Nghị định này quy định về thành lập, tổ chức lại, chấm dứt hoạt động dưới hình thức tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước; tổ chức, hoạt động, quản lý, điều hành trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty; quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Theo đó, tập đoàn kinh tế, tổng công ty có không quá ba cấp doanh nghiệp và cơ cấu như sau: Công ty mẹ (gọi tắt là doanh nghiệp cấp I) là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc giữ quyền chi phối; Công ty con của doanh nghiệp cấp I (gọi tắt là doanh nghiệp cấp II) là doanh nghiệp do công ty mẹ nắm quyền chi phối; Công ty con của doanh nghiệp cấp II (gọi tắt là doanh nghiệp cấp III) là doanh nghiệp do doanh nghiệp cấp II nắm quyền chi phối; Công ty liên kết là công ty có cổ phần, vốn góp dưới mức chi phối của công ty mẹ và công ty con.
Nghị định quy định tập đoàn kinh tế dự kiến được thành lập phải đáp ứng các điều kiện sau:
Tập đoàn kinh tế dự kiến được thành lập phải có ngành, lĩnh vực kinh doanh chính thuộc ngành, lĩnh vực sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ đặc biệt quan trọng trong đảm bảo an ninh quốc gia về kinh tế; tạo nền tảng về hạ tầng kinh tế quốc gia, tạo động lực nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.
Công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế phải có vốn điều lệ không thấp hơn 10.000 tỷ đồng. Trường hợp công ty mẹ được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thì phần vốn nhà nước phải chiếm tối thiểu 75% vốn điều lệ của công ty mẹ.
Tập đoàn kinh tế phải có tối thiểu 50% số công ty con hoạt động trong những khâu, công đoạn then chốt trong ngành, lĩnh vực kinh doanh chính và tổng giá trị cổ phần, phần vốn góp của công ty mẹ tại các công ty con này tối thiểu bằng 60% tổng nguồn vốn đầu tư của công ty mẹ tại các công ty con, công ty liên kết.
Điều kiện để tổng công ty dự kiến thành lập mới cũng được quy định cụ thể tại Nghị định như sau:
Tổng công ty dự kiến thành lập phải có ngành, lĩnh vực kinh doanh chính thuộc một trong những ngành, lĩnh vực sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ quan trọng tạo nền tảng cho phát triển ngành hoặc vùng lãnh thổ; tạo động lực nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và ngành hoặc vùng lãnh thổ.
Công ty mẹ trong tổng công ty phải có vốn điều lệ không thấp hơn 1.800 tỷ đồng. Đối với công ty mẹ được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thì phần vốn nhà nước phải chiếm ít nhất 65% vốn điều lệ của công ty mẹ.
Tổng công ty phải có tối thiểu 50% số công ty con hoạt động trong những khâu, công đoạn then chốt trong ngành, lĩnh vực kinh doanh chính và tổng giá trị cổ phần, phần vốn góp của công ty mẹ tại các công ty con này tối thiểu bằng 60% tổng nguồn vốn đầu tư của công ty mẹ tại các công ty con, công ty liên kết.
Việc quản lý, điều hành tập đoàn kinh tế, tổng công ty thực hiện theo một hoặc một số phương thức như: Quản lý, điều hành thông qua công ty mẹ; Quản lý, điều hành thông qua các hình thức đầu tư, liên kết; thỏa thuận, hợp tác sử dụng dịch vụ chung trong toàn tập đoàn kinh tế, tổng công ty; thực hiện các quy chế, tiêu chuẩn, định mức chung trong toàn tập đoàn kinh tế, tổng công ty không trái với quy định pháp luật; sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau theo nguyên tắc thị trường và Phương thức khác theo quy định của pháp luật và phù hợp với Điều lệ của các doanh nghiệp thành viên.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2014 và thay thế Nghị định số 101/2009/NĐ-CP ngày 05/11/2009 của Chính phủ thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế nhà nước; Nghị định số 111/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ về tổ chức, quản lý tổng công ty nhà nước và chuyển đổi tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập, công ty mẹ là công ty nhà nước theo hình thức công ty mẹ - công ty con hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.