Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực

23/10/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 21/10/2013 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 137/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực về quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực, quản lý nhu cầu điện lực; mua bán điện lực; giá điện; giấy phép hoạt động điện lực; điều tiết hoạt động điện lực; kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện.

Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc quy hoạch phát triển điện lực bao gồm:

Bộ Công Thương có trách nhiệm: thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch phát triển điện lực; hướng dẫn lập kế hoạch đầu tư phát triển điện lực hàng năm trên cơ sở quy hoạch phát triển điện lực được duyệt; Công bố quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, bao gồm các quy hoạch điều chỉnh đã được phê duyệt; Chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng cơ chế, giải pháp thực hiện quy hoạch phát triển điện lực trình Thủ tướng Chính phủ; tổ chức theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; Định kỳ hàng năm tổng kết, đánh giá kết quả, sự tác động và ảnh hưởng của việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm: Công bố quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm cả quy hoạch điều chỉnh đã được phê duyệt; bố trí quỹ đất trong quy hoạch sử dụng đất tại địa phương cho các dự án điện lực trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được phê duyệt; Chủ trì phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư thực hiện việc giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ di dân, tái định cư cho các dự án điện lực; tổ chức theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại địa phương...

Chủ đầu tư các dự án điện lực có trách nhiệm: cấp đủ, kịp thời kinh phí cho đơn vị thực hiện bồi thường, hỗ trợ di dân, tái định cư dự án điện lực; Trình UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương các hồ sơ liên quan đến việc cấp đất cho mặt bằng, hành lang an toàn, khu nhà ở của công nhân viên, khu di dân tái định cư của các dự án điện lực; phối hợp với các đơn vị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý thực hiện quy hoạch phát triển điện lực về tình hình triển khai thực hiện dự án...

Tổ chức, cá nhân có nhà và tài sản gắn với diện tích đất thuộc phạm vi mặt bằng, hành lang an toàn của các dự án điện lực có trách nhiệm thực hiện đúng thời hạn bàn giao mặt bằng trong quyết định của UBND các cấp đối với diện tích đất dành cho công trình điện lực theo quy định của pháp luật về đất đai; hợp tác với đơn vị điện lực thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ di dân, tái định cư trong việc di dời, giải phóng mặt bằng, hành lang an toàn của các dự án nguồn điện, lưới điện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương quy định kinh phí hàng năm để thực hiện các nội dung theo yêu cầu cần thiết.

Theo Nghị định, điều kiện ký hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt:

Bên mua điện phải có đủ năng lực hành vi dân dự theo quy định của pháp luật và có giấy đề nghị mua điện kèm theo bản sao của một trong các giấy tờ sau: Hộ khẩu thường trú hoặc sổ tạm trú; giấy chứng nhận quyền sở nhà ở hoặc quyết định phân nhà; hợp đồng mua bán nhà hợp lệ; hợp đồng thuê nhà có thời hạn từ 01 năm trở lên; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đát; hợp đồng ủy quyền quản lý và sử dụng nhà được công chứng hoặc chứng thực;

Bên bán điện có lưới điện phân phối đủ khả năng cung cấp điện đáp ứng nhu cầu của bên mua điện.

Bên bán điện phải ký hợp đồng và cấp điện cho bên mua điện trong thời hạn 07 ngày làm việc khi có đủ điều kiện quy định ở trên. Trường hợp chưa có lưới điện phân phối hoặc lưới điện phân phối bị quá tải có xác nhận của cơ quan Điều tiết điện lực hoặc cơ quan được ủy quyền, bên bán điện phải trả lời cho bên mua điện trong thời hạn 05 ngày làm việc trong đó có nêu rõ thời hạn dự kiến cấp điện. Bộ Công thương ban hành mẫu hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2013 và thay thế Nghị định số 105/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật điện lực./.

Minh Loan

Xem thêm »