Thực hiện Nghị quyết số 55/2005/QH11 của Quốc hội về ban hành Văn bản quy phạm pháp luật: Thẩm định mang tính phản biện cao

16/12/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Hôm qua, trong ngày khai mạc phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Ủy ban Pháp luật báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 55 của Quốc hội về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBPL) của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, TANDTC, VKSNDTC. Sáng cùng ngày, Thường vụ đã đánh giá kết quả kỳ họp thứ 6 và cho ý kiến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII

Chậm gửi, thẩm định chậm theo

Đánh giá về công tác thẩm định của Bộ Tư pháp những năm gần đây, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cho rằng đã có nhiều cải thiện đáng kể. “Nhiều báo cáo của Bộ Tư pháp đã đưa ra những nhận xét, đánh giá vừa mang tính tư vấn, vừa mang tính phản biện cao. Vì vậy, nhiều ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đã được các Bộ, ngành chủ trì soạn thảo chấp nhận, tiếp thu, chỉnh lý, góp phần nâng cao chất lượng của các VBQPPL”.

Tuy nhiên, ông Thuận cũng thẳng thắn: công tác thẩm định còn hạn chế về chất lượng, dẫn đến tình trạng không đồng bộ hoặc mâu thuẫn, chồng chéo. Một số bộ, ngành gửi hồ sơ thẩm định chậm nên việc thẩm định của Bộ Tư pháp cũng chậm theo, dẫn đến việc nghiên cứu đôi khi là hình thức.

Số lượng văn bản QPPL ngày càng nhiều, nội dung đa dạng, phức tạp, có những lĩnh vực rất mới, liên quan đến nhiều ngành trong khi đó, đội ngũ cán bộ làm công tác chưa được tăng cường xứng đáng dẫn đến tình trạng quá tải.

Thừa nhận việc chậm trong gửi hồ sơ thẩm định, nhưng ông Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC lại cho rằng: thời gian chuẩn bị cho các dự án Luật, pháp lệnh quá ngắn, không đủ tổng kết, đánh giá, khảo sát, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài… nên ảnh hưởng đến chất lượng văn bản.

Xây dựng luật: Thiếu cả con người và kinh phí

Đến nay, theo Ủy ban Pháp luật Quốc hội, tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ đều thành lập tổ chức pháp chế để tham mưu cho lãnh đạo bộ, ngành trong công tác xây dựng pháp luật. Riêng TANDTC và VKSNDTC không thành lập tổ chức pháp chế độc lập mà giao cho các Viện nghiên cứu khoa học thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cũng chỉ rõ: ở không ít bộ ngành, cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật vừa thiếu vừa yếu, đặc biệt là thiếu các chuyên gia đầu đàn.

Ông Trần Văn Tú, Phó Chánh án TANDTC trăn trở: cái khó là về cán bộ, hiện nay vẫn còn thiếu hụt lớn, nhất là với pháp chế bộ, ngành.

Cũng về vấn đề con người, Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Trần Thế Vượng phân tích: một Bộ trưởng làm Trưởng ban soạn thảo không biết bao dự án Luật, Nghị định nhưng họ bận suốt, Ban soạn thảo họp thì không đầy đủ. Ra đến Quốc hội rồi có khi Bộ trưởng còn không nắm hết vấn đề. Như vậy làm sao đảm bảo chất lượng văn bản.

Năm 2009, kinh phí hỗ trợ cho công tác xây dựng luật, pháp lệnh là 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là phần hỗ trợ còn nguồn chủ yếu phải do các bộ ngành bố trí.

Một số Thường vụ cho rằng, các khoản kinh phí còn nhiều bất cập, không phù hợp với tầm quan trọng và tính chất phức tạp của công tác này. Kinh phí ít thì không huy động được chuyên gia, không phát huy trí tuệ của mọi người. Đặc biệt, việc quy định một mục chi riêng để phục vụ công tác xây dựng VBPL của một số bộ ngành chưa được quan tâm đúng mức, nhiều trường hợp phải xin tạm ứng kinh phí trước rồi bổ sung kế hoạch sau.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đồng tình: phải quan niệm đây là nhiệm vụ đặc biệt nên ứng xử với nó cũng phải đặc biệt, cả về con người, kinh phí, thời gian đảm bảo tính khoa học, hệ thống.

Trong báo cáo giám sát, Ủy ban Pháp luật Quốc hội cũng đã đề ra một số giải pháp, trong đó đổi mới cơ chế cấp phát kinh phí xây dựng pháp luật, coi việc chi này là chi cho hoạt động hoạch định chính sách, được dự toán hàng năm vào mục chi thường xuyên của cơ quan hành chính nhà nước và được Quốc hội quyết định theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Thu Hằng

Cần đổi mới nhận thức

Theo Ủy ban Pháp luật Quốc hội, tình trạng nợ đọng văn bản thời gian qua đã giảm rõ rệt nhưng chưa được khắc phục triệt để. Theo thống kê trong 63 Luật, 18 Pháp lệnh, 01 Nghị quyết của Quốc hội có điều kiện thi hành, có 704 nội dung cần quy định chi tiết thì hiện còn 274 nội dung chưa được quy định chi tiết.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh: Cần đổi mới hơn nữa nhận thức trong xây dựng và hướng dẫn thi hành pháp luật, nếu tiếp tục như hiện nay sẽ không bao giờ đáp ứng được thực tế. Ở nước ta, Quốc hội ban hành luật mà phải chờ văn bản của xã mới thi hành ở địa phương, đây là thực tế rất đáng buồn.

Xem thêm »