Mục đích, ý nghĩa việc đánh giá tác động của văn bản quy phạm pháp luật

09/05/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Mục đích, ý nghĩa

Văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) nhất là văn bản luật, có vai trò, tác dụng vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội, thường được ban hành và sử dụng trong một thời gian khá dài nên khi ban hành cần tiến hành đánh giá tác động của nó thật khoa học và chính xác. Việc đánh giá tác động của VBQPPL thường được tiến hành trong hai trường hợp: đánh giá khả năng tác động của dự thảo VBQPPL còn gọi là RIA (đánh giá có tính chất dự báo về khả năng tác động của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật) và đánh giá hiệu quả của VBQPPL (đánh giá kết quả tác động thực tế của VBQPPL trong đời sống xã hội). Đánh giá khả năng tác động của dự thảo VBQPPL nhằm dự báo những tác động tích cực, tiêu cực của dự thảo văn bản để chọn thời điểm thích hợp cho việc ban hành VBQPPL và có những biện pháp khắc phục chúng trước hoặc sau khi ban hành. Đồng thời, đánh giá khả năng tác động của dự thảo văn bản còn là cơ sở để so sánh, đánh giá hiệu quả của VBQPPL sau khoảng thời gian thi hành nhất định. Việc đánh giá hiệu quả của VBQPPL trong quá trình điều chỉnh các quan hệ xã hội có tác dụng nắm bắt được những gì đang thực sự diễn ra trong thực tế để hoàn thiện VBQPPL nói riêng, hệ thống pháp luật nói chung trong tương lai.

Việc đánh giá khả năng tác động của dự thảo VBQPPL và đánh giá hiệu quả của VBQPPL (gọi chung là đánh giá tác động của văn bản quy phạm pháp luật) cần phải được tiến hành theo những tiêu chí nhất định với cùng một đại lượng đo và trong cùng một phạm vi xác định. Mỗi loại đánh giá có thể được tiến hành bởi các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nhau với những tiêu chí khác nhau; song bên cạnh đó, chúng cũng có nhiều tiêu chí giống nhau trong việc đánh giá. Tuy nhiên, mỗi loại đánh giá cần chú trọng đến một số tiêu chí chủ yếu nhất định, chẳng hạn, đối với RIA thì cần chú trọng các tiêu chí cơ bản như: chất lượng của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; mục đích, yêu cầu, phương hướng của văn bản (những kết quả dự kiến đạt được, kể cả những tác động không tốt có thể có); chi phí dự kiến cho việc đạt được kết quả…, còn đối với việc đánh giá hiệu quả của VBQPPL lại phải chú ý nhiều đến các tiêu chí như: kết quả tác động của văn bản trên thực tế (kể cả tích cực và tiêu cực nếu có); chi phí thực tế cho việc đạt được kết quả…

Phạm vi đánh giá

Việc đánh giá tác động của VBQPPL cần được thực hiện trong những phạm vi nhất định:

Trước tiên là ở phạm vi lãnh thổ. Việc phân chia thành các đơn vị lãnh thổ để đánh giá tác động của VBQPPL phụ thuộc vào đặc điểm về dân cư, địa lý, các điều kiện khác có ảnh hưởng đến ý thức pháp luật và việc thực hiện pháp luật ở các địa bàn đó. Ngoài ra, việc xác định phạm vi lãnh thổ để đánh giá tác động của VBQPPL còn phải căn cứ vào giới hạn hiệu lực về không gian của văn bản pháp luật. Không thể đánh giá tác động của VBQPPL ở những vùng lãnh thổ mà nó không có hiệu lực. Tác động của VBQPPL được đánh giá theo nhiều phạm vi không gian: trên phạm vi cả nước; trên địa bàn mỗi địa phương (tỉnh, thành phố, huyện, xã...) hay cũng có thể là ở mỗi vùng, khu vực lãnh thổ (như ở các tỉnh đồng bằng, ở các tỉnh miền núi, các hải đảo...).

 Tiếp đó, việc đánh giá phải tiến hành trong khoảng thời gian nhất định. Khoảng thời gian này được giới hạn bằng những thời điểm phát triển có tính chất bước ngoặt trong đời sống chính trị - xã hội hoặc trong hệ thống pháp luật của đất nước. Khi đánh giá tác động của VBQPPL trong các giai đoạn nói trên cần chú ý tới những điều kiện lịch sử về kinh tế, chính trị - xã hội... trong và ngoài nước cũng như mục đích, vai trò đặt ra cho VBQPPL trong giai đoạn lịch sử đó.

VBQPPL gồm rất nhiều quy phạm pháp luật khác nhau nên việc đánh giá tác động của văn bản có thể được thực hiện đối với từng quy phạm, từng nhóm quy phạm hay toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, có thể đánh giá tác động của VBQPPL theo từng khía cạnh (nhân văn, nghiêm khắc...), từng phương diện nhất định (kinh tế, chính trị, xã hội...) hoặc đánh giá một cách tổng thể.

KN

Xem thêm »