Theo tính toán, để thực thi các phương án đơn giản hóa 5.000 thủ tục hành chính (TTHC) đã được Chính phủ thông qua, các cấp trung ương sẽ phải sửa đổi, bãi bỏ, thay thế 1.016 văn bản pháp luật, bao gồm Luật, Pháp lệnh, Nghị định…. Đây là một khối lượng công việc khổng lồ đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của tất cả các bộ, ngành. Chúng tôi đã trao đổi với Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan về giai đoạn 3 - giai đoạn cuối cùng của Đề án 30 về đơn giản hóa TTHC.
* Theo ông, tiến độ hoàn thành Đề án 30 phụ thuộc vào điều gì nhất?
- Qua thực tiễn triển khai 2 giai đoạn của Đề án 30 và qua các buổi làm việc với các bộ, ngành để đôn đốc việc thực thi phương án đơn giản hóa của gần 5000 TTHC (giai đoạn 3 của Đề án 30) đã được Chính phủ thông qua tại 25 Nghị quyết cho thấy tiến độ hoàn thành giai đoạn này phụ thuộc vào sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; sự vào cuộc chủ động trong công tác tham mưu của Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ pháp chế đối với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; vai trò chủ động, tích cực của các bộ, ngành, các vụ, cục trong việc thực thi các phương án đơn giản hóa TTHC, cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, các vụ, cục trong sửa đổi, bãi bỏ các TTHC có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao; và quan trọng là phải có sự nhận thức đúng và cách làm khoa học.
Tuy nhiên, bên cạnh việc thực thi phương án đơn giản hóa TTHC, nhiều bộ, ngành lại mở rộng sang các nội dung khác để sửa đổi, bổ sung tổng thể văn bản hoặc mỗi nhóm thủ tục lại sửa riêng rẽ từng văn bản dẫn đến kéo dài thời hạn thực thi. Tôi cho rằng, nếu các bộ thực hiện đúng Nghị quyết của Chính phủ chỉ tập trung sửa đổi các thủ tục theo phương án nêu trong Nghị quyết; áp dụng triệt để kỹ thuật 1 văn bản sửa nhiều văn bản… thì chắc chắn sẽ hoàn thành vượt tiến độ của Đề án 30.
* Có ý kiến cho rằng nếu dùng kỹ thuật một văn bản sửa nhiều văn bản thì sẽ dẫn tới tình trạng cùng một văn bản nhưng sửa đổi nhiều lần, khó theo dõi. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Việc sửa đổi này không ảnh hưởng tới việc theo dõi và tiếp cận TTHC vì theo Nghị định số 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát TTHC thì trước 10 ngày văn bản chứa đựng TTHC có hiệu lực thi hành phải được các bộ, ngành, địa phương công bố công khai bằng quyết định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh với đầy đủ các bộ phận cấu thành của một TTHC cụ thể, kèm toàn văn nội dung của các văn bản quy định về TTHC đó. TTHC và các văn bản quy định về TTHC được cập nhật và công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và được niêm yết tại nơi giải quyết TTHC.
* Hiện nay, việc triển khai đánh giá tác động đối với các quy định về TTHC trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật tại các Bộ, ngành được thực hiện như thế nào?
- Việc đánh giá tác động các quy định về TTHC có ý nghĩa thiết thực trong việc tăng cường “trách nhiệm giải trình” trước nhân dân của các ban soạn thảo về sự cần thiết, tính hợp lý, tính hợp pháp và tính hiệu quả của quy định về TTHC dự kiến ban hành. Hiện các bộ, ngành đã bắt đầu triển khai việc đánh giá tác động các quy định về TTHC. Tuy nhiên, tôi cũng xin lưu ý rằng đây là một công việc khó vì làm thay đổi thói quen, cách làm cũ. Đây là công việc mang tính khoa học và khách quan, đòi hỏi sự đầu tư đủ thời gian, công sức, trí tuệ của đội ngũ cán bộ công chức.
* Xin cảm ơn ông!
Cẩm Vân (thực hiện)