Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số
63/2014/NĐ-CP ngày 26/6 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 1 của Luật Đấu thầu.
Việc lựa chọn nhà thầu trong lĩnh vực dầu khi quy định tại Khoản 4 Điều 1 của Luật Đấu thầu áp dụng đối với dự án đầu tư phát triển quy định tại các Điểm a,b, và c Khoản 1 Điều 1 của Luật Đấu thầu, trừ việc lựa chọn nhà thầu liên quan trực tiếp đến hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí.
Về nguyên tắc ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, Nghị định quy định như sau: Trường hợp sau khi tính ưu đãi, nếu các hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất xếp hạng ngang nhau thì ưu tiên cho nhà thầu có đề xuất chi phí trong nước cao hơn hoặc sử dụng nhiều lao động địa phương hơn (tính trên giá trị tiền lương, tiền công chi trả); Trường hợp nhà thầu tham dự thuộc đối tượng được hưởng nhiều hơn một loại ưu đãi thì khi tính ưu đãi chỉ được hưởng một loại ưu đãi cao nhất theo quy định của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; Đối với gói thầu hỗn hợp, việc tính ưu đãi căn cứ trên tất cả các đề xuất của nhà thầu trong các phần công việc tư vấn, cung cấp hàng hóa, xây lắp. Nhà thầu được hưởng ưu đãi khi có đề xuất chi phí trong nước (chi phí tư vấn, hàng hóa, xây lắp) từ 25% trở lên giá trị công việc của gói thầu.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trong việc đăng tải thông tin về đấu thầu; Thông tin hợp lệ theo quy định được tăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, trên Báo đấu thầu. Khi phát hiện những thông tin không hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm thông báo trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo đấu thầu để các đơn vị cung cấp thông tin biết, chính sửa hoàn thiện để được đăng tải.
Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu, chủ đầu tư quyết định mức giá bán một bộ hồ sơ mời thầu, hồ sơ yeu cầu (bao gồm cả thuế) đối với đấu thầu trong nước nhưng tối đa là 2.000.000 đồng đối với hồ sơ mời thầu và 1.000.000 đồng đới với hồ sơ yêu cầu; đối với đấu thầu quốc tế, mức giá bán theo thông lệ đấu thầu quốc tế.
Việc đánh giá hồ sơ dự thầu phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và các yêu cầu khác trong hồ sơ mời thầu, căn cứ vào hồ sơ dự thầu đã nộp, các tài liệu giải thích, làm rõ hồ sơ dự thầu của nhà thầu để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu. Việc đánh giá được thực hiện trên bản chụp, nhà thầu phải chịu trách nhiệm về tính thống nhất giữa bản gốc và bản chụp. Trường hợp có sự sai khác giữa bản gốc và bản chụp nhưng không làm thay đổi thứ tự xếp hạng nhà thầu thì căn cứ vào bản gốc để đánh giá. Trường hợp có sự sai khác giữa bản gốc và bản chụp dẫn đến kết quả đánh giá trên bản gốc khác kết quả đánh giá trên bản chụp, làm thay đổi thứ tự xếp hạng nhà thầu thì hồ sơ dự thầu của nhà thầu bị loại.
Về nguyên tắc chung của hợp đồng: Hợp đồng được ký kết giữa các bên là hợp đồng dân sự; được thỏa thuận bằng văn bản để xác lập trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện toàn bộ phạm vi công việc thuộc hợp đồng. Hợp đồng đã được các bên ký kết, có hiệu lực và phù hợp với quy định của pháp luật là văn bản pháp lý ràng buộc trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng. Nội dung của hợp đồng phải được lập theo mẫu quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, đồng thời phù hợp với kết quả thương thảo hợp đồng, kết quả lựa chọn nhà thầu trên cơ sở yêu cầu của gói thầu và hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Trước khi ký kết hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận việc sử dụng trọng tài để giải quyết các tranh chấp xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng. Nội dung liên quan đến việc sử dụng trọng tài phải được quy định cụ thể trong hợp đồng.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2014.