Người dân sẽ hưởng lợi từ việc trả phí giám định tư pháp theo thị trường!

12/10/2011
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Pháp lệnh Giám định tư pháp (GĐTP) được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 29/9/2004 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2005, đến nay đã trải qua hơn 6 năm thi hành. Trong thời gian đó đã đạt được nhiều kết quả tích cực song vẫn còn những tồn tại, bất cập đòi hỏi phải có giải pháp đổi mới để tăng cường hơn nữa hiệu quả của công tác GĐTP. Liên quan đến những nội dung trên đây, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Đỗ Hoàng Yến. Đánh giá về 6 năm triển khai Pháp lệnh, bà Yến cho biết:

Trong 6 năm qua, sự ra đời của Pháp lệnh GĐTP 2004 là một bước chuyển về mặt thể chế, tạo điều kiện cho hoạt động GĐTP phát triển. Hoạt động GĐTP đang dần đi theo hướng thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng, góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giảm, tránh oan sai. Qua đó, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, ổn định và phát triển kinh tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đồng thời, hoạt động GĐTP còn phục vụ đắc lực cho nhu cầu của xã hội về dịch vụ giám định ngoài hoạt động tố tụng.

* Xin bà điểm qua một số kết quả nổi bật của 6 năm thi hành Pháp lệnh?

- Điểm nổi bật đầu tiên là hệ thống tổ chức GĐTP bước đầu được tăng cường, củng cố, phát triển. Đến nay, đã thành lập Viện Pháp y Quốc gia, Viện Giám định Pháp y tâm thần Trung ương và khoảng 2/3 các Trung tâm Pháp y, Trung tâm Pháp y tâm thần ở địa phương, củng cố Viện Khoa học hình sự của Bộ Công an. Cùng với việc củng cố, kiện toàn này, chất lượng của công tác GĐTP cũng được nâng lên một bước, góp phần quan trọng vào việc giải quyết những vụ án một cách chính xác, khách quan, đúng pháp luật. Trong một số vụ án, GĐTP là chứng cứ duy nhất để buộc tội hoặc gỡ tội cho bị can, bị cáo…

Đặc biệt là, hoạt động GĐTP bước đầu được xã hội hóa theo hướng chỉ có lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự là hình thành tổ chức chuyên trách của Nhà nước. Còn các lĩnh vực khác được thực hiện xã hội hóa, tức là bất kỳ tổ chức cá nhân nào đủ năng lực thì đều có thể được cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu GĐTP. Qua 6 năm, một số lĩnh vực như xây dựng, tài chính – ngân hàng, văn hóa – thông tin…, đã có rất nhiều cơ quan, tổ chức ngoài Nhà nước được trưng cầu giám định và đưa ra kết quả giám định rất tốt.

Nghẽn trong tố tụng

* Người ta vẫn nhắc nhiều đến hạn chế của công tác GĐTP từ thiếu giám định viên, cơ sở vật chất lạc hậu đến tình trạng “ăn đong” về kinh phí… Theo bà, đâu là nguyên nhân của những bất cập trên?

- GĐTP vốn không phải là công việc đơn giản nên không tránh khỏi những khiếm khuyết. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng trước hết phải nói tới vấn đề nhận thức của các cơ quan, tổ chức về tầm quan trọng của công tác GĐTP. Do nhận thức chưa tốt, chưa đầy đủ nên không quan tâm, chăm lo phát triển cho hoạt động GĐTP thuộc lĩnh vực ngành mình quản lý. Hơn nữa, chính sách còn bất cập nên chưa khuyến khích, động viên được sự đầu tư xứng tầm cho hoạt động GĐTP. Và quan trọng là thể chế chưa hoàn thiện. Pháp lệnh được ban hành thời gian từ năm 2004 và đến nay rõ ràng cần có những bước tính toán lại, như mô hình tổ chức của cơ quan giám định chuyên trách trong Pháp lệnh có điểm chưa hợp lý, chưa phù hợp với cải cách tư pháp; việc xã hội hóa hoạt động giám định còn thiếu cơ chế, biện pháp; cơ chế quản lý nhà nước chưa rõ ràng, vai trò quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp còn mờ nhạt, thiếu quyết liệt trong khi các Bộ, ngành chủ quản và địa phương chưa làm hết trách nhiệm của mình trong phạm vi lĩnh vực phụ trách.

* Có thể coi những hạn chế trên của hoạt động GĐTP là “điểm nghẽn” trong tố tụng không, thưa bà?

- Lâu nay, người ta quen gọi những vướng mắc trong công tác GĐTP là “điểm nghẽn”. Đúng vậy, những điểm nghẽn này đã làm ách tắc hoạt động tố tụng. Ví dụ, tình trạng thiếu người thực hiện giám định chẳng hạn. Trong một vụ án tham nhũng như vụ Tượng đài chiến thắng Điện Biên mà không có kết luận giám định thì làm sao xác định được tượng ấy được làm hết bao nhiêu xi măng, sắt, thép… nhưng lại thiếu người hay tổ chức thực hiện. Thiếu vì nhiều lý do, nhất là bởi chi phí thấp, không phù hợp với thị trường, dẫn đến chả ai muốn bỏ việc của họ để đi làm giám định cả. Giám định không được thì đương nhiên vụ án bị ách lại, trở thành điểm nghẽn trong tố tụng.

Người dân được thỏa thuận chi phí GĐTP

* Vì vậy, nhiều ý kiến tán thành cần thiết phải ban hành Luật GĐTP. Theo bà, Luật GĐTP sẽ giải quyết những vướng mắc đó như thế nào và có những đổi mới gì so với Pháp lệnh?

- Báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Pháp lệnh cho thấy phải ban hành Luật GĐTP để tạo cơ sở pháp lý giải quyết những bất cập, nhất là về thể chế, cơ chế trong công tác GĐTP. Đương nhiên, Luật sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động giám định hiện nay, đưa ra những định hướng mới cho hoạt động GĐTP phù hợp với cải cách tư pháp, với trình độ phát triển kinh tế - xã hội và với tiến trình hội nhập quốc tế.

Bên cạnh những điểm rất mới như cho phép đương sự trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính được tự mình yêu cầu GĐTP; tăng cường và đẩy mạnh mức độ xã hội hóa hoạt động GĐTP, thể hiện ở chỗ cho phép thành lập tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập dưới hình thức là Văn phòng GĐTP, Dự án Luật được xây dựng theo hướng tạo cơ chế để tăng cường sự tham gia của các tổ chức chuyên môn thực hiện GĐTP, nhất là trong những lĩnh vực không có tổ chức GĐTP chuyên trách.

Ngoài ra, có một số điểm mới liên quan đến vấn đề quản lý nhà nước về GĐTP, khắc phục tình trạng không rõ ràng hiện nay, làm rõ cơ chế phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các Bộ, ngành. Theo đó, đề cao trách nhiệm của Bộ, ngành chủ quản và làm rõ vai trò của Bộ Tư pháp. Cụ thể, Luật vẫn khẳng định Bộ Tư pháp là đầu mối trong công tác quản lý nhà nước trước Chính phủ, bổ sung một số quyền năng cho Bộ Tư pháp như đôn đốc, yêu cầu các Bộ, ngành thực hiện các giải pháp, biện pháp thúc đẩy hoạt động GĐTP trong lĩnh vực quản lý của mình; thanh tra, kiểm tra hoạt động quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, các cơ quan trong hoạt động GĐTP.

* Một nội dung nữa cũng rất được người dân quan tâm là phí GĐTP sẽ đổi mới như thế nào, thưa bà?

- Phí GĐTP quả thực cũng nhiều vấn đề. Hiện nay, tất cả việc GĐTP đều do cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu, nghĩa là Nhà nước trả nhưng không có ngân sách riêng mà giao cho cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó, việc trưng cầu vẫn tập trung vào trưng cầu cơ quan Nhà nước vì trưng cầu ngoài thường bị từ chối vì không đáp ứng về kinh phí. Chẳng hạn vụ tham nhũng tại Công ty Cho thuê tài chính Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mấy chục hợp đồng cho thuê tài chính mà trả có 15 triệu thì ai làm, đành quay sang trưng cầu Bộ Tài chính, cuối cùng “nhà nước lại đi làm cho nhà nước”.

Vì vậy, Dự án Luật GĐTP quy định cơ chế phí sẽ tuân thủ nguyên tắc quy luật thị trường, có kiểm soát của Nhà nước. Nhà nước sẽ ban hành khung phí cộng với chi phí hợp lý khác trong thực tế. Hy vọng, lúc ấy sẽ gỡ được ách tắc.

* Còn trường hợp người dân tự yêu cầu GĐTP thì sao, liệu có thiệt thòi gì nếu người dân phải trả nhiều hơn so với khi được người tiến hành tố tụng trưng cầu?

- Trong trường hợp này, đương nhiên người dân sẽ tuân thủ khung phí chung của Nhà nước và chi phí hợp lý khác thì phải thỏa thuận với tổ chức GĐTP. Cũng có thể coi là việc tự thỏa thuận sẽ mất nhiều tiền hơn so với vụ việc do Thẩm phán trưng cầu nhưng rõ ràng người dân được hưởng dịch vụ tốt hơn. Thậm chí, ở một khía cạnh nào đó, người dân còn được hưởng lợi nhiều hơn từ cơ chế trên. Họ có thể phải bỏ một đồng song lại có được chứng cứ chứng minh, bảo vệ mình và như vậy không thấm tháp gì với thiệt hại xảy ra nếu họ không yêu cầu GĐTP.

* Xin cảm ơn bà!

Cẩm Vân

Xem thêm »