Doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật: Được hưởng các ưu đãi về thuế

21/09/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Sau 10 ngày làm việc, hôm qua phiên họp thứ 23 của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã kết thúc. Trước đó, thường vụ Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật Người khuyết tật.

Cần ưu tiên phụ nữ và trẻ em

Khi Dự luật được đưa ra phiên họp lần này, Chính phủ đã đổi tên Luật Người tàn tật thành Luật Người khuyết tật cho phù hợp với các văn bản pháp luật của Việt Nam và công ước quốc tế về người khuyết tật. Nhiều thường vụ đồng ý với tên gọi này.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH lại có một quan điểm khác: khuyết tật và tàn tật là hai khái niệm khác nhau. Tên Luật là Luật Người khuyết tật nhưng đối tượng điều chỉnh lại chủ yếu là người tàn tật (tức là phạm vi hẹp hơn khuyết tật - PV). Ông Thuận cho rằng:  phải xem xét vấn đề trên các phương diện đặc biệt là khả năng tài chính quốc gia và sự chia sẻ của xã hội.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cũng không tán thành việc đổi tên Luật vì cho rằng nếu mở rộng đối tượng đến cả người khuyết tật thì Luật sẽ khó khả thi.

Do đổi tên gọi, nên khái niệm về người khuyết tật trong dự án Luật cũng được điều chỉnh, theo đó người khuyết tật là người bị suy giảm về thế chất, trí tuệ, tâm thần hoặc giác quan được biểu hiện dưới các dạng khuyết tật, khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn và cản trở sự tham gia bình đẳng vào xã hội.

Ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng QH, Dự luật đã “đánh đồng” khái niệm khuyết tật với tai nạn thương tích. Ông Thi phân tích: người bị thương do tai nạn nay là khuyết tật nhưng mai khỏi rồi thì không còn là khuyết tật nữa. Cần quy định khuyết tật phải có tính lâu dài về thời gian.

Ông Thi cũng đề nghị phải xem phụ nữ và trẻ em là các đối tượng được ưu tiên trong số những người khuyết tật và điều này phải thể hiện ngay trong luật để tính đến chế độ, chính sách cho họ.

Buộc doanh nghiệp nhận người khuyết tật: Khó khả thi

Hiện nay đang có nhiều ý kiến về việc có nên buộc doanh nghiệp phải nhận người lao động là người tàn tật vào làm việc với tỷ lệ tối thiểu 2% hay không. Một loại ý kiến cho rằng, nên quy định trách nhiệm này là bắt buộc.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân thừa nhận: 10 năm thi hành Pháp lệnh Người tàn tật quy định này là không khả thi. Hiện người tàn tật vẫn chủ yếu phải tự tạo việc làm. Do đó, Bộ trưởng Ngân đề xuất: chỉ nên quy định nhà nước khuyến khích các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc. Nếu sử dụng từ 2% đến dưới 35% lao động là người khuyết tật vào làm việc thì được hưởng các ưu đãi về thuế, vốn vay với lãi suất ưu đãi và được hỗ trợ phí kèm nghề, dạy nghề tại chỗ đối với số lao động là người khuyết tật…

Nhiều ý kiến tán thành chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật, nếu bắt buộc sẽ không khả thi.

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH đồng tình: cần có quy định để nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức trong việc nhận lao động là người khuyết tật, nhưng cần nghiên cứu, phân tích kỹ hơn về nguyên nhân cũng như đề xuất các giải pháp khắc phục bất cập từ thực tiễn thi hành Pháp lệnh.

Công trình công cộng: phải có chỗ cho người khuyết tật

Từ thực tiễn, người khuyết tật rất khó khăn trong việc sử dụng các công trình công cộng vì không có các thiết kế đặc biệt dành cho họ, Dự luật quy định: trong phê duyệt nhà ở chung cư, trụ sở làm việc, các công trình công cộng phải bảo đảm thuận lợi để người khuyết tật tiếp cận, sử dụng, nếu nghiệm thu mà không đúng không được đưa vào sử dụng. Đối với các công trình đã phê duyệt thiết kế xây dựng trước khi Luật này có hiệu lực mà chưa bảo đảm các điều kiện tiếp cận với người khuyết tật thì phải cải tạo theo lộ trình…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân, quy định này tạo bước đột phá mới trong việc xóa bỏ rào cản về vật chất, xã hội đối với người khuyết tật, bảo đảm quyền bình đẳng của người khuyết tật trong tham gia các hoạt động xã hội, hào nhập cộng đồng.

Thu Hằng

Cả nước có khoảng 6% dân số là người khuyết tật, 80% người khuyết tật ở thành thị và 70% người khuyết tật ở nông thôn sống dựa vào gia đình, người thân và trợ cấp xã hội, 24% ở nhà tạm, 41% người khuyết tật từ 6 tuổi trở lên không biết chữ và 93% từ 16 tuổi trở lên không có chuyên môn, nghề nghiệp, 75% số người có khả năng lao động tham gia làm kinh tế, trong đó có tới 42% phải tự tạo việc làm.

Xem thêm »