Định giá nhãn hiệu quốc tế: Mờ nhạt trong hoạt động thực tiễn

15/10/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Tài sản vô hình (trong đó có tài sản trí tuệ) đang ngày càng được thừa nhận là có ý nghĩa kinh tế quan trọng. Sử dụng hiệu quả việc định giá nhãn hiệu là yếu tố cốt lõi trong việc quản lý loại tài sản này. Trong nền kinh tế “mới”, nhãn hiệu với ý nghĩa nhân tố trung tâm của thương hiệu chính là nền tảng của thành công. Thế nhưng, qua nhiều cuộc khảo sát được tiến hành tại một số quốc gia phát triển, định giá nhãn hiệu hầu như chưa được nghiên cứu, thiếu sự thống nhất về nguyên tắc, tiêu chuẩn, thuật ngữ và vì vậy, thực tiễn về hoạt động định giá còn mờ nhạt.

Dần dần được các doanh nghiệp quan tâm

Định giá nhãn hiệu bắt đầu thịnh hành từ khoảng những năm 1980. Các tiêu chuẩn kế toán gần đây mới có yêu cầu lập báo cáo về các giá trị tài sản vô hình trong bảng cân đối tài chính. Cho nên, có thể nói, định giá nhãn hiệu đang ngày càng thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp (DN). Trong cuộc khảo sát năm 1997 ở Anh cho thấy 57% DN chưa định giá tài sản trí tuệ cho quản lý nội bộ, nhưng đã có 76% thực hiện định giá trong các giao dịch và chỉ có 26% thực hiện định giá cho mục đích tăng khả năng tài chính. Năm 1998, tiến hành khảo sát 253 DN hàng đầu ở Bắc Mỹ thì 63% DN cho rằng rất cần thiết phải định giá các sáng kiến, sáng chế song chỉ có 14% đã thực hiện công việc này và 12% sử dụng việc định giá cho việc hoạch định chiến lược kinh doanh. Gần đây nhất, vẫn còn không ít DN nhận xét, việc định giá gặp rất nhiều khó khăn và chưa phải là trách nhiệm thường xuyên của người quản lý kinh doanh và thường giao việc định giá cho các luật sư nội bộ của DN.

Tuy nhiên, tình hình đang được cải thiện rõ rệt thông qua các chương trình huấn luyện về quản lý vốn và tài sản trí tuệ do nhiều tổ chức tiến hành ở cả phạm vi quốc gia, khu vực và quốc tế. Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) đã mở rất nhiều cuộc hội thảo và có nhiều công trình nghiên cứu về định giá tài sản vô hình ở các cấp độ khác nhau, kể cả cấp chính phủ, cấp DN và trong cộng đồng nghiên cứu khoa học. Hội đồng tiêu chuẩn định giá quốc tế (IVSC) đã đưa ra các dự thảo về các nguyên tắc, phương pháp định giá tài sản vô hình. Các tổ chức, hiệp hội định giá tại Hoa Kỳ, Anh, Đan Mạch cũng đưa ra dự thảo về thống nhất và tiêu chuẩn hoá phương pháp định giá tài sản vô hình và một số đối tượng tài sản trí tuệ.

Chưa quốc tế hoá các phương pháp định giá

Sự phát triển không ngừng của hoạt động định giá đặt ra yêu cầu cần thiết phải tiêu chuẩn hoá các phương pháp định giá trên phạm vi quốc tế. Các phương pháp truyền thống như phương pháp chi phí, phương pháp thị trường, phương pháp kinh tế được cho là không ổn đối với tài sản vô hình bởi mức độ phù hợp của các phương pháp là rất khác nhau cho các đối tượng khác nhau, hoàn cảnh khác nhau và loại giao dịch khác nhau. Một số phương pháp hiện đại như phương pháp bảng điểm cân đối và phương pháp “dựa trên tiêu chí chất lượng của châu Âu” đang được đề xuất sử dụng. Điều này phản ánh khuynh hướng xã hội hoá lớn hơn trong việc đưa ra công thức và cách thức định giá, theo đó cách tính đơn giản theo phương thức lựa chọn thực tế đang ngày càng trở nên phổ thông, mặc dù phương pháp dòng tiền chiết khấu vẫn được ưa chuộng.

Vấn đề được quan tâm là hiện nay, các phương pháp định giá mới chỉ đạt được một số nhất trí chung song chưa chính thức. Trong cuộc khảo sát tại Anh vừa nêu trên đây, 52% DN cho rằng cần quy định được các phương pháp chung về định giá, 57% DN cho rằng không cần thiết hoặc không biết rằng có các phương pháp định giá đang tồn tại. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, của internet, sự lan rộng và ngày càng có ý nghĩa của tên miền đang làm nảy sinh nhiều vấn đề mới trong việc định giá nhãn hiệu. Rất nhiều thách thức còn ở phía trước và luôn đặt ra những yêu cầu mới trong việc điều chỉnh các phương pháp và quy trình định giá nhãn hiệu.

Tuy vậy, các nhà chuyên môn định giá vẫn đang cố gắng đẩy nhanh tiến trình tiêu chuẩn hoá về vấn đề này. Pháp luật quốc gia của một số nước cũng như thể chế của khu vực kinh tế (chẳng hạn thể chế của khối Cộng đồng chung châu Âu) có cách tiếp cận khác nhau để giải quyết vấn đề. Tại Hoa Kỳ, các tiêu chuẩn định giá tài sản vô hình để đáp ứng yêu cầu hiện nay đặt ra được triển khai từ các tiêu chuẩn kế toán. Tiêu chuẩn kế toán liên bang Hoa Kỳ được ban hành năm 2001 áp dụng cho tất cả các dạng tài sản vô hình được coi là tiên tiến nhất và được tiếp thu trong Tiêu chuẩn kế toán quốc tế của châu Âu. Tiếp đến, vào năm 2008, Hiệp hội định giá Hoa Kỳ đã ban hành Quy chế khung về định giá tài sản vô hình. Trong khi đó, phần lớn các nước đang phát triển mới bắt đầu nghiên cứu để tìm ra cơ chế điều chỉnh thích hợp nhằm theo kịp yêu cầu của phát triển kinh tế nội địa và khuyến khích thương mại, đầu tư quốc tế. Ở Trung Quốc, thẩm định viên và tổ chức bất kỳ muốn hành nghề định giá nhãn hiệu phải đáp ứng các điều kiện nhất định và trải qua các kỳ kiểm tra theo quy định của Cơ quan nhãn hiệu Trung Quốc. Đặc biệt, đầu năm 2009, Hội đồng tiêu chuẩn định giá quốc tế đã công bố hai dự thảo hướng dẫn định giá đề xuất các tiêu chí thống nhất trong áp dụng các phương pháp định giá phổ biến đối với tài sản vô hình và đưa ra một số tiêu chí chung về phương pháp định giá với một số đối tượng tài sản trí tuệ điển hình gồm nhãn hiệu, sáng chế, bí mật thương mại, quyền tác giả.

Khó cứng nhắc trong lựa chọn phương pháp định giá

Câu chuyện định giá nhãn hiệu xuất hiện khá nhiều trong các vụ việc khiếu kiện và giải quyết tranh chấp. Giá trị nhãn hiệu có thể liên quan trong vụ việc về thuế đối với giá chuyển nhượng nhãn hiệu hay tranh chấp hợp đồng về quyền sở hữu đối với nhãn hiệu mà không liên quan đến xâm phạm quyền hoặc các vấn đề thuộc nội dung của quyền đối với nhãn hiệu. Trong những trường hợp đấy, chuyên gia và toà án có thể nhất trí với nhau hay không trong việc sử dụng các phương pháp định giá phù hợp với từng vụ tranh chấp cụ thể. Qua hoạt động giải quyết một số vụ kiện của toà án các nước có thể thấy, không thể có quy định cứng cho việc lựa chọn phương pháp định giá và rõ ràng là không chỉ có “một phương pháp đúng” cũng như không có “các phương pháp sai”. Việc lựa chọn phương pháp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ kinh nghiệm và kỹ năng của người tiến hành tố tụng, thực tế và quy định luật pháp liên quan đến chất lượng và sự sẵn có của các tài liệu, nguồn thông tin, sự ưu tiên dành cho kết quả có giá trị cao hơn hay thấp hơn.

Cơ quan Thuế Hoa Kỳ có thông báo yêu cầu Hãng DHL nộp 270 triệu USD tiền thuế và phạt về khoản thu nhập chịu thuế từ việc chuyển nhượng nhãn hiệu DHL cho pháp nhân nước ngoài trong giai đoạn 1990 – 1992. Do sử dụng phương pháp định giá khác nhau nên giá trị nhãn hiệu đưa ra hoàn toàn chênh lệch (DHL định 100 triệu USD, còn Cơ quan Thuế định một con số gấp 6 lần). Sau một số điều chỉnh, Toà án Thuế Hoa Kỳ đã đưa con số 600 triệu xuống thấp hơn. Tiếp tục có kháng cáo của DHL, Toà địa hạt số 9 kết luận, DHL có thể tranh cãi về con số chính xác được Toà án Thuế đưa ra nhưng không thể chứng minh được lỗi rõ ràng trong việc áp dụng phương pháp hoặc trong kết quả cuối cùng của Toà án Thuế. Đồng thời tuyên bố con số đánh giá 600 triệu ban đầu về giá trị nhãn hiệu DHL có thể tuỳ tiện hoặc chưa hợp lý song nó không thuộc phạm vi xem xét lại.

Tại Anh, các chế tài về bồi thường đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể được xác định bằng hai phương pháp. Việc phân tích lợi nhuận bị mất hoặc tiền bản quyền hợp lý tiếp cận khía cạnh giá trị nhãn hiệu từ góc độ giảm sút thu nhập thực tế của chủ nhãn hiệu, kể cả các giảm sút phụ thuộc phát sinh, trái với cách tiếp cận về lợi nhuận thu được lại dựa vào giá trị thu được của người xâm phạm. Toà án hoàn toàn có thể thu thập chứng cứ và lựa chọn một trong cách tiếp cận trên. Phán quyết của toà trong các vụ án ở nước này đã khẳng định, việc tính toán tiền bồi thường cho đối tượng này, ví dụ như sáng chế, có thể được sử dụng cho đối tượng khác, như nhãn hiệu chẳng hạn. Trong vụ kiện năm 2000, Tập đoàn Thomas Cook đã kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại tại Toà sơ thẩm của Toà án châu Âu đối với Uỷ ban châu Âu do hành vi xâm phạm nhãn hiệu của họ trong việc sử dụng biểu tượng chính thức của đồng euro, với mức thiệt hại lên tới 25,5 triệu euro dựa trên thẩm định giá trị nhãn hiệu của chuyên gia.

Cẩm Vân

Pháp luật Việt Nam liên quan tới vấn đề định giá nhãn hiệu gần như chưa có mà mới chỉ có một số quy định mang tính nguyên tắc về cách thức hạch toán kế toán đối với tài sản vô hình (bao gồm một số loại tài sản trí tuệ) nằm rải rác trong khoảng 15 văn bản. Bản thân các quy định đó cũng chưa thật sự thống nhất, hợp lý và tương thích với pháp luật về sở hữu trí tuệ. Không những vậy, lại thiếu các quy định đầy đủ, cụ thể về phương pháp định giá tài sản trí tuệ đang được áp dụng trên thế giới hiện nay.

Xem thêm »