Tranh chấp dân sự phát sinh trước ngày 1/1/2005: Hàng ngàn người có thể mất trắng tài sản!

17/11/2006
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Theo pháp luật dân sự, đối với những giao dịch dân sự có phát sinh tranh chấp trước ngày 1/1/2005 thì thời hiệu khởi kiện chỉ trong vòng 2 năm. Đến nay là giữa tháng 11/2006, tức là thời gian mà pháp luật cho phép đương sự khởi kiện chỉ còn lại khoảng 1 tháng rưỡi.

Thế nhưng, hiện nhiều người vẫn không hề hay biết rằng họ đang đối diện với nguy cơ thiệt hại tài sản nếu không có phương án giải quyết kịp thời...

Giữa năm 2003, bà Lê Thị H. (ngụ tại quận Bình Tân, TP.HCM) có cho một người bạn là bà Trần Thị Phương N. vay 300 triệu đồng trong thời hạn 1 năm để bà N. kinh doanh. Khi đến hạn trả nợ, bà N. không có tiền thanh toán nên hai bên đã thỏa thuận gia hạn hợp đồng thêm vài tháng. Đến hạn, bà N. vẫn không có tiền trả nhưng một phần vì không am tường pháp luật, một phần vì nể bạn bè nên bà H. cứ để vụ việc "cù cưa". Cách đây vài hôm, bà H. đến một văn phòng luật sư nhờ tư vấn và hết sức bất ngờ khi nghe vị luật sư cho biết chỉ còn vài chục ngày nữa, số tiền của bà H. có nguy cơ thất thoát. Biện pháp khẩn cấp lúc này là tiến hành đưa vụ việc ra tòa.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Bùi Quang Nghiêm - Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, do trước đây Bộ luật Dân sự không quy định thời hiệu khởi kiện để giải quyết tranh chấp, vì vậy tại Nghị quyết 32/2004/QH11 ngày 15/6/2004 (về việc thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự 2004) có quy định, các tranh chấp về dân sự, hôn nhân - gia đình, kinh tế, lao động phát sinh trước ngày Bộ luật Tố tụng dân sự có hiệu lực (tức ngày 1/1/2005) mà các văn bản pháp luật trước đây không quy định thời hiệu khởi kiện thì áp dụng điều 159 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Tức là thời hiệu khởi kiện là 2 năm. Nói một cách đơn giản hơn là tất cả các tranh chấp về dân sự, hôn nhân - gia đình, kinh tế, lao động phát sinh trước ngày 1/1/2005 thì thời hiệu để khởi kiện chỉ còn lại khoảng 1 tháng rưỡi.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm cho rằng, các giao dịch dễ rơi vào trường hợp này là quan hệ vay tiền, vàng trong dân. Một trường hợp phổ biến ở các giao dịch này là mặc dù đã hết hạn hợp đồng nhưng các bên lại gia hạn với nhau nhiều lần. Chính vì vậy, thời điểm được tòa xác định là "xảy ra tranh chấp" là đã xảy ra rất lâu. Cho đến khi cần tòa giải quyết tranh chấp thì tranh chấp này không còn thời hiệu để khởi kiện. "Chính vì thế các đương sự càng nên quan tâm đến thời hiệu phát sinh các tranh chấp của các giao dịch" - luật sư Bùi Quang Nghiêm nói. Cũng theo luật sư Bùi Quang Nghiêm, số người rơi vào trường hợp chuẩn bị "cháy" thời hiệu sẽ rất nhiều, có thể lên đến hàng ngàn trường hợp.

Trao đổi với PV Thanh Niên về vấn đề này, thẩm phán Hà Thúy Yến, Phó chánh án TAND TP.HCM phụ trách về án dân sự cho biết, những giao dịch dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án (cho vay, mượn, thuê...) nếu đã hết thời hiệu mà đương sự mới khởi kiện thì tòa cũng "chịu thua" bởi khi đó đương sự đã mất quyền khởi kiện. Những giao dịch này sẽ  không được xem xét giải quyết (TAND là cơ quan duy nhất xét xử các tranh chấp này - PV). Khi đó, các bên chỉ có thể thương lượng với nhau mà thôi. Tuy nhiên, khi các đương sự đã đưa nhau ra tòa thì rất khó tính đến phương án họ sẽ thương lượng với nhau. Và nếu như người vay mượn tài sản cố tình không trả thì coi như người có tài sản cho vay, thuê đành phải chịu thiệt. Theo quy định, nếu đã hết thời hiệu mà đương sự gửi đơn khởi kiện thì tòa sẽ trả lại đơn kiện. Còn nếu do nhầm lẫn mà cán bộ tòa đã nhận thụ lý hồ sơ, nay phát hiện vụ việc không còn thời hiệu nữa thì tòa cũng sẽ ra quyết định đình chỉ vụ án theo quy định chung. "Đây là quyền của các bên đương sự nhưng họ không biết tận dụng thì phải chịu", bà Yến nói.  

(Theo Thanh niên)

 

 

Xem thêm »