Một số kinh nghiệm pháp luật của Cộng hòa Pháp liên quan đến cấu trúc Bộ luật Dân sự, tài sản và sở hữu

30/05/2011
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005, ngày 12 và 13 tháng 5 năm 2011, Nhà Pháp luật Việt - Pháp đã phối hợp với Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế tổ chức tọa đàm về cấu trúc Bộ luật Dân sự, tài sản và sở hữu trong BLDS với sự tham gia của các chuyên gia Cộng hòa Pháp. Dưới đây là tổng hợp một số nội dung trao đổi tại tọa đàm trên cơ sở kinh nghiệm của Bộ luật Dân sự Pháp.

Về dự kiến cấu trúc BLDS Việt Nam sửa đổi, về cơ bản, các chuyên gia Pháp cho rằng cấu trúc này là hợp lý, rõ ràng và tiến bộ. Tuy nhiên, có một số điểm cần tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc. BLDS Pháp được cơ cấu thành các phần là người, tài sản, các phương thức xác lập quyền sở hữu và các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Cấu trúc này bền vững với thời gian và cho phép tiếp nhận mọi sự thay đổi về nội dung của các phần. Theo quan điểm của Pháp, chế định hôn nhân và gia đình cần phải được quy định trong BLDS vì đây là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng đó là sự lựa chọn riêng của mỗi quốc gia phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của mình. Ngoài ra, BLDS Pháp có một phần riêng về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, cả các biện pháp bảo đảm đối nhân và bảo đảm đối vật, điều này rất thuận tiện cho việc tra cứu. Trong khi đó, trong BLDS của Đức, vấn đề này được quy định ở cả hai phần vật quyền và trái quyền - dự kiến cấu trúc BLDS VN sửa đổi cũng đi theo hướng này.    

Về phần quy định chung, liên quan đến pháp nhân, chuyên gia cho rằng nên có sự phân biệt giữa pháp nhân là một tập hợp người và pháp nhân là tập hợp tài sản (ví dụ các quỹ). Về vấn đề đại diện, trong phần quy định chung, đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền được quy định với tư cách chủ thể còn căn cứ đại diện thì được quy định trong phần trái vụ. Các chuyên gia lưu ý việc tách biệt này có thể làm nảy sinh khó khăn vì trong một số hệ thống pháp luật, có trường hợp một người không có năng lực hành vi có thể ký thỏa thuận để tổ chức thực hiện việc bảo hộ đối với mình.   

Về vấn đề tài sản, BLDS Pháp hiện không có định nghĩa về tài sản nhưng dự án cải cách hiện nay đề xuất đưa ra định nghĩa về tài sản như sau : «Tài sản là vật hữu hình hoặc vô hình được sở hữu hoặc là quyền đối vật hoặc quyền đối nhân». Pháp luật Pháp không có khái niệm «tài sản ảo» mà chỉ có các khái niệm như «tài sản hình thành trong tương lai», «tài sản vô hình». Theo các chuyên gia, cần phải làm rõ hơn nữa nội dung của khái niệm này và cân nhắc có thực sự cần thiết đưa khái niệm này vào BLDS không.

Các chuyên gia ủng hộ việc bổ sung bên cạnh quyền sở hữu nhiều vật quyền khác như quyền hưởng dụng, quyền bề mặt và đặc biệt là địa dịch. Về vấn đề địa dịch, có sự khác biệt giữa cách tiếp cận của Pháp và Việt Nam. Theo quan niệm của Pháp, địa dịch là quan hệ pháp lý giữa hai bất động sản liền kề (bất động sản hưởng địa dịch và bất động sản chịu địa dịch) còn theo quan niệm của Việt Nam, địa dịch được xếp vào loại quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản. Pháp luật Pháp quy định hai loại địa dịch là địa dịch theo luật định và địa dịch theo thỏa thuận. Địa dịch theo luật định là các địa địch được pháp luật quy định cụ thể và không phải đăng ký, việc chuyển giao quyền sở hữu bất động sản đương nhiên kéo theo việc chuyển giao địa dịch cho bên mua. Địa dịch theo thỏa thuận là địa dịch không được pháp luật quy định và phải được đăng ký. Các bên có thể thỏa thuận về việc thực hiện một địa dịch luật định. Nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết. Tuy nhiên, thỏa thuận này giữa các bên không làm thay đổi bản chất luật định của địa dịch. Theo các chuyên gia, các quy định về địa dịch nên được tách ra thành một chương riêng vì đây không phải là quyền của người đối vật mà là quyền của vật đối vật.    

Về vấn đề chiếm hữu và sở hữu, BLDS Pháp có sự phân biệt rõ ràng giữa chiếm hữu và sở hữu. Chiếm hữu không phải là vật quyền, cũng không phải là trái quyền mà là một trạng thái, được hiểu là tình trạng một người xử sự như là người có quyền đối với tài sản. Hành vi chiếm hữu bao gồm hai yếu tố: yếu tố vật chất là sự tác động trực tiếp vào tài sản và yếu tố tinh thần là việc xử sự như là chủ sở hữu tài sản. Hành vi chiếm hữu làm phát sinh ba hệ quả pháp lý chính là:

-         Người chiếm hữu được suy đoán có quyền sở hữu, nghĩa là người nào cho rằng mình là chủ sở hữu thì phải chứng minh điều đó ;

-         Người chiếm hữu được hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản nếu ngay tình ;

-         Người chiếm hữu trở thành chủ sở hữu theo các quy định về thời hiệu. Người chiếm hữu trở thành chủ sở hữu ngay khi chiếm hữu tài sản là động sản trong trường hợp ngay tình, và sau 10 năm nếu đó là bất động sản và có giấy tờ mua bán. Một thời hiệu nữa là 30 năm áp dụng đối với cả chiếm hữu động sản và bất động sản, dù người chiếm hữu ngay tình hay không ngay tình.  

Trong BLDS Việt Nam, chiếm hữu được nhìn nhận là một quyền, thậm chí là một quyền năng trong quyền sở hữu vì quyền sở hữu được định nghĩa là quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Bên cạnh đó, có những hành vi chiếm hữu không phải do chủ sở hữu thực hiện. Do vậy, theo các chuyên gia, nếu sử dụng cùng một thuật ngữ để chỉ khái niệm chiếm hữu dưới hai góc độ khác nhau như vậy sẽ không rõ ràng, không cho phép phân biệt được trường hợp nào chiếm hữu là quyền và trường hợp nào chiếm hữu là một trạng thái. Nên nghiên cứu việc sử dụng một thuật ngữ khác, ví dụ quyền nắm giữ hay quyền có tài sản để chỉ quyền chiếm hữu của chủ sở hữu nếu thuật ngữ «sử dụng» trong định nghĩa về quyền sở hữu không thể bao trùm yếu tố chiếm hữu.

BLDS Pháp quy định quyền sở hữu là quyền sử dụng, quyền hưởng hoa lợi, lợi tức và quyền định đoạt. Pháp luật Pháp quy định vấn đề sở hữu và chiếm hữu theo các phương pháp khác nhau với các cơ chế bảo vệ riêng. Ví dụ, người chiếm hữu bị người khác gây rối, cản trở đến việc chiếm hữu bình thường của mình thì có quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ theo một thủ tục đặc biệt. Trong trường hợp này, Tòa án không xem xét vấn đề người đó có quyền sở hữu hay không mà chỉ xem xét mức độ bảo vệ cần đảm bảo cho họ có thể chiếm hữu một cách bình thường.

Về vấn đề đăng ký vật quyền đối với bất động sản, hiện có hai quan điểm chính về hệ quả của việc đăng ký này. Trong hệ thống của Đức, việc đăng ký này là điều kiện để chuyển quyền sở hữu đối với bất động sản. Hệ thống này có nguy cơ không đảm bảo an toàn của giao dịch, có thể vì lý do nào đó, việc đăng ký không thực hiện được. Trong hệ thống của Pháp, quyền sở hữu được chuyển giao kể từ thời điểm hợp đồng được giao kết và trong lĩnh vực bất động sản, hợp đồng phải được lập dưới hình thức văn bản công chứng. Do đó, việc đăng ký giao dịch chỉ làm cho giao dịch có hiệu lực đối kháng với người thứ ba. Như vậy, theo hệ thống của Pháp, quyền phát sinh tại thời điểm sớm hơn và vì thế, người mua có thể thế chấp ngay bất động sản tại thời điểm này. Các chuyên gia cho rằng lựa chọn mô hình này hay mô hình kia tùy thuộc vào sự phát triển của hệ thống công chứng và hệ thống đăng ký bất động sản của mỗi nước. Ở Pháp, hệ thống đăng ký bất động sản chịu sự quản lý của Bộ Tài chính và hoạt động rất hiệu quả, còn ở Đức, hệ thống này được đặt trong Tòa án. Các chuyên gia cũng lưu ý cần phải tách biệt hai vấn đề là hiệu lực của hợp đồng, hay nói cách khác là thời điểm hợp đồng được giao kết, và thời điểm chuyển giao quyền sở hữu.

Về các hình thức sở hữu, vấn đề sở hữu nhà nước không được quy định trong BLDS Pháp vì Pháp có Bộ luật riêng về sở hữu nhà nước. Pháp luật Pháp không có khái niệm sở hữu tư nhân mà có khái niệm sở hữu một chủ và sở hữu nhiều chủ. Về sở hữu nhiều chủ, có sở hữu nhà chung cư và sở hữu chung trong các trường hợp khác. Sở hữu nhà chung cư bao gồm sở hữu các phần riêng (căn hộ) và sở hữu các phần chung theo một tỷ lệ nhất định. BLDS chỉ quy định các nguyên tắc cơ bản về sở hữu nhà chung cư còn các vấn đề cụ thể thì dẫn chiếu đến các luật chuyên ngành khác. Ngoài ra, đối với từng nhà chung cư, còn có một Bản quy chế sử dụng, sở hữu nhà chung cư do các chủ sở hữu thỏa thuận áp dụng. Còn sở hữu chung trong các trường hợp khác ví dụ là sở hữu chung trong trường hợp nhiều người mua một bất động sản hoặc nhiều người cùng có quyền thừa kế một bất động sản.

Về thời hiệu trong lĩnh vực thừa kế, pháp luật Việt Nam quy định thời hiệu khởi kiện là 10 năm. Pháp luật Pháp quy định người thừa kế có thời hạn 10 năm để tuyên bố chấp nhận hay từ chối di sản thừa kế. Tuy nhiên, nếu một người không biết mình là người thừa kế trong thời hạn 10 năm đó thì có thời hạn 30 năm để yêu cầu Tòa án công nhận quyền thừa kế của mình.

Pháp luật Pháp cấm lập di chúc chung của vợ chồng. Loại di chúc này không được thừa nhận vì quá phức tạp, thậm chí không thể thực hiện được trên thực tế.

Trên đây là một số nội dung chính được trao đổi tại Tọa đàm giữa các chuyên gia Việt Nam và Pháp. Xin trân trọng giới thiệu để bạn đọc nghiên cứu, tham khảo.  

(Nhà Pháp luật Việt-Pháp sẽ tiến hành bóc băng toàn bộ nội dung trao đổi tại Tọa đàm làm tài liệu tham khảo gửi cho các đại biểu tham dự Tọa đàm và các cơ quan, tổ chức liên quan).

 Nhà Pháp luật Việt - Pháp

Xem thêm »