Quy định về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc

21/06/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 19/6/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2013/NĐ-CP quy định chi tiết Khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

Theo Nghị định này, nội dung người sử dụng lao động phải công khai bao gồm: Kế hoạch sản xuất, kinh doanh và tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phòng, ban, phân xưởng, tổ, đội sản xuất; Nội quy, quy chế, quy định của doanh nghiệp, bao gồm: nội quy lao động; quy chế tuyển dụng, sử dụng lao động; định mức lao động; thang, bảng lương, quy chế nâng bậc lương, quy chế trả lương, trả thưởng; trang bị bảo hộ lao động, quy trình vận hành máy, thiết bị, an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ; bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ; thi đua, khen thưởng, kỷ luật; Tình hình thực hiện các chế độ, chính sách tuyển dụng, sử dụng lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề, tiền lương, tiền thưởng, khấu trừ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế cho người lao động; Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành, hình thức thỏa ước lao động tập thể khác (nếu có); Việc trích lập và sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, các quỹ do người lao động đóng góp; Trích nộp kinh phí công đoàn,đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; Công khai tài chính hàng năm của doanh nghiệp về các nội dung liên quan đến người lao động; Điều lệ hoạt động của doanh nghiệp và các nội dung khác theo quy định của pháp luật.

Nội dung người lao động tham gia ý kiến bao gồm: Xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế, quy định phải công khai tại doanh nghiệp; Các giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ; Xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành, hình thức thỏa ước lao động tập thể khác (nếu có); Nghị quyết hội nghị người lao động; Quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động, xử lý kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất; Các nội dung khác liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Nghị định này nội dung người lao động quyết định bao gồm: Giao kết hợp đồng lao động, thực hiện hợp đồng lao động, sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật; Nội dung thương lượng thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành, hình thức thỏa ước lao động tập thể khác (nếu có); Thông qua nghị quyết hội nghị người lao động; Gia nhập hoặc không gia nhập tổ chức công đoàn, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; Tham gia hoặc không tham gia đình công; Các nội dung khác theo quy định của pháp luật.

Nghị định cũng quy định cụ thể hình thức thực hiện dân chủ tại nơi làm việc như đối thoại tại nơi làm việc; Hội nghị người lao động.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2013./.

Tô Hoàng

Xem thêm »