Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh TT. Huế: Những vấn đề còn vướng mắc

04/10/2011
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Thực hiện Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (gọi tắt là Nghị định số 66/2008/NĐ-CP) và Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2014 được ban hành kèm theo Quyết định số 585/QĐ-TTg ngày 05 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Chương trình 585), trong tháng 8/2011, Ban chỉ đạo Chương trình 585 – Bộ Tư pháp đã phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức khảo sát, tọa đàm đánh giá thực trạng tổ chức thực hiện Nghi định số 66/2008/NĐ-CP và nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp ở địa phương. Qua đợt khảo sát, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, các bên đã nêu lên nhiều vấn đề, nội dung hết sức thiết thực, có ý nghĩa đối với công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

1. Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các cơ quan nhà nước: bám sát chức năng, nhiệm vụ của ngành

Nghị định số 66/2008/NĐ-CP nêu rõ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, các cơ quan chuyên môn chủ động nắm bắt nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp và tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ theo quy định tại Nghị định này, cụ thể: xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động của doanh nghiệp; xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp; giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp; tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp và hoàn thiện pháp luật; xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Với quy định đó, từ năm 2008 đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Để triển khai thực hiện và thu hút sự quan tâm chú ý của các đối tượng liên quan, Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền về chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Sở Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng hệ thống 03 phần mềm: tiếp nhận thông tin và hỗ trợ pháp lý cho nhà đầu tư; phần mềm giám sát đầu tư; cơ sở dữ liệu địa lý doanh nghiệp và nhà đầu tư. Các phầm mềm này nhằm mục đích cung cấp thông tin dữ liệu về doanh nghiệp, nhà đầu tư, các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh cũng như hệ thống văn bản pháp lý phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư. Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh công bố và đăng tải đầy đủ các bộ thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực, trong đó bao gồm cả hoạt động liên quan đến doanh nghiệp; cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong thời gian gần đây, đồng thời thu thập văn bản được ban hành trong thời gian trước đó để dần hoàn thiện hệ thống.

Về biên soạn và phát hành các tài liệu, Sở Tư pháp với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, đã tổ chức biên soạn một số chuyên đề pháp luật liên quan đến doanh nghiệp, như: pháp luật về thương mại, pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội. Do số lượng tài liệu còn hạn chế nên chỉ mới đủ cấp phát cho Tủ sách pháp luật các cơ quan, đơn vị và một số đối tượng làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, chưa hỗ trợ một cách trực tiếp cho các doanh nghiệp.

Thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các ngành tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật về đăng ký kinh doanh, giải quyết tranh chấp thương mại cho 200 người là chủ doanh nghiệp, cán bộ làm công tác pháp chế các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đối với các văn bản pháp luật mới ban hành có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp như: Luật Thuế tài nguyên môi trường, Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật khoáng sản, đăng ký giao dịch bảo đảm…, Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh mời đại diện các doanh nghiệp có liên quan tham dự hội nghị triển khai được tổ chức hàng năm. Một số ngành đặc thù như: Thuế, Hải quan thường xuyên tổ chức các đợt giới thiệu văn bản pháp luật chuyên ngành mới, hướng dẫn nghiệp vụ; thiết lập tổ công tác chuyên về tuyên truyền, hỗ trợ, giải đáp pháp luật cho các doanh nghiệp. Sở Công thương với 16.945 doanh nghiệp và hộ kinh doanh hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực do ngành quản lý, đã tổ chức 17 đợt thông tin, tuyên truyền pháp luật chuyên ngành với sự tham dự của 1.389 lượt người. Đặc biệt trong đó, đã tổ chức các đợt hội thảo về cơ chế pháp lý trong việc khai báo giấy chứng nhận xuất xứ điện tử trên hệ thống eCosys, hướng dẫn sử dụng các C/O Form ưu đãi; hội thảo thực thi Luật Cạnh tranh, kinh nghiệm của Việt Nam và Hoa Kỳ.

Đối với nhiệm vụ giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp, tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp và hoàn thiện pháp luật, các ngành thực hiện thông qua bộ phận pháp chế của cơ quan, hoặc tổ công tác chuyên về hỗ trợ, giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp (thuế, hải quan), hình thức giải đáp chủ yếu bằng văn bản.

2. Những vấn đề còn vướng mắc:

            Qua đợt khảo sát, tọa đàm, các doanh nghiệp có điều kiện để hiểu rõ hơn về quyền được hỗ trợ pháp lý của mình, được cơ quan chức năng hướng dẫn một số vấn đề liên quan đến tra cứu văn bản pháp luật, những lợi ích khi sử dụng các dịch vụ pháp lý vào hoạt động của doanh nghiệp để tránh rủi ro… Bên cạnh đó, những vấn đề còn vướng mắc đã được hai bên nêu ra để trao đổi, thảo luận.  

Đối với doanh nghiệp, trong quá trình áp dụng pháp luật vào hoạt động kinh doanh còn gặp phải những khó khăn như:

- Tính minh bạch hóa thông tin chưa cao. Mặc dù ý thức việc hoạt động theo đúng quy định pháp luật là điều rất quan trọng nhưng để tiếp cận được hệ thống thông tin một cách đầy đủ, chính xác đối với doanh nghiệp không phải là điều dễ dàng, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thêm vào đó, tính ổn định của hệ thống văn bản pháp luật chưa cao. Hệ thống pháp luật nước ta ngoài luật, Nghị định, còn có Thông tư và thậm chí trong một số trường hợp còn có cả Công văn hướng dẫn thực hiện, văn bản dưới luật lại thường xuyên thay đổi. Đây thật sự là một “thách đố” đối với doanh nghiệp trong việc cập nhật đầy đủ, chính xác thông tin về pháp luật để áp dụng.

- Việc hiểu và áp dụng pháp luật trong một số trường hợp chưa thống nhất giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước, tạo nên những khó khăn nhất định đối với doanh nghiệp trong hoạt động.  

- Hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa phù hợp. Thực tế cho thấy nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp là rất lớn, và thời gian qua, các cơ quan nhà nước đã có nhiều hoạt động hỗ trợ nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu hoặc không thu hút được sự quan tâm của doanh nghiêp. Một trong các hình thức được bàn luận khá nhiều là vấn đề tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề. Mặc dù được xem là kênh khá tốt trong việc truyền tải thông tin một cách trực tiếp cho doanh nghiệp nhưng thực tế số lượng doanh nghiệp tham gia rất hạn chế hoặc tham gia một cách “chiếu lệ”. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do hình thức và nội dung pháp luật chưa thật sự thiết thực đối với doanh nghiệp.  

Bên cạnh những vướng mắc như trên thì một thực tế khá phổ biến là ý thức áp dụng pháp luật của doanh nghiệp còn những hạn chế, chưa hình thành thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý. Phần lớn các doanh nghiệp chỉ nhờ đến các dịch vụ này khi đã xảy ra các tranh chấp cần giải quyết.

Để công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực hiện một các toàn diện, đầy đủ, bên cạnh việc quy định các nghĩa vụ của cơ quan nhà nước, Nghị định 66/2008/NĐ-CP đồng thời quy định trách nhiệm của doanh nghiệp là phải chủ động tìm hiểu pháp luật, bố trí cán bộ phụ trách công tác pháp chế doanh nghiệp hoặc thuê luật sư tư vấn để giúp doanh nghiệp thực thi pháp luật. Nhưng xem ra, nhiều doanh nghiệp còn khá băn khoăn với điều này, phần lớn cho rằng trong hiện tại, đơn vị mình chưa có nhu cầu về cán bộ pháp chế.

Theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 66/2008/NĐ-CP thì doanh nghiệp có quyền yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh giải đáp pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Trường hợp việc giải đáp của cơ quan này chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp thì doanh nghiệp có quyền yêu cầu các Bộ có liên quan giải đáp. Quy định này khá thoáng và mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận và được hỗ trợ pháp lý từ phía các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, với tâm lý “ngại cơ quan công quyền” còn tồn tại khá lớn trong các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ thì thực tế, doanh nghiệp chưa phát huy được quyền này của mình.

Về cơ chế tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực tế triển khai còn gặp nhiều khó khăn, một phần do doanh nghiệp chưa chủ động đề xuất nội dung còn vướng mắc, cần hoàn thiện.

 3. Định hướng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Từ những vấn đề vướng mắc, hạn chế mà các bên nêu lên, là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền cũng như những người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp định hướng việc thực hiện đối với công tác này trong thời gian tới, ví dụ như: 

Một là, nâng cao ý thức, hình thành thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý của doanh nghiệp. Lựa chọn nội dung chuyên đề đưa vào chương trình bồi dưỡng cho các doanh nghiệp về mô hình tổ chức, hoạt động của pháp chế theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế; các dịch vụ pháp lý của luật sư theo Luật Luật sư năm 2006…

Hai là, thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn (theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, tỉnh Thừa Thiên Huế có các địa phương sau: huyện A Lưới, Nam Đông (địa bàn có điều kiện kinh tế - xã đặc biệt khó khăn); các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Lộc, Phú Vang (địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn).

Ba là, khẩn trương xây dựng và phát triển trang thông tin điện tử hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Dự án 1 của Chương trình 585, cập nhật đầy đủ các thông tin pháp lý liên quan đến doanh nghiệp.

Bốn là, xác định nội dung và hình thức hỗ trợ pháp lý phù hợp với yêu cầu và nguyện vọng của doanh nghiệp, như: lựa chọn báo cáo viên có chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu để giúp doanh nghiệp giải đáp vướng mắc pháp lý thuộc các lĩnh vực một cách trực tiếp, thiết thực tại các hội thảo, hội nghị; hội thảo tập trung chuyên sâu về một nội dung chủ đề mà nhiều doanh nghiệp có nhu cầu…

Về cơ chế, Nghị định số 66/2008/NĐ-CP quy định các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, các Bộ có trách nhiệm trả lời yêu cầu giải đáp pháp luật trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày doanh nghiệp cung cấp đủ thông tin có liên quan đến yêu cầu giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp. Trường hợp có nội dung phức tạp hoặc liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước của nhiều ngành, lĩnh vực thì thời hạn này là 30 ngày làm việc. Nếu không giải đáp pháp luật thì cơ quan được yêu cầu giải đáp phải nêu rõ lý do. Tuy nhiên, Nghị định chưa quy định chế tài như thế nào nếu các cơ quan có thẩm quyền không thực hiện theo quy định.

Nguyễn Thị Đào - Sở Tư pháp TT Huế

Xem thêm »