Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực pháp luật: Để thầy và trò cùng song hành

20/11/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Trong các giai đoạn phát triển của Việt Nam, chưa lúc nào mà nhu cầu về nguồn nhân lực pháp luật lại cần cấp thiết như hiện nay, khi đất nước đang dấn sâu vào quỹ đạo toàn cầu hóa, hội nhập với thế giới. Nhu cầu về một nguồn nhân lực pháp luật luôn dồi dào, sung mãn đã đặt ra trước mắt chúng ta rất nhiều vấn đề về đào tạo.

Thầy và trò – bao giờ có thể chia tay với nếp tư duy cũ?

Nếu như đến bất kỳ một lớp học nào, khóa học nào thuộc hệ thống các trường đại học ở nước ta nói chung và các trường đào tạo nhân lực pháp luật nói riêng, đều có thể bắt gặp cảnh viết chính tả thầy đọc – trò chép không khác gì học sinh tiểu học. Không khí trao đổi, thảo luận sôi nổi để trò hiểu bài hơn, thầy cũng tìm ra cách truyền giảng kiến thức hiệu quả hơn là tuyệt nhiên không có, hoặc có thì cũng chỉ rất hiếm khi. Quá bức xúc trước thực tế này, báo chí và cả các giảng viên đại học đã nhiều lần lên tiếng, phân tích nguyên nhân của hiện tượng “đọc - chép” này. Bên cạnh tâm lý ám ảnh mang lên từ phổ thông là sách giáo khoa luôn đúng thì nỗi sợ hình thành do lượng kiến thức quá nghèo nàn đã khiến cho lớp học luôn im lặng một cách tuyệt đối trong các giờ thảo luận. Nhưng, điều đáng buồn nhất và cũng là đáng sợ nhất chính là lối suy nghĩ rất cũ kỹ của cả hai phía thầy lẫn trò: Trứng làm sao có thể khôn hơn vịt! Vì trứng không khôn hơn vịt nên trò không dám hỏi. Vì trứng không thể khôn hơn vịt nên thầy đâm ác cảm (tất nhiên là không phải tất cả giáo viên đều như thế) với những kẻ hay thắc mắc, vặn vẹo. Mỗi lời thầy giảng là chân lý, miễn nghi ngờ!

Nói chuyện chung rồi, giờ nói chuyện riêng. Tại trường Đại học Luật Hà Nội, trong lễ kỷ niệm 30 năm thành thành lập vừa qua, cũng liên quan đến chủ đề này, lãnh đạo nhà trường đã có sự nhìn nhận khá thẳng thắn để trả lời câu hỏi vì sao sinh viên luật khi ra trường lại khó xin được việc làm trong khi tấm bằng cử nhân ĐH Luật là tấm bằng danh giá nhất trong khối các trường đào tạo nguồn nhân lực pháp luật hiện nay? PGS-TS Hoàng Thế Liên – Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp, Hiệu trường trường ĐH Luật nhận xét, bên cạnh những thành tựu, một số mặt hoạt động của Trường vẫn còn “vơi”, nhất là so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho Trường trong giai đoạn mới. Điều này thể hiện qua rất nhiều khía cạnh trong đó có khía cạnh sinh viên tốt nghiệp chưa thực sự vững vàng về kiến thức chuyên môn, còn yếu về các kiến thức bổ trợ, nhất là ngoại ngữ và tin học, thiếu kỹ năng hành nghề luật. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến cử nhân luật khó xin được việc làm phù hợp với chuyên môn. Sở dĩ có việc này, theo PGS-TS Hoàng Thế Liên là do phương pháp đào tạo tuy đã được cải tiến nhiều trong thời gian gần đây nhưng vẫn nặng về truyền thụ kiến thức, ít tính đối thoại giữa người dạy và người học. Sinh viên ít có cơ hội tiếp cận thực tế trong quá trình học tập (ngoại trừ một kỳ thực tập cuối khóa nhưng nặng về hình thức, không mang tính thực chất). Phương pháp đánh giá kiến thức và công nhận kết quả học tập còn chưa có khả năng phân hóa rõ rệt năng lực và ý thức học tập cũng như tư duy sáng tạo của từng sinh viên, nhất là để đánh giá năng lực giảng dạy của giảng viên...

Trò là thế, còn thầy, PGS-TS Hoàng Thế Liên đã chỉ ra hiện nay trường ĐH Luật Hà Nội vẫn còn thiếu đội ngũ Giáo sư, Phó Giáo sư, chuyên gia pháp luật cao cấp, số lượng chuyên gia đầu đàn trong từng lĩnh vực còn ít. Chưa có sự kết hợp hài hòa giữa đội ngũ giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng trong hoạt động đào tạo. Năng lực của một bộ phận giảng viên cơ hữu còn hạn chế, chưa tương xứng với nhiệm vụ đào tạo luật trong tình hình hiện nay. Số giảng viên am hiểu pháp luật quốc tế, có thể nghiên cứu và giảng dạy bằng tiếng Anh còn ít. Bên cạnh đó, chương trình và phương pháp đào tạo tuy có đổi mới nhưng vẫn còn bất cập. Các chuyên ngành đào tạo ít mang tính hướng nghiệp. Cơ cấu các chuyên ngành còn thiếu linh hoạt. Phần lớn các môn học đều được thiết kế từ nhiều năm về trước đến nay nhiều môn đã có những nội dung không thật phù hợp nhưng chưa được sửa đổi kịp thời.

Mặt khác, dù là cơ sở đào tạo hàng đầu của cả nước nhưng ĐH Luật Hà Nội chưa có các khóa học dành riêng cho sinh viên nước ngoài, chưa mời được các giáo sư, chuyên gia pháp luật các nước cộng tác thường xuyên trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu. Số sinh viên nước ngoài học tập tại trường còn ít, chủ yếu đến từ một vài nước chậm phát triển ở Châu Á. Hoạt động hợp tác quốc tế chưa thật chủ động, còn “ăn đong”, hiệu quả hợp tác quốc tế chưa cao....

Đâu là con đường để thầy và trò cùng song hành tiến bước?

Nhiều người có trách nhiệm (trong đó có không ít giảng viên đại học) đã cho rằng để thắng được nỗi sợ cố hữu, gạt qua được tư duy cổ hủ nói trên thì nhất thiết phải thay đổi và đột phá đồng bộ, tương tác hai chiều dạy và học. Làm được như vậy không những trò trưởng thành mà thầy cũng giỏi lên rất nhiều và bức tường ngăn cách giữa hai bên không phải là không gian im lặng đáng buồn như hiện nay nữa mà chỉ còn là những chân lý và chân trời khoa học.

Cũng trên nền tảng của tư duy này, khi đưa ra các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực pháp luật nói chung và “made in ĐH Luật Hà Nội” nói riêng, hướng tới mục tiêu “thầy tốt - trò hay”, Hiệu trưởng Hoàng Thế Liên đã cho rằng vấn đề trước nhất phải làm ngay là áp dụng triệt để các phương pháp giảng dạy tích cực “lấy người học làm trung tâm” nhằm phát huy tính chủ động của người học (như các phương pháp: giải quyết tình huống, thảo luận nhóm, diễn án…). Ai cũng biết, trang bị kiến thức thực tế là yêu cầu không thể thiếu đối với những người học luật nhưng cũng là khâu rất yếu của sinh viên các cơ sở đào tạo luật ở nước ta hiện nay vì thế PGS-TS Hoàng Thế Liên đặc biệt nhấn mạnh việc chú trọng tăng cường kiến thức thực tế theo nguyên tắc sinh viên học cái gì phải biết và làm được cái đó.

Để làm được điều này trường cần thực hiện lồng ghép chương trình rèn luyện kỹ năng và nội dung từng môn học, đưa thêm các môn học về kỹ năng nghề nghiệp vào chương trình đào tạo chuyên ngành. Xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống phòng học thực hành, phòng diễn án phục vụ nhu cầu của sinh viên. Giảm dần một cách hợp lý thời lượng các giờ giảng lý thuyết, tăng thời lượng các giờ thảo luận và tự học của sinh viên. Cộng tác chặt chẽ với các cơ quan tư pháp, các tổ chức tư vấn pháp luật, văn phòng luật sư để đưa sinh viên đến thực tập, tìm hiểu thực tế về hoạt động xét xử, hoạt động tư vấn. Đổi mới công tác thực tập theo hướng lồng ghép các khóa học thực tế, các chương trình đi tìm hiểu thực tế vào trong suốt quá trình đào tạo thay vì chỉ bố trí cho sinh viên đi thực tập tốt nghiệp cuối khóa như hiện nay. Tổ chức các buổi nói chuyện, tọa đàm khoa học, sinh hoạt chuyên môn cho giảng viên và sinh viên, mời các cán bộ lãnh đạo cao cấp, các nhà quản lý, luật sư, chuyên gia pháp luật tham dự và thuyết trình. Tổ chức các buổi xử án lưu động tại trường...

Về phía người dạy, theo Hiệu trưởng Hoàng Thế Liên tới đây trường ĐH Luật Hà Nội sẽ xây dựng đội ngũ giảng viên vừa giỏi chuyên môn, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và tinh thông về kỹ năng nghề nghiệp. Và để bồi dưỡng kiến thức cũng như bản lĩnh hơn nữa cho người đứng lắp, nhà trường sẽ có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên tham gia thực hiện các hoạt động thực tiễn như: tham gia xây dựng, thẩm định, góp ý các văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện một số hoạt động tư vấn pháp luật; tham gia làm Hội thẩm nhân dân; thực hiện một số hoạt động tư pháp trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp. Đặc biệt, trường sẽ đề nghị Bộ xây dựng cơ chế luân chuyển để đưa một số giảng viên của trường về công tác tại Bộ và các cơ quan tư pháp, cơ quan thi hành án ở địa phương. Bên cạnh đó, trường sẽ chú trọng mời các thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, điều tra viên, chuyên gia pháp luật, cán bộ quản lý đang công tác tại các tòa án, các cơ quan tư pháp, các cơ quan đơn vị hành chính - sự nghiệp và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp khác tham gia giảng dạy và hướng dẫn thực hành cho sinh viên.

Cũng nằm trong hệ thống các trường đào tạo nguồn nhân lực pháp luật do Bộ Tư pháp trực tiếp quản lý, tuy sinh sau đẻ muộn (thành lập tháng 7/2009, tháng 12 sẽ khai giảng khóa đào tạo đầu tiên) nhưng trường Trung cấp Luật Buôn Mê Thuột cũng hòa chung với quan  điểm “lấy người học làm trung tâm”. Theo đó, giáo trình đào tạo được điều chỉnh một cách hợp lý khối kiến thức lý thuyết với kỹ năng thực hành nghề nghiệp, nhằm giúp học viên vừa được trang bị kiến thức pháp luật chung, vừa có thể lựa chọn tích lũy được một khối lượng kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn nghề nghiệp – TS Hoàng Ngọc Thỉnh Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Những vấn đề trên đây và cả thực tế đã cho thấy, chỉ có thể có một nguồn nhân lực pháp luật tốt nếu cả người dạy lẫn người học tìm ra điểm giao thoa và cùng nỗ lực hết mình. Hay nói cách khác, khi thầy trò cùng song hành trên một con đường – thành quả sẽ ở trước mặt.

Xuân Hoa

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập trường ĐH Luật Hà Nội, để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực pháp luật, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã nhấn mạnh việc “nhà trường phải có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho giảng viên, học viên tham gia hiệu quả hơn nữa vào đời sống pháp luật của đất nước để một mặt tránh lãng phí tài nguyên con người, mặt khác giúp giảng viên có thêm kiến thức để phục vụ tốt hơn cho công tác giảng dạy và nghiên cứu....Việc các giảng viên, học viên tích cực, chủ động tham gia ý kiến, tranh luận, đề xuất giải pháp về các vấn đề pháp lý của đời sống thực tiễn đất nước không chỉ góp thêm tiếng nói có giá trị cho xã hội mà còn giúp chính bản thân mình tích lũy thêm kinh nghiệm sống, làm phong phú thêm kiến thức lý luận của mình”

Trong 30 năm qua, ĐH Luật Hà Nội đã đào tạo cho đất nước hơn 60.000 cán bộ pháp luật, trong đó có 96 tiến sĩ, 823 thạc sĩ, gần 56.000 cử nhân đại học, hơn 500 cử nhân cao đẳng và hơn 6.000 trung cấp luật, chiếm trên 60% tổng số cán bộ pháp luật đã được đào tạo của cả nước.

Xem thêm »