Dự án Luật Thuế nhà, đất: Nhà ở cũng phải nộp thuế

10/09/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Trong ngày khai mạc phiên họp thứ 23 diễn ra hôm qua (ngày 09/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Thuế nhà, đất.

Thuế suất cho nhà ở: 0,03%

“So với Pháp lệnh thuế nhà, đất hiện hành, Dự thảo Luật thuế nhà đất bổ sung đối tượng chịu thuế là nhà ở” mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh thay mặt Chính phủ cho biết. “Tuy nhiên, chỉ có nhà giá trị 500 triệu mới thuộc diện chịu thuế, mức thuế cụ thể là 0,03%”.

Tán thành với đề nghị của Chính phủ, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng việc đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế là cần thiết. Ông Hiển phân tích: với mức thuế suất khởi điểm thấp (0,03%) thì số thuế người dân phải nộp không nhiều, sẽ bảo đảm hài hòa về lợi ích giữa người sở hữu nhà với nhà nước. Ngoài ra đánh thuế vào nhà ở cũng hạn chế tình trạng đầu cơ, nhất là nhà chung cư.

Tuy nhiên, Ông Kso Phước, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội phân vân: nhà ở là cái gắn với cuộc đời mỗi người, chủ yếu không sinh lời, việc đưa vào đối tượng chịu thuế cần phải cân nhắc cẩn trọng. Một số ý kiến khác đề nghị chưa nên thu thuế nhà ở, vì hiện người dân đang phải nộp quá nhiều loại thuế.

Về mức thuế suất cho nhà ở, mặc dù đồng tình với mức thuế suất khởi điểm nhưng theo ông Hà Văn Hiền – Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế QH thì nên tăng giá trị của nhà phải chịu thuế từ 500 triệu như Dự thảo lên 700 triệu đồng. Mức này hiện nay ở nông thôn cũng sẽ có nhiều người phải nộp thuế.

Nhiều nhà, đất: không nên cộng dồn

Về giá tính thuế nhà ở, Bộ trưởng Ninh cho biết: Chính phủ đề nghị giá tính thuế của 1m2 nhà ở được xác định theo tỷ lệ phần trăm trên đơn giá 1m2 nhà ở xây dựng mới của nhà ở cùng loại (kể cả trường hợp sử dụng nhà ở để cho thuê hoặc kinh doanh). Đối với trường hợp có nhiều nhà ở thì giá tính thuế là tổng giá trị các nhà ở chịu thuế

Đa số ý kiến thường vụ cho rằng cách tính nói trên là hợp lý, tuy nhiên liên quan đến giá tính thuế cho nhiều nhà ở thì rất khó triển khai bởi lẽ, nhà đất nói chung mỗi địa bàn có hạn mức sử dụng khác nhau, giá trị tính thuế khác nhau. Ông Hà Văn Hiền nhấn mạnh: nhà chỗ nào phải tính thuế chỗ đó chứ không nên cộng dồn.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng: dự thảo chưa quy định rõ vấn đề này. Thứ trưởng Nam dẫn chứng: một người có 3,4 nhà đất ở nhiều địa phương nhưng đều nằm trong hạn mức của địa phương đó. Theo dự thảo thì ta không điều tiết được họ. Nên quy định theo hướng: cho phép người sở hữu nhiều nhà đất được lựa chọn một nhà, đất ở một địa phương, còn những chỗ khác phải nộp thuế mới tạo sự công bằng.

Riêng thuế suất đối với đất, Chính phủ đưa ra 3 phương án, trong đó có phương án được cho là ưu việt nhất đó là căn cứ vào hạn mức đất để phân loại thuế suất, cụ thể: đối với diện tích trong hạn mức thuế suất 0,03%; đối với phần diện tích vượt hạn mức nhưng không quá 3 lần mức thuế suất là 0.06%; đối với phần diện tích trên 3 lần hạn mức thuế suất 0.09%.

Một số thường vụ cho rằng, cơ sở để tính thuế nên xác định theo vùng. Phải “kê” ra khoảng 5 loại vùng: vùng đô thị (từ thị trấn đến thành phố lớn), vùng nông thôn, vùng nông thôn miền núi và biên giới, vùng đặc biệt khó khăn và vùng hải đảo để tính thuế cho phù hợp

Thuế đất xây nhà cao tầng: chưa hợp lý

Đây là ý kiến của nhiều thường vụ khi thảo luận về giá tính thuế đối với đất xây dựng nhà nhiều tầng, nhiều hộ ở, nhà chung cư (theo Dự thảo được xác định bằng việc áp dụng hệ số phân bổ cho các tầng, tầng càng cao thì hệ số phân bổ càng thấp).

Tuy nhiên, nhiều thường vụ cho rằng quy định này chỉ phù hợp với đặc điểm nhà tập thể của những năm trước đây và một số chung cư cũ còn sót lại. Với điều kiện hiện nay khi rất nhiều chung cư hiện đại đang mọc lên. Thực tế, tại các khu cao tầng thì diện tích tầng hầm, tầng 1 thường được sử dụng vào mục đích kinh doanh, siêu thị, làm nhà để xe, còn từ tầng 2 trở lên mới dùng để ở. Đặc điểm của các loại chung cư này là càng lên cao giá càng đắt. Do đó, nếu quy định như trong dự thảo thì sẽ không đảm bảo tính công bằng, hợp lý trong thu thuế.

Về vấn đề này, Ủy ban Tài chính ngân sách của QH đề nghị: trước mắt khi còn tồn tại nhiều nhà cao tầng, chung cư với chất lượng khác nhau thì không nên quy định hệ số mà áp dụng một mặt bằng thuế suất như nhau, tạo sự đơn giản trong thực thi pháp luật.

Thu Hằng

Dự thảo luật quy định diện tích nhà, đất tính thuế là phần diện tích ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà. Trường hợp chưa có giấy chứng nhận là diện tích thực tế đang sử dụng.

Diện tích nhà ở chịu thuế gồm toàn bộ diện tích sàn xây dựng (kể cả diện tích công trình phụ, ban công kèm theo nếu có)

Xem thêm »