Ngày 10/9, Chính phủ đã ban hành
Nghị định số 85/2014/NĐ-CP quy định mẫu huân chương, huy chương, huy hiệu, kỷ niệm chương; mẫu bằng, khung, hộp, cờ của các hình thức khen thưởng và danh hiệu thi đua; quản lý, cấp phát, cấp đổi, cấp lại, thu hồi hiện vật khen thưởng.
Theo đó, huân chương theo Điều 33 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003 có 10 loại, trong đó 05 loại không chia hạng và 05 loại có chia hạng. Loại có chia hạng được chia làm ba hạng và được phân biệt bằng số sao gắn trên cuống, trên dải huân chương (hạng Nhất ba sao, hạng Nhì hai sao, hạng Ba một sao). Kết cấu của huân chương gồm 3 phần: Cuống huân chương, dải huân chương và thân huân chương.
Huy chương theo Điều 53 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003 có 04 loại, trong đó 01 loại có chia hạng và 03 loại không chia hạng. Loại có chia hạng được chia làm ba hạng và được phân biệt bằng số vạch trên dải huy chương (hạng Nhất ba vạch, hạng Nhì hai vạch, hạng Ba một vạch). Kết cấu của huy chương gồm có 2 phần: Dải huy chương và thân huy chương.
Huy hiệu danh hiệu vinh dự nhà nước, huy hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, huy hiệu chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có kết cấu chia làm 2 phần: Cuống huy hiệu và thân huy hiệu. Mẫu huy hiệu chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cho phù hợp, mang nội dung ý nghĩa của từng lĩnh vực, ngành nghề, địa phương; kích thước nhỏ hơn kích thước của huy hiệu danh hiệu vinh dự nhà nước và được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng ở trung ương trước khi ban hành.
Khung được cấp cùng với bằng của các hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua và được quy định như sau: Mẫu khung bằng của các hình thức khen thưởng và danh hiệu thi đua thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ có kích thước, chất liệu đảm bảo đẹp, trang trọng phù hợp với kích thước của bằng, hình thức khen thưởng; Khung bằng của các hình thức khen thưởng và danh hiệu thi đua khác do cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định khen thưởng quy định kích thước, chất liệu đảm bảo đẹp, trang trọng phù hợp với từng hình thức khen thưởng.
Cơ quan quản lý nhà nước về thi đua khen thưởng ở Trung ương có trách nhiệm mua sắm, bảo quản và cấp phát hiện vật khen thưởng cấp nhà nước cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ban, ngành, đoàn thể ở trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có các tập thể, cá nhân được khen thưởng.
Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức trao tặng các hình thức khen thưởng và danh hiệu thi đua của Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ kèm theo hiện vật khen thưởng cho tập thể, cá nhân được khen thưởng.
Đối với các hình thức khen thưởng và danh hiệu thi đua khác do cơ quan có thẩm quyền quyết định khen thưởng tổ chức mua sắm, bảo quản, trao tặng và cấp phát hiện vật khen thưởng.
Các tập thể, cá nhân được tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng có quyền lưu giữ, trưng bày, bảo quản và sử dụng hiện vật khen thưởng lâu dài, đúng mục đích và ý nghĩa. Tập thể được sử dụng biểu tượng của các hiện vật khen thưởng đã được tặng thưởng để tuyên truyền trên các văn bản, tài liệu chính thức của tập thể.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2014 và thay thế Nghị định số 50/2006/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ quy định mẫu huân chương, huy chương, huy hiệu, bằng huân chương, bằng huy chương, cờ thi đua, bằng khen, giấy khen và các văn bản trái với quy định của Nghị định này.
Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành các hiện vật khen thưởng theo quy định tại Nghị định 50/2006/NĐ-CP vẫn tiếp tục được phát kèm theo các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng đến khi hết số lượng.