Văn bản tham chiếu của WTO về quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông

16/09/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Đây là văn bản kèm theo Nghị định thư thứ tư của Hiệp định GATS – “Hiệp định về Viễn thông cơ bản”, được đàm phán dưới cơ chế của Tổ chức thương mại thế giới vào tháng 2 năm 1997 và có hiệu lực vào ngày 5 tháng 2 năm 1998.

Phạm vi: Các định nghĩa và nguyên tắc sau được áp dụng trong quản lý nhà nước đối với các dịch vụ viễn thông cơ bản.

Định nghĩa:

Người sử dụng: bao gồm người tiêu thụ dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ.

Phương tiện thiết yếu là: các trang thiết bị của hạ tầng viễn thông công cộng (mạng viễn thông công cộng) hoặc dịch vụ viễn thông công cộng mà:

- do một hoặc một số lượng hạn chế các nhà cung cấp cung cấp trên cơ sở độc quyền hoặc chi phối.

- không thể thay thế được cả về mặt kỹ thuật và kinh tế trong việc cung cấp dịch vụ.

Nhà cung cấp chính là: nhà cung cấp có khả năng tác động đáng kể tới các điều kiện tham gia (liên quan tới giá cả và cung cấp) thị trường dịch vụ viễn thông cơ bản như là hệ quả của việc:

- Kiểm soát các phương tiện thiết yếu;

- Sử dụng vị thế đáng kể của mình trên thị trường.

1. Bảo vệ cạnh tranh

1.1 Ngăn ngừa các hành vi phi cạnh tranh trong viễn thông

Các biện pháp phù hợp phải được thực hiện nhằm mục đích ngăn ngừa/ngăn chặn/ngăn cản các nhà cung cấp, một mình hoặc liên kết với nhau thành nhà cung cấp chính, tham gia vào hoặc tiếp diễn các hành vi phi cạnh tranh.

1.2 Bảo vệ

Các hành vi phi cạnh tranh nêu ở phần trên bao gồm một số hành vi cụ thể như sau:

- Tham gia vao việc trợ giá chéo mang tính phi cạnh tranh;

- Sử dụng các thông tin thu được từ các đối thủ cạnh tranh với mục đích phi cạnh tranh;

- Không cung cấp kịp thời cho các nhà cung cấp khác các thông tin về kỹ thuật về các phương tiện thiết yếu và các thông tin thương mại liên quan cần thiết cho các nhà cung cấp khác để có thể cung cấp dịch vụ.

2. Kết nối

2.1 Phần này áp dụng cho việc kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ hoặc mạng viễn thông công cộng nhằm cho phép người sử dụng của một nhà cung cấp này có thể liên lạc được với người sử dụng của một nhà cung cấp khác và truy cập dịch vụ cả nhà cung cấp khác, nếu có cam kết về dịch vụ đó.

2.2 Đảm bảo về Kết nối

Nhà khai thác chính cần bảo đảm cung cấp kết nối tại mọi điểm của mạng lưới nếu kỹ thuật cho phép/khả thi về kỹ thuật. Việc kết nối này được thực hiện:

- Theo các điều khoản, điều kiện (bao gồm các tiêu chuẩn và chỉ tiêu kỹ thuật) và mức cước phí không phân biệt đối xử và chất lượng khômg kém hơn chất lượng cung cấp cho các dịch vụ tương tự của mình (nhà cung cấp chính) hoặc cho các dịch vụ tương tự của các nhà cung cấp không liên kết, hoặc cho các công ty con của nhà cung cấp chính, hoặc các công ty liên kết khác.

- Một cách kịp thời, theo các điều khoản, điều kiện (gồm các tiêu chuẩn và chỉ tiêu kỹ thuật) và với mức cước trên cơ sở giá thành, minh bạch, hợp lý, trong đó có tính tới tính khả thi về kinh tế và được bóc tách chi phí phù hợp để một nhà cung cấp không phải trả cho những thành tố hoặc trang thiết bị mạng lưới và dịch vụ mà nhà cung cấp này không cần đến khi cung cấp dịch vụ.

- Tại các điểm ngoài các điểm kết cuối mạng nhằm phục vụ cho đa số người sử dụng khi được yêu cầu với điều kiện mức phí chỉ phản ánh chi phí xây dựng các trang thiết bị bổ sung cần thiết.

2.3 Công khai hóa các thủ tục về đàm phán kết nối

Các thủ tục áp dụng cho kết nối với một nhà cung cấp chính phải được công bố công khai.

2.4 Minh bạch hóa các Thỏa thuận kết nối

Cần đảm bảo sao cho một nhà cung cấp chính phải công bố các thỏa thuận về kết nối của mình hoặc một thỏa thuận kết nối mẫu.

2.5 Kết nối: Giải quyết tranh chấp

Một nhà cung cấp dịch vụ có yêu cầu kết nối với một nhà cung cấp chính có thể yêu cầu giải quyết tranh chấp:

- Tại bất kỳ thời điểm nào, hoặc

- Sau một khoảng thời gian hợp lý được công bố công khai với một cơ quan độc lập của nước sở tại, mà có thể là cơ quan quản lý độc lập như được đề cập ở đoạn 5 ở trên, để giải quyết các tranh chấp về các điều khoản, điều kiện và cước cho kết nối trong một khoảng thời gian hợp lý, khi các điều khoản, điều kiện và cước này chưa được quy định trước.

3. Dịch vụ phổ cập

Bất kỳ thành viên nào của WTO đều có quyền xác định loại nghĩa vụ cung cấp dịch vụ phổ cập mà mình muốn duy trì. Các nghĩa vụ như vậy tự chúng không bị coi là phi cạnh tranh, với điều kiện chúng được quản lý một cách minh bạch, không phân biệt đối xử, trung lập về cạnh tranh và không được phiền hà hơn mức cần thiết đối với loại dịch vụ phổ cập mà thành viên đó đã xác định.

4. Công bố công khai các tiêu chí cấp phép

Nếu có yêu cầu về cấp phép, những thông tin sau cần được công bố công khai:

- Mọi tiêu chí cấp phép và khoảng thời gian thông thường cần thiết để thụ lý hồ sơ xin cấp phép; và

- Các điều khoản, điều kiện trong giấy phép.

Các lý do từ chối cấp phép cần được báo cho bên nộp hồ sơ xin cấp phép nếu có yêu cầu.

5. Cơ quan quản lý độc lập

Cơ quan quản lý phải là đơn vị tách riêng và không chịu trách nhiệm đối với bất kỳ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản nào. Các quyết định và quy trình thủ tục mà các cơ quan quản lý sử dụng phải công bằng đối với tất cả các đối tượng tham gia thị trường.

6. Phân bổ và sử dụng các nguồn quý hiếm

Bất kỳ quy trình thủ tục nào áp dụng cho việc phân bổ và sử dụng các nguồn tài nguyên quý hiếm, bao gồm tần số vô tuyến, kho số và các quyền đi dây (right of way), đều phải được tiến hành một cách khách quan, kịp thời, minh bạch và không phân biệt đối xử. Hiện trạng phân bổ các băng tần vô tuyến phải được công bố công khai, tuy nhiên chi tiết về các tần số phân bổ cho mục đích sử dụng đặc biệt của Chính phủ thì không cần thiết phải công bố.

Khánh Linh

Xem thêm »