Nhằm phục vụ cho việc xây dựng Luật Giám định tư pháp, ngày 26 và sáng 27 tháng 5 năm 2011, Nhà Pháp luật Việt-Pháp đã phối hợp với Vụ Bổ trợ Tư pháp tổ chức Tọa đàm về dự thảo Luật Giám định tư pháp với sự tham gia của bà Sylvie Menotti, Tổng Thư ký Chánh án Tòa án Tư pháp tối cao Cộng hòa Pháp. Dưới đây là tổng hợp một số nội dung chính được trao đổi tại Tọa đàm liên quan đến tổ chức hoạt động giám định tư pháp ở Cộng hòa Pháp.
Về mặt thể chế: Hoạt động giám định tư pháp ở Pháp được điều chỉnh bởi hai hệ thống văn bản pháp luật. Hệ thống văn bản thứ nhất bao gồm Luật và Nghị định hướng dẫn thi hành luật quy định về quy chế giám định viên tư pháp, quy định các quyền và nghĩa vụ của giám định viên, thủ tục bổ nhiệm, tái bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức giám định viên, trách nhiệm kỷ luật của giám định viên. Hệ thống văn bản thứ hai gồm Bộ luật Tố tụng dân sự và Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về thủ tục trưng cầu và thực hiện giám định, nguyên tắc thực hiện giám định, quan hệ giữa giám định viên và các cơ quan tiến hành tố tụng. Các quy định này khác nhau giữa giám định trong lĩnh vực hình sự và giám định trong lĩnh vực dân sự.
Khái niệm giám định tư pháp: Giám định tư pháp được hiểu là giám định theo quyết định của Tòa án. Hoạt động giám định không dựa trên quyết định của Tòa án thì không được coi là giám định tư pháp. Theo quan điểm đó, pháp luật Pháp không thừa nhận cho các bên đương sự quyền chủ động trực tiếp yêu cầu giám định mà chỉ có quyền yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định.
Quy chế giám định viên: Giám định tư pháp không phải là một nghề mà chỉ là một chức danh được cơ quan có thẩm quyền thừa nhận cho các chuyên gia hoạt động trong các lĩnh vực chuyên ngành khác nhau mà Tòa án cần sự trợ giúp về mặt kỹ thuật của họ trong quá trình giải quyết vụ án. Giám định tư pháp không phải là hoạt động chuyên trách của giám định viên; giám định viên có nghĩa vụ duy trì hoạt động chuyên môn chính của mình để đảm bảo thường xuyên trau dồi kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp trong lĩnh vực liên quan. Trong lĩnh vực giám định pháp y, Pháp có thành lập một số Viện Giám định pháp y nhưng giám định viên của các viện này cũng chỉ làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Các Viện này được thành lập ở các thành phố lớn và chủ yếu làm giám định mổ tử thi.
Quản lý hoạt động giám định: Các Tòa Phúc thẩm và Tòa Phá án là cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức giám định viên và kiểm tra, giám sát hoạt động của giám định viên. Việc trao chức năng, thẩm quyền này cho Tòa án xuất phát từ quan điểm là Tòa án là cơ quan độc lập với các cơ quan quyền lực chính trị nên có thể đảm bảo được sự độc lập của các giám định viên và cũng chính vì Tòa án phải chịu trách nhiệm đánh giá kết luận của giám định viên.
Mỗi Tòa phúc thẩm lập và quản lý một danh sách giám định viên có nơi thường trú hoặc hành nghề trong phạm vi quản hạt của mình. Ngoài ra, còn có một danh sách giám định viên do Tòa Phá án lập và quản lý ở cấp quốc gia. Đối với đăng ký lần đầu vào danh sách giám định viên, giám định viên chỉ được đăng ký tạm thời với thời gian thử thách là 03 năm. Sau đó, việc gia hạn đăng ký sẽ được xem xét quyết định trên cơ sở yêu cầu đăng ký lại và chất lượng hoạt động giám định của giám định viên trong 03 năm đầu tiên. Để được đăng ký vào danh sách giám định viên quốc gia, ứng viên phải đã được đăng ký vào danh sách của Tòa phúc thẩm trong thời gian ít nhất 05 năm. Giám định viên chỉ có thể được bổ nhiệm cho đến 75 tuổi. Thông thường, giám định viên được đăng ký với tư cách là cá nhân. Tuy nhiên, có một số pháp nhân được đăng ký là giám định viên, chủ yếu trong lĩnh vực giám định pháp y và giám định kỹ thuật hình sự.
Hàng năm, cơ quan lập danh sách giám định viên tiến hành xem xét giám định viên có còn đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật và có thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình hay không. Giám định viên có nghĩa vụ báo cáo với Tòa án về các hoạt động giám định tư pháp mà mình đã thực hiện trong năm.
Như vậy, ở Pháp, Tòa án trực tiếp quản lý hoạt động giám định tư pháp. Bộ Tư pháp và các Bộ chuyên môn chỉ có vai trò hạn chế trong lĩnh vực này. Bộ Tư pháp lập danh mục các lĩnh vực giám định, các Bộ chuyên môn quản lý về mặt nhân sự và phương tiện làm việc của các giám định viên.
Trách nhiệm của giám định viên: Giám định viên phải chịu trách nhiệm về mặt kỷ luật nếu phạm lỗi khi thực hiện nhiệm vụ giám định. Nếu phạm lỗi nặng thì giám định viên có thể bị xóa tên khỏi danh sách. Ngoài ra, nếu kết luận giám định sai gây thiệt hại cho một trong các bên đương sự thì giám định viên có thể phải bồi thường thiệt hại về dân sự. Cuối cùng, giám định viên có thể phải chịu trách nhiệm về mặt hình sự trong trường hợp phạm tội hình sự.
Tổ chức hiệp hội giám định viên: Giám định viên tập hợp lại thành các hiệp hội giám định viên tư pháp địa phương và hiệp hội giám định viên tư pháp quốc gia. Các hiệp hội này là nơi trao đổi thông tin, kinh nghiệm nghề nghiệp giữa các giám định viên và cho ý kiến đối với việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về giám định tư pháp. Tuy nhiên, hiệp hội giám định viên tư pháp không phải là tổ chức xã hội nghề nghiệp vì giám định tư pháp không phải là một nghề, đó chỉ là một hình thức hiệp hội được thành lập trên cơ sở tự nguyện.
Thù lao, chi phí giám định: Thù lao, chi phí giám định trong lĩnh vực hình sự do Nhà nước chi trả theo chế độ quy định. Trong lĩnh vực dân sự, thù lao, chi phí giám định do đương sự chịu. Bên nào yêu cầu giám định thì phải nộp tạm ứng thù lao, chi phí giám định cho bộ phận lục sự của Tòa án. Điều này cho phép tránh mọi quan hệ tiền bạc giữa giám định viên, thẩm phán và các bên đương sự. Khi Tòa án ra bản án thì cũng quyết định về mức thù lao của giám định viên và có thể giảm thù lao nếu giám định viên không nộp kết luận giám định đúng thời hạn. Theo quy định, bên nào thua kiện thì phải trả thù lao, chi phí giám định.
Nguyên tắc tranh tụng trong hoạt động giám định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giám định trong lĩnh vực dân sự, giám định viên phải triệu tập tất cả các bên để mỗi bên có thể trình bày ý kiến của mình về vấn đề giám định. Khi giám định viên nộp kết luận giám định, các bên có quyền cho ý kiến về kết luận này. Nếu một bên không được triệu tập để cho ý kiến thì kết luận giám định sẽ bị vô hiệu. Trong lĩnh vực hình sự, nguyên tắc tranh tụng này giảm nhẹ hơn: giám định viên chỉ triệu tập người bị hại đến để giám định và chỉ đến khi kết luận giám định được nộp thì bị can, bị cáo mới được đưa ra ý kiến về kết luận đó.
Yêu cầu và trưng cầu giám định: Cách tiếp cận của hệ thống pháp luật Anh-Mỹ và hệ thống pháp luật châu Âu lục địa về vấn đề chứng minh và giám định hoàn toàn khác nhau. Trong hệ thống Anh-Mỹ, các bên có nghĩa vụ tự mình xuất trình chứng cứ chứng minh cho yêu cầu, lập luận của mình. Hệ thống này có nguy cơ tạo ra sự mất cân bằng giữa một bên có điều kiện tài chính và một bên không có điều kiện tài chính để yêu cầu sự trợ giúp của các giám định viên giỏi. Hệ thống này cũng làm tăng gánh nặng cho Nhà nước trong công tác trợ giúp pháp lý. Mặt khác, giám định viên do các bên chủ động yêu cầu nên sẽ không đảm bảo được tính vô tư, khách quan khi đưa ra kết luận giám định. Chính vì vậy, hiện nay, các thẩm phán trong hệ thống luật Anh-Mỹ có xu hướng đề nghị các bên thống nhất lựa chọn một giám định viên duy nhất. Nếu các bên không thống nhất được với nhau thì thẩm phán đề xuất với các bên một giám định viên do mình lựa chọn. Giải pháp này gần giống với pháp luật châu Âu lục địa, trong đó thẩm phán là người duy nhất có quyền trưng cầu giám định và chỉ trưng cầu giám định nếu thấy cần thiết. Trong lĩnh vực hình sự, Tòa án bắt buộc phải lựa chọn giám định có tên trong danh sách, còn trong lĩnh vực dân sự, Tòa án có thể trưng cầu một giám định viên không có tên trong danh sách nhưng trường hợp này rất hiếm khi xảy ra vì Tòa án thường lựa chọn giám định viên có tên trong danh sách để đảm bảo chất lượng giám định. Trong lĩnh vực hình sự, trong quá trình điều tra, viện trưởng Viện Công tố có thể yêu cầu tiến hành các biện pháp kiểm tra kỹ thuật nhưng đây không phải là giám định tư pháp mặc dù có một số điểm tương đồng.
Thông thường, thẩm phán chủ động trưng cầu giám định nếu thấy cần thiết nhưng cũng có thể trưng cầu giám định theo yêu cầu của Viện Công tố hoặc của một trong các bên. Nếu từ chối trưng cầu giám định, thẩm phán phải nêu rõ lý do và quyết định từ chối này có thể bị kháng cáo phúc thẩm. Trong quyết định trưng cầu giám định, thẩm phán phải nêu rõ nhiệm vụ của giám định viên, các câu hỏi mà giám định viên phải trả lời và xác định rõ thời hạn thực hiện giám định. Thời hạn này có thể được thẩm phán cho gia hạn nếu có yêu cầu của giám định viên.
Thực hiện giám định: Giám định viên phải tuân thủ nguyên tắc tranh trụng, thực hiện nhiệm vụ theo đúng những nội dung được yêu cầu trong quyết định trưng cầu giám định. Giám định viên thực hiện công việc dưới sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của thẩm phán đã trưng cầu giám định. Giám định viên phải đích thân thực hiện nhiệm vụ, nếu có khó khăn thì phải báo cáo với thẩm phán để tìm biện pháp khắc phục. Trong quá trình thực hiện giám định nếu phát hiện có những tình tiết, sự việc mới hoặc vượt quá khả năng của mình thì giám định viên phải thông báo cho thẩm phán để thẩm phán mở rộng phạm vi công việc hoặc chỉ định các giám định viên khác hỗ trợ.
Báo cáo giám định: Khi kết thúc công việc của mình, giám định viên phải lập báo cáo giám định miêu tả những công việc đã làm và đưa ra kết luận giám định. Không có quy định bắt buộc nào về hình thức của báo cáo giám định. Báo cáo giám định phải có chữ ký của giám định viên, nếu không sẽ bị vô hiệu. Nếu việc giám định cho nhiều giám định viên cùng thực hiện thì các thành viên phải đưa ra kết luận chung. Nếu các giám định viên có ý kiến khác nhau thì phải ghi ý kiến của từng giám định viên trong báo cáo giám định. Trước khi nộp báo cáo giám định chính thức, giám định viện phải lập dự thảo báo cáo giám định gửi cho thẩm phán trưng cầu giám định. Thẩm phán sẽ gửi dự thảo báo cáo giám định cho các bên để các bên cho ý kiến trong một thời hạn nhất định. Sau đó, giám định viên phải hoàn thành báo cáo giám định chính thức trên cơ sở ý kiến của các bên và nộp báo cáo cho Tòa án. Tòa án có thể quyết định trưng cầu giám định lại hoặc giám định bổ sung nếu các bên có yêu cầu.
Trong báo cáo giám định, giám định viên chỉ được trả lời những câu hỏi mà thẩm phán đặt ra. Giám định viên không được cho ý kiến về những vấn đề không được hỏi. Giám định viên không được đưa ra những đánh giá về mặt pháp lý mà chỉ được đưa ra ý kiến về mặt kỹ thuật. Báo cáo giám định không có giá trị bắt buộc đối với thẩm phán. Về nguyên tắc, thẩm phán có thể sử dụng hoặc không sử dụng kết luận giám định nhưng trong thực tế, thẩm phán thường theo kết luận của giám định viên nếu đó là một giám định viên có tên trong danh sách.
Trên đây là một số nội dung cơ bản được các chuyên gia Pháp chia sẻ tại Tọa đàm. Xin trân trọng giới thiệu để bạn đọc tham khảo.
Nhà Pháp luật Việt-Pháp