Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư số 59/2014/TT-BGTVT ngày 27 tháng 10 năm 2014 quy định kiểm định chất lượng kết cấu hạ tầng bến cảng vùng nước cảng biển.
Theo đó, nguyên tắc thực hiện kiểm định chất lượng kết cấu hạ tầng bến cảng được quy định như sau:
- Kiểm định chất lượng kết cấu hạ tầng bến cảng là việc đánh giá chất lượng, khả năng khai thác bình thường của kết cấu hạ tầng bến cảng, bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong quá trình khai thác kết cấu hạ tầng bến cảng. Kiểm định chất lượng kết cấu hạ tầng bến cảng bao gồm kiểm định định kỳ và kiểm định đột xuất;
- Kiểm định định kỳ chất lượng kết cấu hạ tầng bến cảng thực hiện theo chu kỳ 05 năm một lần theo quy định tại Điểm c, Khoản 2 Điều 29 của Nghị định số 21/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải, chu kỳ thực hiện kiểm định định kỳ được tính từ ngày bến cảng được công bố đưa vào sử dụng;
- Kiểm định đột xuất chất lượng kết cấu hạ tầng bến cảng được thực hiện trong các trường hợp như: sau khi bị sự cố theo quy định tại Khoản 4, Điều 2 Thông tư này; Khi công trình hết tuổi thọ thiết kế hoặc phải xác định tuổi thọ còn lại của công trình; Khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
- Chủ đầu tư xây dựng bến cảng hoặc tổ chức quản lý khai thác bến cảng có nghĩa vụ thực hiện kiểm định chất lượng bến cảng;
- Tổ chức khai thác bến cảng tự thực hiện việc kiểm định chất lượng cầu cảng hoặc lựa chọn tổ chức tư vấn kiểm định đủ năng lực theo quy định của pháp luật và quy định của Thông tư này. Trường hợp, tự thực hiện kiểm định, tổ chức khai thác bến cảng phải có đủ năng lực hành nghề tư vấn kiểm định theo quy định của pháp luật và quy định của Thông tư này.
Đối với cầu cảng đang hoạt động khai thác bình thường chỉ thu thập, đánh giá số liệu về điều kiện tự nhiên, khai thác sử dụng cầu cảng bằng trực quan thông qua đo đạc kích thước hình học, chụp ảnh hiện trạng; so sánh, đánh giá hiện trạng với hồ sơ hoàn công, hồ sơ thiết kế công trình để kết luận khả năng khai thác cầu cảng; không bắt buộc phải tính toán kiểm toán. Trường hợp cầu cảng có sự cố hoặc không bảo đảm chất lượng công trình thì phải thực hiện như đối với công tác kiểm định định kỳ từ chu kỳ lần thứ 2 trở đi quy định như sau: Công tác kiểm định định kỳ từ chu kỳ lần thứ 2 trở đi bao gồm: thu thập số liệu điều kiện tự nhiên, khai thác sử dụng và hiện trạng khai thác cầu cảng; đánh giá khả năng chịu tải của kết cấu cầu cảng hiện hữu, điều kiện ổn định của toàn bộ công trình với tải trọng và điều kiện khai thác quy định trong thiết kế ban đầu hoặc trong lý lịch khai thác cầu cảng gần nhất; đánh giá, đề xuất khả năng, quy mô khai thác cầu cảng đối với trường hợp không thỏa mãn điều kiện khai thác ban đầu; xác định nguyên nhân gây hư hỏng, xâm thực kết cấu công trình, từ đó đề xuất hướng cải tạo, sửa chữa, điều kiện khai thác của cầu cảng.
Thông tư cũng quy định, tổ chức tư vấn kiểm định phải có năng lực theo quy định của Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 2 năm 2013 của Chính phủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng; Thông tư số 03/2011/TT-BXD ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn hoạt động kiểm định, giám định và chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực, chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng và quy định có liên quan của pháp luật.
Phương pháp, tiêu chuẩn khảo sát, thí nghiệm, tính toán kiểm định do tư vấn kiểm định đề xuất và tổ chức khai thác cầu cảng phê duyệt phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các quy định của pháp luật có liên quan.
Trước khi tiến hành kiểm định cầu cảng, tổ chức tư vấn kiểm định phải thực hiện các công việc Khảo sát, lập đề cương kiểm định, trình tổ chức khai thác cầu cảng phê duyệt; Thu thập tài liệu phục vụ kiểm định (bao gồm: hồ sơ về các số liệu điều kiện tự nhiên, địa hình, địa chất; Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, hồ sơ hoàn công công trình cầu cảng. Trường hợp không còn Hồ sơ phải khảo sát, đo vẽ khôi phục lại đảm bảo đủ để đánh giá, kiểm định chất lượng công trình; Hồ sơ thiết kế sửa chữa, cải tạo nâng cấp công trình cầu cảng, kiểm định gần nhất (nếu có); Hồ sơ khai thác cầu cảng như lý lịch cầu cảng, nhật ký khai thác cầu cảng, các hồ sơ phục vụ công bố mở cảng); Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị kiểm định phù hợp để phục vụ quá trình kiểm định và Trang bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân, đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện kiểm định.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định hồ sơ kiểm định cầu cảng bao gồm: Đề cương kiểm định; Các tài liệu về khảo sát; địa hình, địa chất, khí tượng, thủy hải văn, môi trường, hiện trạng kết cấu công trình; Báo cáo kiểm định bằng văn bản có xác nhận của tổ chức khai thác cầu cảng và tổ chức tư vấn kiểm định.
Nội dung chính của báo cáo kiểm định bao gồm: Căn cứ pháp lý; Giới thiệu chung về công trình được kiểm định; Tên tổ chức khai thác cầu cảng; Lý do phải thực hiện kiểm định; Tên tổ chức tư vấn thực hiện công tác kiểm định; thời gian và quá trình tiến hành công tác kiểm định; Nội dung kiểm định; Kết quả kiểm tra và đánh giá hiện trạng của cầu cảng; những thiết bị, phương án kỹ thuật đã sử dụng; Kết quả kiểm tra chất lượng các bộ phận của cầu cảng; những thiết bị, phương án kỹ thuật đã sử dụng; Kết quả kiểm toán khả năng chịu lực, điều kiện ổn định công trình và điều kiện khai thác cầu cảng; Báo cáo thử tải (nếu có); Xác định nguyên nhân gây hư hỏng, xâm thực kết cấu công trình, từ đó đề xuất hướng cải tạo, sửa chữa cầu cảng (nếu có); đề xuất giải pháp quản lý khai thác; Kết luận và kiến nghị về chất lượng cầu cảng; Cập nhật lý lịch cầu cảng; Các phụ lục số liệu đo đạc, xử lý và kiểm toán công trình; Biên bản hoàn thành công tác kiểm định; Các văn bản pháp lý có liên quan.
Tối thiểu 30 ngày làm việc trước khi cầu cảng đến thời hạn kiểm định định kỳ hoặc ngay sau khi hoàn thành việc kiểm định đột xuất, tổ chức khai thác cầu cảng phải hoàn thành hồ sơ kiểm định chất lượng cầu cảng. Tổ chức khai thác cầu cảng gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận kết quả kiểm định chất lượng cầu cảng trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Cục Hàng hải Việt Nam.
Cục Hàng hải Việt Nam tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và xử lý như sau: Trường hợp hồ sơ gửi trực tiếp, nếu hồ sơ đầy đủ thì cấp giấy biên nhận và hẹn trả kết quả theo thời hạn quy định; nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì trả lại ngay và hướng dẫn tổ chức khai thác cầu cảng hoàn thiện lại hồ sơ. Trường hợp nhận hồ sơ qua hệ thống bưu điện không đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản yêu cầu tổ chức khai thác cầu cảng bổ sung, hoàn thiện hồ sơ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định trên, Cục Hàng hải Việt Nam phải có văn bản chấp thuận kết quả kiểm định chất lượng cầu cảng theo mẫu quy định tại Phụ lục II của Thông tư này; trường hợp không chấp thuận phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
Tổ chức khai thác cầu cảng có trách nhiệm sửa chữa, khắc phục, bổ sung các hạng mục theo kết quả kiểm định đã được Cục Hàng hải Việt Nam chấp thuận; báo cáo kết quả cho Cục Hàng hải Việt Nam và Cảng vụ Hàng hải khu vực.
Cảng vụ Hàng hải khu vực có trách nhiệm giám sát, kiểm tra, xác nhận kết quả sửa chữa, khắc phục, bổ sung các hạng mục của cầu cảng theo kết quả kiểm định đã được Cục Hàng hải Việt Nam chấp thuận.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.