Hai năm thực hiện Thông tư Liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC: Không giải thích quyền được trợ giúp pháp lý là vi phạm thủ tục?

22/12/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý (TGPL), Bộ Tư pháp Tạ Thị Minh Lý cho biết, qua kiến nghị của các Hội đồng cấp tỉnh và các đoàn kiểm tra liên ngành công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng theo Thông tư liên tịch (TTLT) số 10 ngày 28/12/2007, Cục đã tổng hợp để đề xuất lên Hội đồng phối hợp TƯ sớm nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn trong ngành về hướng dẫn, giải thích quyền được TGPL của người được TGPL, giới thiệu người được TGPL đến các tổ chức TGPL.

Trường hợp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thuộc diện được TGPL nhưng người tiến hành tố tụng không giải thích, hướng dẫn về quyền được TGPL, không ghi nội dung giải thích vào biên bản thì được xác định là vi phạm thủ tục tố tụng và vụ án phải được xem xét lại. Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi TTLT số 66 và TTLT số 81 theo hướng tăng mức bồi dưỡng cho luật sư (LS) tham gia tố tụng trong các vụ án chỉ định và cộng tác viên là LS tham gia TGPL để khuyến khích sự tham gia tích cực của LS; nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện chế định bào chữa viên nhân dân để áp dụng thống nhất trong toàn quốc.

Liên ngành cũng cần trao đổi, thống nhất để có đề xuất cơ quan có thẩm quyền sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về tố tụng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy định của Luật TGPL, Luật LS với pháp luật tố tụng; bổ sung các quy định về TGPL trong pháp luật tố tụng để tạo hành lang pháp lý cho trợ giúp viên pháp lý (TGVPL), LS cộng tác viên TGPL tham gia tố tụng; thiết lập cơ chế trách nhiệm đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong việc bảo đảm quyền được TGPL của người được TGPL theo quy định của Luật TGPL. Ngoài ra, phải có biện pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc của TGVPL, LS cộng tác viên trong quá trình tham gia giải quyết vụ việc và tham gia làm cộng tác viên TGPL của cán bộ các cơ quan tiến hành tố tụng.

Về tổ chức, Hội đồng TƯ cần nghiên cứu, bổ sung đầy đủ thành viên trong Hội đồng và thành viên Tổ giúp việc; chỉ đạo, cho phép thay đổi thành phần trong Hội đồng cấp tỉnh là thành viên thuộc Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân khu bằng đại diện VKS hoặc TA Quân khu hoặc cán bộ thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, lãnh đạo biên phòng, các cơ quan điều tra ban đầu… cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và điều kiện địa hình, kinh tế, xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, cần có giải pháp nâng cao trách nhiệm của thành viên trong Hội đồng trong việc chỉ đạo hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thuộc quyền quản lý thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm theo quy định tại TTLT số 10 cũng như tăng cường mối quan hệ giữa các thành viên trong Hội đồng, bảo đảm sự tham gia nhiệt tình và đông đủ của các thành viên trong các hoạt động của Hội đồng.

Thục Quyên

Xem thêm »