm định, người có thẩm quyền quyết định thành lập cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định phải ra quyết định thành lập.
Cũng theo Nghị định này, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh khác có điều kiện như các doanh nghiệp, cơ sở theo quy định nếu tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm thì phải thông báo bằng văn bản trong thời hạn 7 ngày trước khi thực hiện cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động tại địa phương, nơi doanh nghiệp, cơ sở tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2012.
Tô Hoàng