Trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số - cần lắm sự tận tâm và nhiệt tình của những người và tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý

15/09/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý thì người được trợ giúp pháp lý bao gồm: Người nghèo; người có công với cách mạng; người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa; người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Trong những đối tượng trên thì đối tượng là người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là đối tượng mà người và tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý tiếp cận khó khăn nhất, kể cả khi tiếp cận được và đã thực hiện tư vấn nhưng nếu không tận tâm và nhiệt tình đeo bám vụ việc đến cùng thì những vướng mắc mà họ đề nghị cũng rất khó được các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết. Bởi như chúng ta đều biết người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đa phần điều kiện tự nhiên không thuận lợi, địa hình bị chia cắt do núi cao, sông suối nhiều; cuộc sống còn khó khăn, thiếu thốn về nhiều mặt, một số dân tộc còn du canh du cư; trình độ dân trí của bà con nhìn chung còn thấp, nhiều hủ tục lạc hậu còn tồn tại và còn một bộ phận rất lớn bà con không nói, viết được chữ phổ thông. Vì vậy, khi tiếp xúc với các cơ quan công quyền và thủ tục hành chính là cả một thách thức đối với họ. Vụ việc sau đây là một minh chứng điển hình:

Ngày 18/6/2008 tại trụ sở Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh KonTum tiếp nhận một vụ việc trợ giúp pháp lý của ông A Hiuch; dân tộc Rơ ngao; cư trú tại thôn A, xã H, thị xã KonTum (nay là thành phố KonTum), tỉnh KonTum trình bày về việc con ông là Y Nhưk bị mất Giấy chứng minh nhân dân nay đến Đội cấp Giấy chứng minh công an tỉnh để làm lại. Khi tra cứu hồ sơ trong tàng thư cơ quan công an nói là ngày, tháng, năm sinh lưu trong tàng thư của Y Nhưk là 23/3/1986  không trùng với ngày, tháng, năm sinh trong Giấy khai sinh, Sổ hộ khẩu gia đình và Bằng tốt nghiệp là ngày 22/3/1990 nên không làm và giải thích muốn làm được lại Giấy chứng minh thì phải đến cơ quan tư pháp sửa lại Giấy khai sinh và đến Công an thị xã KonTum sửa lại Sổ hộ khẩu. Khi hai bố con của Y Nhưk đến hai cơ quan trên theo lời chỉ dẫn thì được trả lời là họ đã làm đúng nên họ không sửa. Hai bố con cứ đến cơ quan này thì lại được chỉ dẫn sang cơ quan kia và hai bố con không biết chính xác là theo quy định của pháp luật thì cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết. Tổng cộng số lần đi lại đến các cơ quan trên trước khi quyết định đến nhờ Trung tâm giúp đỡ là 5 lần. Cũng xin nói thêm, do Y Nhưk bị thất lạc bản chính Giấy khai sinh nên  đã làm thủ tục cấp lại bản chính Giấy khai sinh theo quy định của nghị định số 158/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch và đã được Ủy ban nhân dân thị xã KonTum (nay là thành phố KonTum) cấp ngày 12/5/2008.

Qua nghiên cứu hồ sơ và xác minh, Trung tâm nhận thấy Phòng Tư pháp làm thủ tục cấp lại Bản chính Giấy khai sinh cho Y Nhưk chưa chặt chẽ. Năm 1999 Ủy ban xã H chỉ lập một sổ cái đăng ký khai sinh nên không nộp ra Phòng Tư pháp lưu mà vẫn giữ sổ cái ở trong xã nhưng trong hồ sơ xin cấp lại bản chính Giấy khai sinh lại không có giấy tờ gì chứng minh trong sổ cái của xã H có lưu về Y Nhưk mà chỉ có một bản phôtô từ bản sao Giấy khai sinh đăng ký quá hạn đã đăng ký lần đầu. Vì vậy, Lãnh đạo Trung tâm lại tiếp tục cử cán bộ làm việc với xã H (cách thị xã KonTum gần 20 km) và thấy đúng trong sổ cái đăng ký khai sinh của xã năm 1999 có tên Y Nhưk và các thông tin về ngày, tháng, năm sinh đúng như trong Giấy khai sinh bản chính mới cấp lại và bản sao cấp năm 1999. Trung tâm đề nghị Ủy ban nhân dân xã H phô tô trang sổ cái có tên Y Nhưk để lưu vào hồ sơ làm tài liệu làm việc với Đội cấp chứng minh nhân dân của công an tỉnh.

Ngay sau khi cử cán bộ đi xác minh ở Phòng tư pháp thị xã và Ủy ban nhân dân xã H có kết quả như nêu ở trên, Trung tâm có đầy đủ cơ sở để khẳng định Giấy khai sinh bản sao hiện em đang giữ và bản chính Giấy khai sinh mới được cấp lại là hoàn toàn hợp pháp, đúng quy định của pháp luật. Do đó, việc Đội cấp Giấy chứng minh của công an tỉnh yêu cầu em Y Nhưk phải sửa lại ngày, tháng, năm sinh trong Giấy khai sinh là không đúng quy định của pháp luật. Tại buổi làm việc giữa đại diện của Trung tâm với lãnh đạo Đội cấp Giấy chứng minh nhân dân ngày 27/6/2008, trước những lập luận có cơ sở như đã nêu ở trên của đại diện Trung tâm đã được lãnh đạo Đội cấp Giấy chứng minh chấp nhận và đồng ý làm thủ tục cấp lại Giấy chứng minh nhân dân cho em Y Nhưk theo ngày, tháng, năm sinh trong Giấy khai sinh và Sổ hộ khẩu gia đình tức là ngày  22/3/1990. Có nghĩa là em không phải sửa lại ngày, tháng, năm sinh trong Giấy khai sinh và trong Sổ hộ khẩu gia đình như hướng dẫn ban đầu của chính cơ quan này. Sau khi hoàn tất mọi thủ tục cấp lại Giấy chứng minh nhân dân theo quy định như: Làm đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng minh nhân dân có xác nhận của công an xã nơi thường trú, khai vào tờ khai theo mẫu, lấy dấu vân tay, chụp ảnh… em đã được cấp lại Giấy chứng minh nhân dân mới.

Qua vụ việc này chúng ta thấy, đây không phải là một vụ việc phức tạp nhưng nếu Trung tâm chỉ dừng ở việc tư vấn, hướng dẫn cho đối tượng mà không trực tiếp thực hiện và đeo bám vụ việc đến cùng thì chắc chắn em Y Nhưk sẽ không được cấp lại Giấy chứng minh nhân dân theo quy định. Đây chỉ là một vụ việc cụ thể, còn trong thực tế Trung tâm đã thực hiện rất nhiều vụ việc liên quan đến các vấn đề như: Chế độ Huân, Huy chương kháng chiến; mất Sổ hộ khẩu gia đình nay đề nghị cấp lại; giấy tờ nhân thân ngày, tháng, năm sinh không khớp nhau nhà trường không cho đi học….

Có thể nói, trong các vụ việc trợ giúp pháp lý mà đối tượng đề nghị là người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà Trung tâm chỉ dừng ở việc tư vấn, hướng dẫn vụ việc này phải làm như thế nào? gồm những giấy tờ gì và ai có thẩm quyền giải quyết? thì hầu như vụ việc đó sẽ không có kết quả, quyền lợi ích hợp pháp bị xâm phạm của đối tượng sẽ không được cơ quan có thẩm quyền giải quyết, vì thực chất với trình độ nhận thức và hiểu biết của họ đa phần là họ không biết làm theo hướng dẫn. Do vậy, đối với đối tượng là người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khi gặp phải vướng mắc liên quan đến pháp luật đề nghị Trung tâm giúp đỡ, thì ngoài việc hướng dẫn, tư vấn và giải đáp có lẽ cách thức trợ giúp pháp lý hiệu quả nhất là Trung tâm phải cử người song hành và trực tiếp làm giúp họ đến khi có kết quả cuối cùng. Để làm được điều này thì việc xây dựng được một đội ngũ cộng tác viên ở cơ sở vững mạnh tại các Trung tâm có nhiều đối tượng là người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là một vấn đề mang tính quyết định mà Trung tâm trợ giúp pháp lý phải giải quyết./.

Đào Dư Long – Cục Trợ giúp pháp lý

Xem thêm »