Xây dựng Thông tư thực hiện theo dõi thi hành pháp luật: Sẽ chấm dứt cảnh “đem con bỏ chợ” trong xây dựng luật?

17/11/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Theo ông Lê Thành Long - Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp, Nghị định 93 tuy là cơ sở pháp lý quan trọng bước đầu để Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức liên quan triển khai nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật, nhưng cũng mới chỉ dừng lại ở mức độ giao nhiệm vụ chung chứ chưa quy định cụ thể về nội dung, phương thức cũng như trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện và phối hợp thực hiện. Chính vì thế, trước mắt, nhất thiết cần xây dựng một VBQPPL cấp Bộ về công tác này. Đó chính là Thông tư quy định việc thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật.

Không xem nhẹ vấn đề tài chính

Với mục tiêu đánh giá hiệu quả công tác thi hành pháp luật (THPL), từ đó phát hiện những vướng mắc, bất cập trong các VBQPPL và thực tiễn thi hành để kiến nghị xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, dự thảo Thông tư đã đưa ra 7 nội dung theo dõi tình hình THPL đối với bất kỳ một Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Riêng đối với nội dung “việc đảm bảo các điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và tổ chức bộ máy để thực hiện VBQPPL”, dự thảo đã đưa ra 6 tiêu chí, từ tiêu chí kinh phí hàng năm cho việc triển khai các hoạt động xây dựng, tuyên truyền phổ biến, rà soát kiểm tra... cho tới tiêu chí số lượng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác thi hành và áp dụng pháp luật.

Sở dĩ vấn đề “đảm bảo các điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và tổ chức bộ máy để thực hiện VBQPPL” cùng các tiêu chí được đưa vào nội dung dự thảo vì hiện nay đang tồn tại tình trạng “đem con bỏ chợ” trong hoạt động xây dựng luật. Nhiều Bộ, ngành chỉ đầu tư thời gian, vật chất, nhân lực vào khâu “thai nghén” dự án luật cho tới khi đạo luật ra đời - được QH thông qua. Còn sau đó, luật đi vào cuộc sống như thế nào, tác động đến kinh tế - xã hội, người dân ra sao thì lại rất ít được quan tâm, thậm chí bỏ bẵng. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, phổ biến luật hiện nay vẫn tồn tại tình trạng thực hiện được chăng hay chớ.

Yếu tố khách quan là do nguồn kinh phí xây dựng luật được chuyển tới các cơ quan soạn thảo, các tổ chức pháp chế Bộ, ngành, địa phương cũng mới chỉ đến đến khâu đạo luật ra đời là cạn, nên theo nhiều Vụ trưởng Vụ Pháp chế, dù biết sự cần thiết của việc “tổ chức thực hiện VBQPPL” nhưng đành bó tay vì không có tiền. Cũng vì lẽ đó, Dự thảo Thông tư đã đưa vào nội dung “đảm bảo các điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và tổ chức bộ máy để thực hiện VBQPPL” hai tiêu chí được xem là khá quan trọng là: nguồn kinh phí hàng năm dành cho việc thực hiện các văn bản so với nhu cầu thực tế và những khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục liên quan đến kinh phí trong quá trình triển khai thực hiện.

Nặng gánh pháp chế - tư pháp

Theo tinh thần của Nghị định 93, Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối theo dõi chung về tình hình THPL trong phạm vi cả nước trên cơ sở tổng hợp tình hình THPL theo từng ngành, lĩnh vực, lãnh thổ địa phương. Vì thế, trong phần phương thức thực hiện công tác theo dõi V, dự thảo Thông tư đã đưa phương thức theo dõi theo ngành, lĩnh vực và theo dõi ở địa phương. Và, người giữ vai trò chính để thực hiện nhiệm vụ ở Bộ, ngành cũng như địa phương chính là các tổ chức pháp chế (Bộ, ngành, địa phương) và cơ quan Tư pháp (Sở, Phòng, cán bộ tư pháp - hộ tịch). Đặc biệt, trong trường hợp cần thiết, Bộ Tư pháp, cùng các tổ chức, cơ quan pháp chế - tư pháp này có quyền đề nghị các cơ quan đơn vị cùng cấp tiến hành kiểm tra đột xuất trong từng lĩnh vực hoặc theo từng vụ việc thể.

Bước đầu để công tác theo dõi THPL được tiến hành một cách bài bản, nề nếp và có hiệu quả, các tổ chức, cơ quan pháp chế - tư pháp nói trên sẽ phải tiến hành rà soát, đánh giá hệ thống các VBQPPL hiện hành trong phạm vi của mình để từ đó có kiến nghị hủy bỏ, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các VBQPPL, tiến tới làm cơ sở cho việc hoàn thiện các quy định về công tác thi hành và theo dõi THPL.

Nhìn chung, đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng đặt lên vai tổ chức pháp chế các Bộ, ngành, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và cán bộ Tư pháp hộ tịch – vốn là những đơn vị, cá nhân đã hết sức bận bịu với danh mục công việc chuyên môn dài dằng dặc của mình. Nhưng, thực tiễn cho thấy, không ai có thể chìa vai ra gánh vác công việc này đúng chỗ, đúng người hơn họ. Vì thế, vấn đề quan trọng ở đây là phải xây dựng một cơ chế và  kinh phí như thế nào để tạo động lực thực hiện? Đây cũng chính là mối quan tâm lớn nhất của những đơn vị, cá nhân pháp chế - tư pháp khi họ biết rằng công tác theo dõi THPL đã bắt đầu khởi động và họ cũng chính là người nặng gánh.

Trường Khanh 

Không có VBQPPL nào nằm ngoài phạm vi theo dõi thi hành: Theo nguyên tắc theo dõi thi hành pháp luật được quy định tại Điều 2 dự thảo Thông tư thì mọi VBQPPL đều phải đươc theo dõi thi hành và việc theo dõi thi hành phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục và toàn diện trên từng lĩnh vực pháp luật cũng như ở phạm vi lãnh thổ từng địa phương.

Xem thêm »