Ở Việt Nam, hệ thống các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa (quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng) chiếm tỉ trọng tương đối lớn trong tổng số các DN. Theo thống kê mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước có 349.309 DN đăng ký kinh doanh với số vốn lên đến 1.389.000 tỷ đồng (tương đương 84,1 tỷ USD); trong số này, hơn 95% là các DN nhỏ và vừa.
Trong số các DN vừa và nhỏ, thành phần chủ yếu là các DN dân doanh (chiếm xấp xỉ 99%). Các DN này có quy mô vốn ít, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại, gia công, chế biến... có doanh số hoạt động kinh doanh rất lớn, nhưng lại chưa có đủ uy tín tín dụng để có thể huy động vốn trực tiếp từ thị trường hoặc được các DN lớn cấp tín dụng thương mại (bán hàng trả chậm, trả dần...). Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp thiết cho các DN vừa và nhỏ của Việt Nam phải tiếp cận vốn tín dụng từ các trung gian tài chính - tổ chức tín dụng, mà trực tiếp là các công ty cho thuê tài chính.
1. Quy định của pháp luật hiện hành và kết quả đăng ký hợp đồng cho thuê tài chính
1.1. Về đối tượng đăng ký
Theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 65/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2001/NĐ-CP ngày 02/5/2001 về tổ chức và hoạt động của công ty cho thuê tài chính thì “Mọi giao dịch cho thuê tài chính phải được đăng ký tại Trung tâm Đăng ký giao dịch bảo đảm. Bộ Tư pháp hướng dẫn chi tiết việc đăng ký và giá trị pháp lý của việc đăng ký giao dịch cho thuê tài chính”. Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư hướng dẫn trình tự, thủ tục đăng ký hợp đồng cho thuê tài chính theo các phương thức sau đây:
- Trong trường hợp hợp đồng cho thuê tài chính được đăng ký theo phương thức trực tiếp, bưu điện, fax, thư điện tử thì việc đăng ký được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 05/2011/TT-BTP ngày 16/02/2011.
- Trong trường hợp hợp đồng cho thuê tài chính được đăng ký theo trực tuyến thì việc đăng ký được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 22/2010/TT-BTP ngày 06/12/2010.
Theo hướng dẫn trong các văn bản nêu trên của Bộ Tư pháp thì đăng ký hợp đồng cho thuê tài chính bao gồm: đăng ký lần đầu, đăng ký thay đổi, xóa đăng ký hợp đồng cho thuê tài chính.
1.2. Về giá trị pháp lý của việc đăng ký
Việc đăng ký hợp đồng cho thuê tài chính không phải là điều kiện làm phát sinh hiệu lực của hợp đồng, mà chỉ làm phát sinh giá trị pháp lý đối với người thứ ba, từ đó xác lập quyền ưu tiên của bên cho thuê tài chính đối với các chủ thể khác có liên quan (ví dụ: chủ nợ bảo đảm). Do vậy, hợp đồng cho thuê tài chính có hiệu lực theo quy định Điều 405 Bộ luật Dân sự.
1.3. Về cơ quan có thẩm quyền đăng ký
Thẩm quyền của cơ quan đăng ký hợp đồng cho thuê tài chính được quy định tại Điều 4 Thông tư số 05/2011/TT-BTP, cụ thể là:
(i) Trung tâm Đăng ký có thẩm quyền đăng ký, cung cấp thông tin về hợp đồng cho thuê tài chính theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức trong phạm vi cả nước, không phân biệt thẩm quyền theo địa giới hành chính nơi Trung tâm Đăng ký đặt trụ sở;
(ii) Cá nhân, tổ chức có quyền lựa chọn một trong các Trung tâm Đăng ký thực hiện việc đăng ký, cung cấp thông tin về hợp đồng cho thuê tài chính;
(iii) Việc đăng ký và cung cấp thông tin về hợp đồng cho thuê tài chính tại các Trung tâm Đăng ký có giá trị pháp lý như nhau.
1.4. Về trình tự, thủ tục đăng ký hợp đồng cho thuê tài chính
Việc đăng ký hợp đồng cho thuê tài chính được thực hiện theo các bước sau đây:
- Bước 1: Người yêu cầu đăng ký nộp Đơn yêu cầu đăng ký
- Bước 2: Trung tâm Đăng ký kiểm tra tính hợp lệ của Đơn;
- Bước 3: Chứng nhận nội dung đăng ký và trả kết quả cho người yêu cầu đăng ký.
1.5. Về số lượng hợp đồng cho thuê tài chính đăng ký (Đơn vị tính: Trường hợp)
|
Trung tâm Đăng ký tại TP. Hà Nội |
Trung tâm Đăng ký tại TP. HCM |
Trung tâm Đăng ký tại TP. Đà Nẵng |
Năm 2009 |
741 |
1389 |
145 |
Năm 2010 |
648 |
1263 |
127 |
Từ 01/01/2011 đến 01/6/2011 |
168 |
78 |
53 |
Nhận xét: Số lượng hợp đồng cho thuê tài chính được đăng ký tại các Trung tâm Đăng ký ngày càng giảm mạnh, nhất là tại Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản tại TP. Hồ Chí Minh.
2. Vướng mắc trong các quy định của pháp luật liên quan đến đăng ký hợp đồng cho thuê tài chính nhằm bảo vệ quyền hợp pháp của bên cho thuê tài chính
2.1. Giữa các quy định của pháp luật vẫn chưa có sự thống nhất, đồng bộ
Theo quy định tại khoản 7 Điều 26 Nghị định số 16/2001/NĐ-CP thì bên thuê “không được dùng tài sản thuê để thế chấp, cầm cố hoặc để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ khác”. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ về giao dịch bảo đảm thì “trong trường hợp tài sản bảo đảm là tài sản thuê có thời hạn từ một năm trở lên của DN, cá nhân có đăng ký kinh doanh gồm máy móc, thiết bị hoặc động sản khác không thuộc diện phải đăng ký quyền sở hữu và hợp đồng thuê được đăng ký tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm có thẩm quyền trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày giao kết hợp đồng thuê thì bên cho thuê có thứ tự ưu tiên thanh toán cao nhất khi xử lý tài sản bảo đảm; nếu không đăng ký hoặc đăng ký sau thời hạn trên và sau thời điểm giao dịch bảo đảm đã đăng ký thì bên nhận bảo đảm được coi là bên nhận bảo đảm ngay tình và có thứ tự ưu tiên thanh toán cao nhất khi xử lý tài sản bảo đảm”. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP thì “tổ chức, cá nhân nhận bảo đảm bằng tài sản mua trả chậm, trả dần, tài sản thuê sau thời điểm đăng ký hợp đồng mua trả chậm, trả dần, hợp đồng thuê không được coi là bên nhận bảo đảm ngay tình”.
Về vấn đề này, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định “Quyền sở hữu đối với động sản không phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” (Điều 167) và “việc chuyển quyền sở hữu đối với động sản có hiệu lực kể to thời điểm động sản được chuyển giao trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” (Điều 168). Các quy định của Bộ luật Dân sự cho thấy, xét về nguyên lý thì việc chiếm hữu động sản là căn cứ chứng minh quyền sở hữu đối với động sản của người đang chiếm hữu (khác với bất động sản được xác định thông qua cơ chế đăng ký). Do đó, trong trường hợp người thứ ba xác lập giao dịch liên quan đến tài sản cho thuê tài chính một cách ngay tình thì cần phải được pháp luật bảo vệ. Quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP đã giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa chủ sở hữu tài sản cho thuê tài chính với người thứ ba ngay tình, đồng thời có cơ chế để thúc đẩy các bên khai thác tích cực giá trị kinh tế của tài sản cho thuê tài chính. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là quy định về vấn đề nêu trên trong Nghị định số 163/2006/NĐ-CP và Nghị định số 16/2001/NĐ-CP chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.
2.2. Chưa đảm bảo sự bình đẳng giữa các chủ thể (bao gồm cả Nhà nước) khi giải quyết những lợi ích liên quan đến tài sản thuê
Nghị định số 163/2006/NĐ-CP đã quy định về xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản thuê trong trường hợp tài sản bảo đảm là tài sản thuê (khoản 2 Điều 13 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP). Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp quyền, lợi ích của chủ sở hữu tài sản cho thuê tài chính vẫn chưa được bảo vệ thỏa đáng, chưa rõ ràng, ví dụ như: tài sản cho thuê tài chính bị áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc bị tịch thu do bên thuê tài chính vi phạm pháp luật hành chính, pháp luật hình sự hoặc khái niệm “bên thứ ba” có bao gồm cơ quan công quyền không, vì nếu xác định “bên thứ ba” bao gồm cả cơ quan công quyền thì thứ tự thanh toán giữa Nhà nước và các tổ chức, cá nhân phải được giải quyết trên cơ sở bình đẳng về mặt lợi ích.
Về vấn đề này, pháp luật một số nước trên thế giới mà chúng tôi có điều kiện tiếp cận đã quy định bên thứ ba được hiểu bao gồm cả cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, pháp luật cũng liệt kê cụ thể những lợi ích liên quan đến cơ quan nhà nước được ưu tiên thanh toán so với các chủ thể khác. Việc pháp luật quy định rõ ràng, chính xác và công bằng quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể (bao gồm cả Nhà nước) có ý nghĩa quan trọng nhằm đảm bảo tính an toàn pháp lý cho các giao dịch cho thuê tài chính.
2.3. Chưa có cơ chế thuận lợi để bên cho thuê thực thi tốt nhất quyền năng trên thực tế
Trong trường hợp bên thuê không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng thuê tài chính thì bên cho thuê phải có quyền thu hồi tài sản trong thời gian nhanh nhất, ít tốn kém nhất, nhưng vẫn phải bảo đảm nguyên tắc khách quan, trung thực, không xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan. Ngoài ra, cần nghiên cứu để có sự thay đổi về quan điểm lập pháp khi điều chỉnh hành vi của các bên ký kết hợp đồng cho thuê, đó là: áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn đối với những tranh chấp liên quan đến việc xử lý tài sản cho thuê tài chính; tăng cường cơ chế, biện pháp để bên cho thuê nhanh chóng tiếp cận và thu hồi tài sản hoặc chỉ cần xuất trình 02 chứng cứ là: (i) hợp đồng cho thuê tài chính hợp pháp và (ii) bên thuê vi phạm nghiêm trọng cam kết, thì bên cho thuê có quyền thu hồi tài sản thuê. Việc áp dụng quy trình tố tụng giản lược giúp thời gian thu hồi tài sản trên thực tế được rút ngắn hơn rất nhiều so với việc áp dụng các biện pháp xét xử khác.
2.4. Hậu quả pháp lý giữa trường hợp có đăng ký và trường hợp không đăng ký trong quá trình thu hồi tài sản thuê chưa rõ ràng, triệt để
Nghị định số 16/2001/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn có quy định về việc đăng ký hợp đồng cho thuê tài chính, nhưng chưa phân định cụ thể hậu quả pháp lý giữa trường hợp hợp đồng cho thuê tài chính có đăng ký với trường hợp hợp đồng cho thuê tài chính không đăng ký. Chúng tôi đồng tình quan điểm, hợp đồng cho thuê tài chính khi đã đăng ký theo quy định của pháp luật thì được Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản cho thuê tài chính. Quy định nêu trên vừa bảo đảm tính khách quan trong việc giải quyết quyền lợi ích hợp pháp giữa các chủ thể, vừa giúp các giao dịch cho thuê tài chính được ký kết, thực hiện minh bạch, công khai, từ đó có tác động tích cực đến thị trường vốn.
3. Kiến nghị
3.1. Rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về cho thuê tài chính, trong đó tập trung khắc phục những vướng mắc như: cơ chế bảo vệ chủ sở hữu tài sản thuê; việc giải quyết “xung đột” về lợi ích giữa bên cho thuê tài chính với người thứ ba ngay tình; hậu quả pháp lý của việc đăng ký và không đăng ký hợp đồng cho thuê tài chính.
3.2. Mở rộng phạm vi tài sản là đối tượng trong hợp đồng thuê tài chính, vì pháp luật hiện hành của Việt Nam mới chỉ quy định đối tượng cho thuê tài chính là máy móc, thiết bị và các động sản khác, mà chưa quy định đối tượng cho thuê tài chính là bất động sản. Điều này chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và nhu cầu của thị trường, do đó chúng ta cần nghiên cứu, điều chỉnh vấn đề nêu trên.
3.3. Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật cho công ty cho thuê tài chính và các chủ thể có liên quan, vì qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy, số lượng các trường hợp được đăng ký tại Trung tâm Đăng ký thời gian gần đây giảm mạnh. Thực tế đó một phần do chủ sở hữu tài sản thuê tài chính chưa nhận thức đúng giá trị pháp lý của việc đăng ký hợp đồng cho thuê tài chính, cũng như pháp luật chưa khẳng định một cách “quyết liệt và rõ ràng” sự khác biệt giữa hợp đồng cho thuê tài chính được đăng ký với hợp đồng cho thuê tài chính không đăng ký, đồng thời đấy cũng là hệ quả của công tác tuyên truyền chưa thực sự đạt được kết quả như mong muốn. Do vậy, trong thời gian tới, bên cạnh việc hoàn thiện pháp luật, chúng ta cần chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền để chủ sở hữu tài sản thuê nhận thức được những “rủi ro” pháp lý có thể phát sinh do hợp đồng cho thuê tài chính không được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3.4. Bảo vệ triệt để, tích cực quyền thu hồi tài sản của bên cho thuê trong trường hợp hợp đồng cho thuê tài chính đã được đăng ký theo quy định của pháp luật. Quy định về vấn đề này là cần thiết nhằm thúc đẩy các bên thực hiện nghĩa vụ đăng ký, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để giải quyết “xung đột” về lợi ích giữa các bên liên quan đến tài sản thuê. Nguyên tắc tiếp cận hợp pháp tài sản thuê trong trường hợp hợp đồng thuê tài chính đã được đăng ký cần được quy định cụ thể, rõ ràng hơn so với hiện nay.
Cùng với sự phát triển của thị trường vốn, nhu cầu thuê tài chính của các DN ở nước ta ngày càng tăng, do vậy việc hoàn thiện pháp luật về cho thuê tài chính nói chung và đăng ký hợp đồng cho thuê tài chính nói riêng cần được chú trọng nhằm mang lại những lợi ích thiết thực cho các chủ thể kinh doanh trong lĩnh vực cho thuê tài chính./.
Hồ Quang Huy