Cung cấp thông tin về thế chấp quyền sử dụng đất: Cơ chế hiệu quả để chống lừa đảo

08/06/2011
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Chiều qua (7/6), Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn việc đăng ký, cung cấp thông tin về thế chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ), tài sản gắn liền với đất đã có cuộc họp để hoàn thiện dự thảo nhằm tạo ra cơ chế hữu hiệu để người dân có thể tiếp cận thông tin về thế chấp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Lừa chiếm đoạt tài sản bằng thế chấp nhiều bộ giấy tờ

Cuối năm 2010, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Buôn Ma Thuột đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Bá Toàn (42 tuổi) trú thôn 3, xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Theo kết quả điều tra của Công an TP Buôn Ma Thuột, bằng thủ đoạn nhiều lần khai báo mất Giấy chứng nhận QSDĐ, sau đó đề nghị được chính quyền địa phương cấp lại, Toàn đã tiếp tục sử dụng những bộ giấy tờ này để thế chấp, cầm cố, vay tiền của nhiều người, rồi không trả.

Cụ thể, Nguyễn Bá Toàn có một thửa đất số 43A tại thôn Phú Thuận, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, được UBND huyện Krông Nô cấp Giấy chứng nhận QSDĐ vào ngày 28/11/2008. Ngày 5/01/2010, Toàn đã làm đơn xin xác nhận mất Giấy chứng nhận QSDĐ đối với lô đất này để gửi Công an xã Quảng Phú và Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Krông Nô, đồng thời đề nghị UBND xã Quảng Phú, Phòng Đăng ký QSDĐ huyện Krông Nô cấp lại Giấy chứng nhận khác. Sau khi có trong tay Giấy mới đối với thửa đất số 43A nói trên, ngày 10/5/2010, Toàn đã dùng nó để làm hợp đồng chuyển nhượng lô đất này cùng toàn bộ tài sản gắn liền với đất cho ông Phan Cảnh Bông (trú tại thị xã Buôn Hồ) với giá 200 triệu đồng. Tiếp đó, ngày 20/6, Toàn dùng Giấy cũ để thế chấp cho ông Quách Văn Bạch (trú tại TP. Buôn Ma Thuột) lấy 240 triệu đồng.

Cũng vào cuối năm 2010, tại Hà Nội, Công an huyện Gia Lâm đã hoàn tất sơ bộ quá trình điều tra vụ án “Lê Bá Quỳ cùng đồng bọn làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Theo đó, xác định từ tháng 3/2009, Quỳ đã nhận khoảng 20 phôi Giấy chứng nhận QSDĐ từ Phùng Văn Thúy (SN 1979, từng công tác tại Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Gia Lâm từ năm 2001 – 2008) và cùng một số đối tượng làm giả nội dung, con dấu, chữ ký nhiều “sổ đỏ”, đem thế chấp vay tiền đáo nợ ngân hàng.

Để phục vụ ý đồ lừa đảo, Quỳ đã thành lập 3 công ty: Công ty CP Quỳ Leather, Công ty TNHH My Quý và Công ty TNHH một thành viên Thủy‘s Ceramics. Với “sổ đỏ” giả và 3 công ty trên, Quỳ đã tìm cách vay được tiền của 5 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng, với số tiền lên đến cả trăm tỷ đồng. Trong đó cho vay nhiều nhất là chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lâm. Mở rộng điều tra, cơ quan công an phát hiện thêm 11 “sổ đỏ” giả do Quỳ và vợ đem thế chấp cho các cá nhân, ngân hàng để vay tiền.

Cần công khai thông tin về thế chấp

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ việc lừa đảo kiểu này xảy ra trên phạm vi cả nước. Để cho các đối tượng trên đây lợi dụng thực hiện trót lọt các hành vi lừa đảo, có thể nói cơ chế hiện nay chưa thực sự công khai, minh bạch để người dân tiếp cận được những thông tin về thế chấp QSDĐ, tài sản gắn liền với đất. Trước thực trạng đó, liên Bộ Tư pháp - Tài nguyên và Môi trường đang cùng nhau xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn việc đăng ký, cung cấp thông tin về thế chấp QSDĐ, tài sản gắn liền với đất.

Trao đổi với chúng tôi trong cuộc họp chiều 7/6, Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) Vũ Đức Long cho biết, mặc dù đã có quy định nhưng do nằm tản mát nên hiện nay một số cơ quan nhà nước vẫn gây khó khăn, phiền hà khi người dân có nhu cầu tiếp cận thông tin về thế chấp QSDĐ, tài sản gắn liền với đất. Vì vậy, Dự thảo Thông tư liên tịch đặc biệt chú trọng hướng dẫn tập trung những quy định về cung cấp thông tin liên quan đến vấn đề này. “Hy vọng đây sẽ là cơ chế hữu hiệu để chống lừa đảo, bởi nó tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia vào các giao dịch được tiếp cận những thông tin về chấp QSDĐ, tài sản gắn liền với đất”, ông Long nhấn mạnh.

Cụ thể, người dân có nhu cầu tìm hiểu thì nộp Đơn yêu cầu cung cấp thông tin tại Văn phòng đăng ký QSDĐ cấp huyện hoặc cấp tỉnh nơi có đất, tài sản gắn liền với đất (tùy thẩm quyền). Trong thời hạn 1 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Đơn yêu cầu hợp lệ, Văn phòng đăng ký QSDĐ có trách nhiệm tra cứu thông tin lưu trữ và trả lời bằng văn bản, nêu đầy đủ thông tin về tình trạng pháp lý việc thế chấp của thửa đất, tài sản gắn liền với đất.

Người yêu cầu cung cấp thông tin trực tiếp nhận kết quả đăng ký sau khi xuất trình Phiếu hẹn trả kết quả và Giấy biên nhận thu phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm. Về phí cung cấp thông tin, theo Thông tư liên tịch số 69/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 18/5/2011, chỉ mất 30 nghìn đồng nếu khách hàng có yêu cầu chứng nhận nội dung đăng ký, còn trường hợp không cần chứng nhận nội dung thì không mất phí.

Cẩm Vân

Xem thêm »