Nghị định về quản lý nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

11/12/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 09/12/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 206/2013/NĐ-CP về quản lý nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Theo Nghị định này, Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên (Chủ tịch công ty), Tổng giám đốc (Giám đốc) doanh nghiệp có trách nhiệm xử lý kịp thời các khoản nợ phải thu khó đòi, nợ không thu hồi được. Nếu không xử lý kịp thời các khoản nợ không thu hồi được theo quy định, để chủ sở hữu có văn bản nhắc trên 01 lần, căn cứ vào hậu quả của việc xử lý chậm ảnh hưởng đến tình hình tài chính, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thì chủ sở hữu quyết định hình thức kỷ luật theo quy định của pháp luật đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc; nếu không xử lý kịp thời dẫn đến thất thoát vốn của chủ sở hữu tại doanh nghiệp thì phải đền bù thiệt hại bằng tài sản cá nhân, chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu và trước pháp luật.

Doanh nghiệp được quyền bán các khoản nợ phải thu đã quá hạn thanh toán, nợ phải thu khó đòi, nợ phải thu không đòi được để thu hồi vốn trên nguyên tắc trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định. Doanh nghiệp chỉ được bán nợ cho các tổ chức kinh tế có chức năng kinh doanh mua bán nợ, không được bán nợ trực tiếp cho khách nợ.

Cũng theo Nghị định này, đối với các khoản nợ phải thu tồn đọng còn có khả năng thu hồi, doanh nghiệp phải tích cực đôn đốc và áp dụng mọi biện pháp để thu hồi. Đối với các khoản nợ phải thu quá hạn từ 06 tháng trở lên còn có khả năng thu hồi, doanh nghiệp phải lập dự phòng và hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp trong năm.

Doanh nghiệp thực hiện việc huy động vốn để đầu tư, sản xuất kinh doanh theo các quy định của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Việc huy động vốn của doanh nghiệp phải được tính toán, cân nhắc kỹ về hiệu quả kinh tế. Vốn huy động chỉ sử dụng, đầu tư vào mục đích kinh doanh được phê duyệt, trong đó phải tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính, không dùng vào mục đích khác, vốn huy động phải được quản lý chặt chẽ, kinh doanh có hiệu quả. Doanh nghiệp phải trả nợ gốc và lãi theo đúng cam kết khi huy động vốn.

Tổ chức, cá nhân bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn, mua trả chậm vật tư hàng hóa đã quá hạn thanh toán mà doanh nghiệp được bảo lãnh chưa trả được nợ thì tổ chức và cá nhân bảo lãnh phải trả nợ thay. Doanh nghiệp được trả nợ thay có trách nhiệm nhận nợ và trả nợ với tổ chức, cá nhân đã bảo lãnh cho mình theo quy định của pháp luật hiện hành.

Đối với doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi, trước khi thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp có trách nhiệm thanh toán dứt điểm khoản nợ đối với Bảo hiểm xã hội. Đối với các doanh nghiệp thực hiện bán và không kế thừa nợ: Được ưu tiên sử dụng tiền thu được khi thực hiện bán doanh nghiệp để thanh toán số nợ của doanh nghiệp đối với cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Doanh nghiệp có quyết định chuyển đổi, trước khi thực hiện chuyển đổi phải thanh toán dứt điểm khoản nợ đến hạn, quá hạn đối với chủ nợ là tổ chức, cá nhân trong và ngoài doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp có khó khăn chưa trả được nợ phải có văn bản cam kết trả nợ và được chủ nợ chấp thuận hoặc doanh nghiệp có nhu cầu huy động thêm vốn, cơ cấu lại nợ và được chủ nợ chấp thuận thì được chuyển thành cổ phần trong doanh nghiệp chuyển đổi nhưng phải đảm bảo các quy định của pháp luật về số cổ đông tối thiểu và quyền được mua cổ phần lần đầu trong các doanh nghiệp cổ phần hóa.

Doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ lớn kéo dài, đã được tổ chức lại sản xuất nhưng vẫn không có khả năng thanh toán các khoản nợ phải trả đến hạn thì chủ sở hữu có quyền quyết định bán doanh nghiệp hoặc tiến hành phá sản theo quy định của pháp luật. Trường hợp cần thiết phải tiếp tục duy trì hoạt động, doanh nghiệp phải xây dựng phương án trả nợ, xử lý nợ xấu, phương án kinh doanh hiệu quả được cơ quan có thẩm quyền hoặc chủ sở hữu phê duyệt. Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm phục hồi khả năng thanh toán nợ đến hạn và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; trường hợp vượt thẩm quyền phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2014 và thay thế Nghị định số 69/2002/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2002 của Chính phủ về quản lý và xử lý nợ tồn đọng đối với các doanh nghiệp nhà nước.

Xem thêm »