Một số vấn đề góp ý xây dựng Luật Xử lý vi phạm hành chính

15/06/2011
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

1. Vấn đề xác lập cơ chế nhằm bảo đảm thống nhất, đồng bộ của hệ thống các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện có hơn 100 Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính, một số quy định trong các nghị định có sự trùng lắp, chồng chéo về phạm vi điều chỉnh dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo về thẩm quyền, mức xử phạt và tình trạng này đang có xu hướng gia tăng. Đây là vấn đề được thảo luận nhiều trong các hội nghị, hội thảo và trong quá trình soạn thảo Dự án Luật. Để xử lý vấn đề này hiện ý kiến còn khác nhau. Trong dự thảo Tờ trinh Chính phủ thể hiện 02 loại ý kiến sau:

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng cần thiết phải xác định một nguyên tắc trong Dự án Luật là căn cứ phạm vi các lĩnh vực quản lý nhà nước đã được xác định tại các nghị định quy định về cơ cấu, tổ chức và nhiệm vụ quyền hạn của mỗi bộ, cơ quan ngang bộ, Chính phủ sẽ ban hành một nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính chung cho toàn bộ nội dung quản lý ngành, lĩnh vực thuộc bộ, ngành đó (Điều 23 và Phương án 1 Điều 24 Dự thảo Luật). Như vậy, số lượng các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính sẽ được giới hạn dưới 30 văn bản (trung bình mỗi bộ, cơ quan ngang bộ có một nghị định xử phạt vi phạm hành chính) sẽ dễ kiểm soát hơn. Tuy nhiên, phương án này đòi hỏi phải ban hành những nghị định đồ sộ, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực của trật tự quản lý hành chính nhà nước vì các bộ đều có chức năng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng phải “chờ nhau” làm chậm tiến độ ban hành nghị định trong khi công tác quản lý, điều hành đòi hỏi phải nhanh nhạy, kịp thời.  

Theo tác giả, loại ý kiến này thể hiện sự “bó cứng” trong công tác xây dựng nghị định vì thực tế tình hình kinh tế, xã hội liên tục vận động, biến đổi và phát triển không ngừng dẫn đến có nhiều lĩnh vực mới phát sinh trong xã hội chưa được điều chỉnh hoặc có lĩnh vực lại do nhiều cấp, nhiều ngành có liên quan quản lý sẽ có “kẽ hở pháp luật” không được điều chỉnh hoặc điều chỉnh không kịp thời.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, để khắc phục nhược điểm của phương án 1 và hạn chế tối đa số lượng nghị định xử phạt vi phạm hành chính cần thiết phải ban hành, cần có giải pháp đồng bộ, đó là: thứ nhất, thu hẹp phạm vi khái niệm vi phạm hành chính, chỉ khoanh lại những vi phạm đối với trật tự quản lý hành chính nhà nước, còn những vi phạm khác đối với hoạt động quản lý nhà nước thuộc quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại,... thì để pháp luật dân sự, kinh tế, thương mại điều chỉnh (khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật); thứ hai, xác định rõ trong Luật này các lĩnh vực quản lý và mức phạt tối đa làm cơ sở cho việc ban hành nghị định về xử phạt vi phạm hành chính (Điều 23 và Phương án 2 Điều 24 Dự thảo Luật); thứ ba, tuân thủ nghiêm trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật thẩm quyền ban hành văn bản. Phương án này có nhược điểm là việc liệt kê cụ thể các lĩnh vực quản lý sẽ rất khó bảo đảm đầy đủ, toàn diện và do vậy, vẫn còn quy định mở (khoản 18 Điều 23 Dự thảo Luật) có thể làm phát sinh thêm một số nghị định ngoài những lĩnh vực đã được xác định tại Điều 23 của Dự thảo Luật. Tuy nhiên phương án này mang tính khả thi và linh hoạt hơn, việc quy định một hoặc một số lĩnh vực trong cùng một nghị định thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ.

Theo tác giả, loại ý kiến này lại càng thể hiện sự “bó cứng” hơn trong công tác xây dựng nghị định vì không thể liệt kê hết các lĩnh vực và càng không thể lường trước được mức độ vi phạm, hậu quả tác hại để quy định mức xử phat trần cho từng lĩnh vực. Thực tế tình hình có nhiều lĩnh vực mới phát sinh trong xã hội chưa được điều chỉnh hoặc có lĩnh vực lại do nhiều cấp, nhiều ngành có liên quan quản lý sẽ dẫn đến “quyền anh, quyền tôi” trong xây dựng nghị định, “Manh áo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính sẽ nhanh chóng bị chật chội, bức bách trên cơ thể đang ngày một biến động, phát triển” .

Do đó, theo tác giả, cả 02 ý kiến trên đều chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, tác giả mạnh dạn đưa ra ý kiến thứ 3 để đọc giả cùng tham khảo: “ Để đáp ứng được tình hình kinh tế, xã hội biến động, phát triển đồng thời hạn chế tình hình một số quy định trong các nghị định có sự trùng lắp, chồng chéo về phạm vi điều chỉnh dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo về thẩm quyền, mức xử phạt thì trong dự thảo Luật cần đưa ra nguyên tắc: Mỗi bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ của mình phải xây dựng 01 nghị định xử phạt vi phạm hành chính đối với các lĩnh vực được giao thống nhất quản lý nhà nước (Bộ Tư pháp quản lý 18 lĩnh vực nhưng cũng chỉ có 01 nghị định xử phạt), lĩnh vực nào có liên quan đến nhiều Bộ ngành hoặc có lĩnh vực nào mới phát sinh thì Chính phủ sẽ quyết định trong việc ban hành nghị định thuộc lĩnh vực đó, mức xử phạt tối thiểu, tối đa giao cho Chính phủ quy định trong các nghị định trong phạm vi mức phạt của Luật.

2. Vấn đề giao Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục

Ngoài biện pháp quản chế hành chính đã bị bãi bỏ năm 2007 (Pháp lệnh số 31/2007/PL-UBTVQH11 sửa đổi một số điều của PLXLVPHC 2002) hiện còn 4 biện pháp xử lý hành chính khác đang được quy định trong PLXLVPHC hiện hành, đó là: (1) biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; (2) biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng; (3) biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh; (4) biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục. Trong quá trình xây dựng Dự án Luật ý kiến còn chưa thống nhất về việc xử lý đối với các biện pháp xử lý hành chính trong Dự thảo Luật.

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định theo hướng chuyển các biện pháp xử lý hành  chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục, cho Tòa án xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục tố tụng tư pháp, bởi vì xét về bản chất, các biện pháp này là những biện pháp cưỡng chế nhà nước hạn chế đến quyền cơ bản của công dân cần được xem xét quyết định theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ, bảo đảm khách quan, chính xác theo đúng tinh thần “các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người” đã được khẳng định tại Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp. Để bảo đảm cho việc thực thi các quy định này, Dự thảo Luật đã dự kiến đầy đủ các quy định cụ thể trong Dự thảo Luật (Phương án 1 thuộc Phần thứ ba – Các biện pháp xử lý hành chính từ Điều 95 đến Điều 126 dự thảo Luật).

Loại ý kiến thứ hai đồng tình về mặt chủ trương chuyển cho Toà án xem xét, nhưng băn khoăn về tính khả thi vì phương án này đặt ra nhiều vấn đề về lý luận và tổ chức thực hiện (thủ tục tố tụng, nhân lực, tổ chức bộ máy, cơ sở pháp lý vì liên quan đến một số luật khác như Luật tổ chức toà án nhân dân). Do vậy, cần có lộ trình trong một số năm nữa. Trước mắt, đề nghị cân nhắc quy định về trình tự, thủ tục xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nêu trên vẫn giao cơ quan hành chính thực hiện nhưng có sửa đổi, bổ sung về trình tự, thủ tục nhằm bảo đảm tính dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng, chính xác và hiệu quả; bảo đảm cho người bị xem xét, áp dụng biện pháp xử lý hành chính và đại diện hợp pháp của họ có cơ hội giải thích, biện hộ cho vụ việc của mình. Dự thảo Luật đã thể hiện loại ý kiến này tại Phương án 2 (từ Điều 95(1) đến Điều 95(34) dự thảo Luật).  

Theo tác giả, các biện pháp này là những biện pháp mang tính cưỡng chế nhà nước, hạn chế đến quyền cơ bản của công dân (đặc biệt đối với những đối tượng nhậy cảm là trẻ em, vị thành niên) cần được xem xét quyết định theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ, bảo đảm khách quan, chính xác theo đúng tinh thần “các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người”. Hơn nữa, phương án này phù hợp với chủ trương lớn của Đảng về cải cách tư pháp, cải cách bộ máy nhà nước trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Tuy nhiên, nếu chọn phương án này thì sẽ phải khắc phục một số khó khăn như: quy định các thủ tục tố tụng, nhân lực, tổ chức bộ máy, cơ sở pháp lý vì liên quan đến một số luật khác như Luật tổ chức toà án nhân dân. Tác giả rất đồng tình với Ban soạn thảo, mặc dù nếu theo phương án tư pháp hóa các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục sẽ gặp một số  khó khăn trước mắt, có thể phải thêm lộ trình để thực hiện nhưng nếu quyết tâm thì chúng ta sẽ khắc phục được.

3. Vấn đề bỏ quy định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh trong Dự án Luật XLVPHC

Việc quy định biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính mang tính chất lịch sử. Các biện pháp này được áp dụng đối với đối tượng tệ nạn xã hội là gái bán dâm, người nghiện xì ke, ma túy trong thời gian chiến tranh và sau khi đất nước thống nhất, có những hạn chế nhất định trong phân biệt giữa các vấn đề xã hội với hành vi vi phạm pháp luật. Người nghiện ma túy, người bán dâm bị coi là "sản phẩm của chế độ cũ", không phù hợp với các chuẩn mực xã hội về con người mới xã hội chủ nghĩa, cần phải được cải tạo. Gái bán dâm được đưa vào các cơ sở với tên gọi như "Trường phục hồi nhân phẩm" hoặc "Trung tâm phục hồi nhân phẩm"; người nghiện ma túy được đưa vào các trung tâm cai nghiện ma túy. Trước năm 1995 không có quy định của pháp luật về việc áp dụng biện pháp này. Từ năm 1995, biện pháp này được quy định chính thức tại Pháp lệnh trong nhóm các biện pháp xử lý hành chính khác với tên gọi là "đưa vào cơ sở chữa bệnh". Hiện nay, biện pháp này được áp dụng đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn nghiện ma túy hoặc người bán dâm thường xuyên có độ tuổi từ đủ 16 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường thị trấn mà vẫn tái phạm hoặc không có nơi cư trú nhất định.

Trong quá trình thảo luận về vấn đề này ý kiến còn chưa thống nhất cao. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng cần xem xét bỏ biện pháp xử lý hành chính này vì hai lý do: (i) công tác giáo dục thông qua lao động hướng nghiệp và dạy nghề kết hợp chữa bệnh phục hồi sức khoẻ, tâm lý  tại các cơ sở chữa bệnh đối với đối tượng mại dâm tỏ ra kém hiệu quả; (ii) người nghiện và sử dụng ma túy trái phép là vi phạm pháp luật nhưng dưới góc độ y tế và xã hội thì họ được coi là người bệnh và là nạn nhân của một tệ nạn, cần được giáo dục, giúp đỡ để trở thành người có ích cho xã hội. Bên cạnh đó, vấn đề cai nghiện hiện nay đang được quy định tại hai hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khác nhau (pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và pháp luật phòng, chống ma túy) dẫn đến tình trạng chồng chéo, trùng lặp, không bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Do đó, việc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với họ là không cần thiết và có thể xử lý bằng các biện pháp khác đem lại hiệu quả cho xã hội thiết thực hơn. Mặt khác, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy cũng coi đối tượng sử dụng ma túy trái phép là người mắc bệnh và phải được áp dụng chế độ cai nghiện.  

Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ lại biện pháp này vì cho rằng tình hình thực tế hiện nay việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính mang tính cưỡng chế, răn đe cao như vậy nhưng tình hình mại dâm không giảm, số lượng người nghiện ma tuý vẫn rất lớn, cuộc đấu tranh chống tệ nạn mại dâm, ma tuý diễn ra quyết liệt như vậy nhưng vẫn diễn biến gay go, phức tạp; nếu Dự thảo Luật bỏ quy định về biện pháp này thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn mai dâm ma tuý hiện nay.

Tác giả ủng hộ Loại ý kiến thứ hai vì xuất phát từ tình hình thực tế: biện pháp này là một biện pháp xử lý hành chính rất mạnh, mang tính răn đe, cưỡng chế cao, các địa phương đang áp dụng quyết liệt nhưng tình hình tệ nạn mại dâm, ma túy vẫn không giảm mà có chiều hướng tăng, nếu ta bãi bỏ biện pháp này trong dự án Luật thì sẽ không có các trình tự, thủ tục đủ mạnh trong các luật khác để thực hiện, dẫn đến hiện tượng bất khả thi đối với biện pháp này và hậu quả tệ nạn ma túy, mại dâm sẽ không thể lường được. Hơn nữa tại khoản 4, Điều 28 của Luật Phòng chống ma túy đã quy định: “Tổ chức và hoạt động của cơ sở cai nghiện bắt buộc, chế độ cai nghiện bắt buộc, thủ tục đưa người nghiện ma túy quy định tại khoản 1 Điều này vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính”. Theo đó, Luật phòng chống ma túy vẫn xác định người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì phải áp dụng biện pháp xử lý hành chính là đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nếu bãi bỏ biện pháp hành chính này trong dự án Luật thì đối tượng nêu trên sẽ không có các trình tự, thủ tục mang tính cưỡng chế đủ mạnh để đưa đối tượng này vào cơ sở cai nghiện bát buộc.

4. Vấn đề tham gia của luật sư, trợ giúp viên pháp lý, đại diện hợp pháp của đối tượng vi phạm trong trường hợp hành vi vi phạm của họ có thể bị áp dụng các hình thức chế tài nghiêm khắc, ảnh hưởng lớn đến quyền cơ bản của công dân

Đây là quy định mới được bổ sung vào Dự thảo Luật với mục đích chủ yếu nhằm tạo cơ chế bảo đảm sự công bằng, minh bạch, khách quan, bình đẳng trong quá trình tiến hành việc xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức vi phạm mà như đình chỉ hoạt động, tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề… hoặc quyền sở hữu nếu mức tiền phạt tối đa trên 50.000.000 đồng và trong quá trình xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Về vấn đề này ý kiến vẫn chưa thống nhất.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cần thiết quy định vấn đề này vào Dự thảo Luật và cũng chỉ nên hạn chế phạm vi áp dụng như Dự thảo Luật vì đây là những biện pháp xử phạt ảnh hưởng lớn đến quyền cơ bản của công dân, nếu mở rộng phạm vi đối với tất cả mọi trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đều có quyền mời luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc người đại diện hợp pháp tham gia giải trình là không có tính khả thi (số lượng luật sư, thực tiễn giải quyết vụ việc vi phạm của các cơ quan, người có thẩm quyền, tính đặc thù của một số hành vi vi phạm …).

Loại ý kiến thứ hai ủng hộ việc mở rộng phạm vi được mời luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc người đại diện hợp pháp trong tất cả mọi trường hợp xử phạt vi phạm hành chính. Loại ý kiến này cho rằng, việc Dự thảo Luật hạn chế phạm vi, điều kiện của vụ việc vi phạm hành chính có thể mời luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc người đại diện hợp pháp tham gia giải trình là không có căn cứ, luận chứng thuyết phục. Trên thực tế, theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo thì đối tượng vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính có quyền khiếu nại. Trong trường hợp này, họ có quyền mời luật sư để được giúp đỡ về mặt pháp lý.

Tác giả tán thành với loại ý kiến thứ hai vì người bị xử phạt vi phạm hành chính có quyền khiếu nại quyết định xử phạt và tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật khiếu nại, tố cáo 2005 đã quy định người khiếu nại có quyền: “Nhờ luật sư giúp đỡ về pháp luật trong quá trình khiếu nại”. Hơn nữa, theo tác giả, việc xây dựng luật cần ưu tiên phục vụ lợi ích của người dân, không nên vì lo ngại cơ quan nhà nước “quá nhiều việc” hoặc “quá nhiều đơn thư khiếu nại” mà hạn chế bớt quyền của người dân. Thực tế, nếu để luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc người đại diện hợp pháp tham gia giúp đỡ người khiếu nại thì sẽ giảm bớt các nội dung khiếu nại không có căn cứ pháp lý, nhận thức pháp lý của người dân sẽ được nâng lên do có các “chuyên gia” hướng dẫn, giúp đỡ. Do đó, theo tác giả, Ban sọan thảo cần xem xét loại bỏ chế định này khỏi dự thảo Luật.

5. Vấn đề quy định trách nhiệm, chỉ đạo, kiểm tra, báo cáo, thống kê về xử lý vi phạm hành chính 

Thực tế,  việc theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, vấn đề kiểm tra hoạt động xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính, công tác báo cáo, thống kê, xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính chưa được pháp luật về xử lý vi phạm hành chính quy định và cũng chưa có cơ quan nào được giao trách nhiệm quản lý công tác này. Mặc dù, vấn đề này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc xây dựng chính sách và hiệu quả thi hành pháp luật trên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Đặc biệt, đây cũng là một yếu tố để quyết định có tội hay không quy định trong 70 điều, khoản của Bộ Luật Hình sự. Trong dự thảo Luật thể hiện 02 phương án: (Phương án 1 là chỉ giao Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện công tác này; Phương án 2 là giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Tư pháp và Bộ Công an trong việc giúp Chính phủ thực hiện các quy định về xử lý hành chính). Theo tác giả, hoạt động xử lý vi phạm hành chính được thực hiện ở nhiều cấp, nhiều ngành, Bộ Công an chỉ chịu trách nhiệm xử lý vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực, do đó việc giao trách nhiệm cho Bộ nào thì phải căn cứ vào nhu cầu thực tiễn và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, ngành đó. Tại khoản 6, Điều 2 của Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp” đã quy định Bộ Tư pháp có nhiệm vụ và quyền hạn về thi hành pháp luật là:

a) Theo dõi chung tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước;

b) Hướng dẫn, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong  công tác theo dõi, đánh giá, báo cáo về tình hình thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành, địa phương.”.  Hơn nữa, qua tổng hợp ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương thì nhiều ý kiến cho rằng công tác này nên giao cho Bộ Tư pháp thì phù hợp hơn. Do đó, tác giả tán thành phương án 1.

6. Về thẩm quyền xử phạt và mức phạt

Luật về XLVPHC cần tăng thẩm quyền xử phạt hơn cho các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền xử phạt trong Pháp lệnh XLVPHC hiện hành. Rất nhiều ý kiến cho rằng thẩm quyền xử phạt của một số đối tượng hiện nay là còn hạn chế, kèm với đó là mức xử phạt pháp luật quy định đối với những hành vi nhất định là còn thấp. Do đó, để tăng tính hiệu lực, hiệu quả của việc phòng và chống vi phạm hành chính thì cần thiết phải trao thêm quyền cho người có thẩm quyền và nâng mức xử phạt lên tương xứng với tình hình. Ví dụ: hiện nay Pháp lệnh XLVPHC (sửa đổi) năm 2008 quy định Thanh tra viên chuyên ngành có thẩm quyền phạt tiền đến 500.000 đồng. Theo quan điểm cá nhân, mức phạt này vẫn là rất thấp, nhất là đặt trong tình hình kinh tế xã hội hiện nay, số tiền 500.000 đồng đã trở thành quá nhỏ bé. Do đó, mức phạt tiền tối đa này nên tăng ít nhất đến 2.000.000 đồng thì mới là hợp lý. Ở phạm vi rộng, Luật về XLVPHC nên có quy định mở theo hướng, các mức phạt tiền cần phải được điều chỉnh theo tốc độ phát triển của nền kinh tế thị trường, mức lạm phát của nền kinh tế….chứ không nên quy định cứng nhắc một mức phù hợp với tình hình hiện tại (ở thời điểm xây dựng Luật) nhưng sẽ tỏ ra lạc hậu, lỗi thời sau một thời gian áp dụng. Do đó, tác giả đề nghị mức phạt tiền tối thiểu là 50.000 đồng (thay cho mức 20.000 đồng) và mức phạt tiền tối đa là 5.000.000.000 đồng (thay cho mức phạt 1.000.000.000 đồng) để tăng tính răn đe và tính hiệu lực của quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trong trường hợp có sự biến động giá cả thị trường thì giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh mức phạt tiền tối thiểu hoặc tối đa.

Liên quan đến việc thành lập mới, hoặc chia tách, giải thể các cơ quan hành chính làm mất đi/ hoặc phát sinh các chức danh mới, cơ quan mới mà cũng có thẩm quyền xử lý VPHC, Luật về XLVPHC cũng nên cân nhắc để có quy định về việc chuyển giao, kế thừa thẩm quyền XLVPHC, thay vì việc phải sửa đổi cả Luật về việc quy định thẩm quyền cho các đối tượng này (như cách sửa đổi trong Pháp lệnh năm 2008).

Trên đây là một số vấn đề tham gia góp ý xây dựng dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính dể các bạn đọc cùng tham khảo và cho ý kiến đóng góp thêm nhằm hoàn thiện dự thảo Luật.

Hoàng Quốc Hùng - Thanh tra Bộ

Xem thêm »